TRAN XUAN AN - PCDT NGUYEN VAN TUONG (tap II C)

Friday, December 16, 2005

PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (tập II C)

Tệp 12 - Tập II Blog C
(PHÂN ĐOẠN 4, TRUYỆN KÍ THỨ 8)

Tiếp theo tập II B (tập II Blog B) :
http://tranxuananpcdtnvt2b.blogspot.com/

Sẽ đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm
số tháng 12-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_txa-ky-content.htm


TRẦN XUÂN AN

CUỘC CHIẾN NGOẠI GIAO
VÀ NGOẠI THƯƠNG


Truyện kí thứ tám
(phân đoạn 4)

11

Trong tháng tám nguyệt lịch trước, triều đình đã đình nghị và được chuẩn định lệ cho giáo dân được đi thi, được làm quan như bao sĩ phu khác, chỉ có điều, họ phải tuân theo nghi lễ truyền thống của nước ta như tế lễ, triều mừng, và cạnh tên tuổi họ phải được chua vào hai chữ “giáo dân”. Mặc dù đã xoá hẳn sự phân biệt đối xử trên con đường khoa hoạn, giáo dân vẫn không ngớt làm reo, kêu đòi bồi thường trong cuộc nội chiến lương – giáo Nghệ – Tĩnh, và ở Huế, họ vẫn ra mặt ủng hộ, hậu thuẫn khâm sứ Pháp Rheinart, quyết triệt hạ thượng thư Bộ Hộ, đại thần Viện Cơ mật, quan Thương bạc, bá tước Kì Vĩ Nguyễn Văn Tường! Vụ triệt hạ Nguyễn Văn Tường của Rheinart và giáo dân Huế chính cố đạo Pháp về sau cũng gọi là một “mánh khoé” (94), hay đúng hơn là một thủ đoạn, để vừa triệt hạ quan Thương bạc, vừa làm reo nhằm đạt cho được mục đích rất tầm thường là có một địa điểm tốt, trên địa điểm ấy Pháp sẽ xây dựng Sứ quán Pháp. Lúc bấy giờ, mặc dù trách phạt Nguyễn Văn Tường, nhưng vua Tự Đức vẫn chỉ rõ tính chất của vụ việc: “không nên làm nhục nhau” (95) . Đó là những chữ trong câu nói của nhà vua, khi tướng Pháp Duperré đã tỏ ý lấy làm hổ thẹn, cử phái viên phụ tá ra Huế thương thuyết hoà giải.
“Việc trước không nói nữa. Từ sau, phàm người hai nước đối xử với nhau, đều đem lòng thành thực tin nhau, không nên làm nhục nhau” (95) .
Mục đích chỉ là triệt hạ Nguyễn Văn Tường, nhưng sự thể là thế này:
“Sợ các quan ta, nhất là các quan ở thương cảng có thể gây trở ngại, trong thương ước này còn nói thêm: Viên khâm sứ có quyền chấp nhận hay không chấp nhận các viên quan phục vụ tại các hải cảng mở ra để giao thiệp với Pháp [?]. Như vậy có nghĩa là nhưng kẻ nào chống đối lại người Pháp có thể bị thải hồi hay đổi đi làm việc ở một nơi khác [?].
Sau hiệp ước Giáp tuất được kí kết, ngày 15 tháng 01 năm một tám bảy lăm (1875), thượng thư [Bộ] Hải quân Pháp gởi thư cho thống đốc Nam Kì Đuyperê (Duperré), yêu cầu đề cử một người giữ chức khâm sứ để giao thiệp với Triều đình Huế. Và Đuyperê đã cử Râyna đề Étxa (Rheinart des Essart), sanh ngày 01.11.1840, xuất thân đại úy hải quân lục chiến, từng làm tham biện tại Soái phủ ở Sài Gòn và công sứ ở Hà Nội.
Râyna đi trên chiếc thuyền Ăngtilốp (Antilope) và tới Thuận An vào ngày 25 tháng 7. Bên ta phái một viên quan Bộ Lễ về Thuận An nghinh tiếp, sau đó đưa về công quán. Hai ngày sau, Râyna sang thăm các quan Thương bạc (tức là quan Ngoại giao của ta) và được thượng thư Nguyễn Văn Tường đón tiếp niềm nở. Cuộc bang giao ban đầu diễn ra tốt đẹp, (như Râyna bị ốm, vua Tự Đức liền cho người đến hỏi thăm sức khoẻ), nhưng về sau, giữa viên khâm sứ Pháp và Triều đình Việt Nam trở nên thù hằn chỉ chờ cơ hội để hại lẫn nhau.
Lúc Râyna đến Huế thì Tòa Khâm sứ chưa xây cất nên phải tạm trú tại công quán mà Triều đình Huế dùng để đón tiếp các nhà ngoại giao các nước. Công quán này tuy bằng tranh nhưng cũng khá đẹp, trước mặt có cột cờ, chung quanh có tường, viên khâm sứ ở đây với Priơ (Prieux), quan cai trị hạng nhất, Đôphanh (Dauphin), thư kí, Xuliê (Souliers), bác sĩ, Phơlơri (Fleury), thợ làm bánh mì, Đôm (Dhomps), quản gia, và một viên chủ Sở Công chánh ra Huế để lo việc xây cất Tòa Khâm sứ. Lúc bấy giờ ở Huế chỉ có mấy giáo sĩ và bảy (07) người Pháp kể trên là được phép lưu trú mà thôi. Ngoài ra, trong Sứ quán còn có một viên thông ngôn, những người đầu bếp và một số ít lính đều là người Việt.
Công việc trước tiên của Râyna khi đến Huế là chọn đất để làm Tòa Khâm. Trong thương ước, có khoản nói rằng: Chánh phủ Việt Nam nhường không cho Chánh phủ Pháp đất đai cần thiết để làm nhà cho các viên công sứ hay nhân viên tùy tùng ở. Tuy thế, Triều đình Huế chỉ bằng lòng để cho Râyna sử dụng những mảnh đất thật xa thành phố, lại ẩm thấp, cứ đến mùa mưa thì ngập nước. Những nơi mà Râyna vừa ý thì các quan ta lại không thuận, lấy cớ đất ấy là của riêng nhà vua hoặc của các ông hoàng bà chúa, hay sắp dùng để xây cất đền này đài nọ v.v…
Râyna thấy ta làm khó dễ, nên đã quyết định bảo với viên chủ Sở Công chánh Sămbe (Sambert), cùng với những người giúp việc đến nhà thờ Lịch Đại (gần ga Huế), đóng nọc định làm bừa Tòa Khâm sứ ở đó. Sợ Râyna liều lĩnh xâm phạm nơi thờ phụng, nên Triều đình Huế bằng lòng cho mảnh đất nơi công quán, mà Râyna hiện đang tạm trú. Mảnh đất này nằm tại hữu ngạn sông Hương, gần cầu Trường Tiền. Dần dần lâu đài, dinh thự lập lên chung quanh vùng này và tạo thành một khu vực mang tên là khu vực của người Âu (tuy gọi thế chứ phần nhiều là của người Pháp).
Tòa Khâm sứ chiếm một khoảng đất vào lối hai trăm (200) thước vuông. Nhân công (chừng ba mươi [30] người Trung Hoa) và vật liệu đều đưa từ Sài Gòn ra, chỉ trừ vôi và cát mua ở Huế. Làm tầng dưới xong, lúc xây tầng trên, Râyna bị các quan ta phản đối vì lẽ Toà Khâm dám vô lễ xây cao hơn cung điện của vua. Và khi lợp mái nhà bằng những lá kẽm thì lại gây ra dư luận cho rằng người Pháp sợ ta bắn đại bác vỡ mái nhà nên không dám lợp ngói. [Thật ra, dư luận không phải không có cơ sở, vì tôn kẽm rất nóng bức đối với người ở, nhưng Pháp vẫn cố chịu đựng; như vậy hẳn có lí do; lí do ấy chỉ có thể là phòng thủ?].
Nhưng về sau mọi trở ngại đã được dàn xếp và Tòa khâm vẫn làm theo họa đồ đã vẽ từ trước.
Râyna là một tay thực dân hạng nặng, vì thế nên mối bất hòa giữa ông với Triều đình Huế mỗi ngày một trở nên trầm trọng. Nhà cầm quyền Pháp thấy rằng nếu để ông thì bất lợi cho đường ngoại giao trong buổi ban sơ nên đã ra lệnh triệu hồi, khiến ông không kịp dự vào lễ khánh thành Tòa Khâm sứ” (96)
.
Sự thể cũng không phải là tên thực dân Rheinart không ngang ngược ngay giữa kinh đô nước ta:
“Nổi tiếng về bình tĩnh, thận trọng và cương quyết, ông ta [Rheinart] được chọn làm công sứ ở Hà Nội [nếu chiếm hẳn được Bắc Kì], vào giai đoạn viễn chinh của Françis Garnier. Nhưng vì những phản đối của ông không ngăn cản nổi những vi phạm của nhóm văn thân cũng như không ngăn nổi về sự đầu hàng của Philastre nên ông xin được triệu hồi […].
Việc đầu tiên là ông chọn một đám đất để đặt trụ sở phái bộ. Đây chẳng phải là việc dễ dàng. Những sự đi lại của người Pháp xung quanh [kinh] thành đều bị nhìn với cặp mắt khó chịu. Thương bạc hay Bộ Ngoại giao mong muốn công sứ [:khâm sứ] Pháp đặt bản dinh càng xa thành phố càng tốt. Những yêu cầu của ông Rheinart đều bị bác bỏ. Khi thì đất này thuộc của vua hoặc là thuộc một người trong hoàng tộc, khi thì đất được dành cho một công trình xây dựng tưởng tượng gì đó. Thương bạc đề nghị những nơi bị ngập nước về mùa mưa hoặc ở làng Vân Dương nằm ở hạ lưu của Toà Khâm hiện nay, hoặc ở một nơi khác nào đó.
Ông Rheinart nghĩ rằng không nên nhận các vị trí ấy và quyết định dùng một mánh khoé để giải quyết. Một hôm ông đi với ông Sambert, là đốc công các công trình công cộng, và khoảng ba mươi lao công [giáo dân], đến vùng lân cận của Lịch Đại là miếu thờ các triều đại ngày xưa của hoàng gia, gần bên ga Huế, và bắt đầu đóng cọc. Triều đình đã cấp tốc gửi một nhân viên qua yêu cầu ông Rheinart đình chỉ công trình. Nhưng ông này làm ngơ và không nhượng bộ, tiếp đó là một sự thương thuyết kéo dài, và căng thẳng có thể đến đổ vỡ. Nhưng cuối cùng hai bên đã đã chịu chấp nhận đám đất ấy như hiện nay. Người ta có thể hình dung sự xôn xao của triều đình Huế trước một hành vi phạm thượng táo bạo như thế, mãi cho đến khi Thương bạc chịu hứa hẹn rõ ràng một sự thu xếp.
Giấy tờ nhượng đất ở Trường Thuỷ [quân] là vào ngày mười chín (19) tháng tư (04) âm lịch, năm Tự Đức thứ hai mươi chín (29) (12.5.1876). Như vậy phải một năm thương lượng khéo léo và cứng rắn mới đạt kết quả” (94)
.
Rheinart càng thích chí lúc biết được, sau khi thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường bị một tên đại uý nhãi nhép như y dám tỏ hành vi ngang ngược, với một cách lừa đầy mánh khoé khá du côn, ông đã bị vua Tự Đức hiểu lầm và ra dụ giáng đến bốn cấp, lại quở trách rất nặng nề:
“Dụ rằng: Vừa đây sứ Pháp có gửi thư cho Toà Thương bạc, xin chọn một chỗ khác để tiện chỗ ở, song không nói rõ là chọn chỗ nào.
Cứ lời tâu của viên Thương bạc, hiện đã chuẩn cho Bộ Công đi khám xét, xem họ định chọn chỗ nào, có thể y cho được hay không. Nếu phái viên không biết chỗ nào, thì phải hỏi tên [linh mục] Nguyễn Hoằng đi chỉ dẫn.
Lại cứ viên Nguyễn Văn Tường phụ trách Thương bạc tâu trình rằng, viên sứ Pháp xin sẽ đến dinh của y để thương thuyết, và định xin chiều ngày hai mươi chín tháng trước sẽ đến hội bàn, song Nguyễn Văn Tường cũng chưa từng tâu xin để đi hội dẫn khám xét. Việc đi khám nay uỷ cho Bộ Công, hiện đã có phiến tấu ở đó, mà viên này cũng không từng xin cùng đi với Bộ Công để hội dẫn khám. Vậy không biết chiều hai mươi chín ấy, họ hội thương với nhau những gì, mà bỗng sáng hôm mùng một, [trẫm] thấy phiến tâu lên rằng, chiều hôm ấy hội thương, sứ Pháp xin cùng với Nguyễn Văn Chất [thuộc] Bộ Công cùng đi khám hai nơi là làng Nhất Dương Xuân và làng Nguyệt Biều, mà cũng không nói rõ hai nơi đó là Long Thọ Cương. Trẫm xem xong lấy làm lạ, công việc họ không hợp lẽ, và cũng chưa hề phân xử, thì bỗng chốc hôm mùng bốn, lại tiếp phiến tâu rằng, cứ xã Nguyệt Biều lên báo với Thừa Thiên phủ thần rằng: Thấy có người Tây dẫn hơn ba mươi tên giáo dân theo đạo, đến nơi Long Thọ Cương giẫy cỏ, và vẽ địa đồ, vậy viên Thương bạc xin đưa thư để cản lại. Trẫm đọc qua, càng thêm thấy làm quái gở, bọn người ngoại quốc kia, không hiểu lễ phép, dám khinh suất đến như thế, mà cũng là viên Bạc thần vẽ đường cho họ, nay nếu có gửi thư trách họ, thì cũng đã muộn rồi.
Vả lại viên Bạc thần chỉ được đi hội thương với họ mà thôi, chứ chưa từng được phép dẫn đi khám xét, vậy mà dám vội nghe một lời khinh suất, cùng đi với họ, để cho họ thấy mình dễ dãi như thế, mới dám lộng hành. Vậy không phải viên Bạc thần mở đường cho họ hay sao?
Việc làm trái với pháp luật, đạo lí, đáng lẽ phải lập tức cách chức, nhưng hãy tạm khoan thứ một lần. Viên Nguyễn Văn Tường, nghĩ phạt giáng bốn cấp về tội không biết lấy lẽ phải mà can ngăn bọn kia, lại còn đi theo họ mà làm liều nữa; viên Nguyễn Văn Chất, nghĩ giáng hai cấp, và nhưng trách viên Bạc thần từ giờ về sau, cần phải thận trọng, phàm làm việc gì phải ổn thoả chu đáo, để chuộc tội trước mới tránh được tội nặng sau này.
Còn đám dân đạo, tuy là chúng theo tôn giáo khác, song cũng vẫn là dân của ta. Để dìu dắt coi sóc cho chúng đã có các chức huyện lệnh kinh triệu. Vậy mà chúng không theo lệnh người trên, lại đi nghe theo người khác, thực không hiểu hạng này là hạng dân gì? […]. Ngay việc Nghệ An cũng là do bọn ngươi khiêu khích quá quắt, để cho bọn xấu được vin cớ phiến động, làm phiền lòng trẫm… […] … Nay các ngươi lại khơi mào ra lấy điều phi lễ, thì sau đây những việc như mở khoa thi chọn người ra làm quan sẽ ra làm sao? Đó không phải tự mình gạt mình ra ngoài, thì còn đổ lỗi cho ai?… […] … Vậy thì ai chả là dân, can gì ham những lợi lạc trước mắt, để mong cầu những phi vọng không thể có được để làm gì? Đó chẳng qua là bọn người mê muội theo giáo, nên không chịu nghĩ chín mà thôi…” (97)
.
Sự thể đã được làm rõ với sự hổ thẹn của Duperré và lời dụ cuối cùng của vua Tự Đức về vụ việc này.
“Bấy giờ, sứ nước Pháp (Lê Na [Rheinart]) đến Nha Thương bạc hội thương, yêu cầu cùng với biện lí Bộ Công là Nguyễn Văn Chất cùng đến địa phận xã Dương Xuân, xã Nguyệt Biều (hai xã thuộc Hương Thuỷ), khám chọn trụ sở. [Rheinart] liền đem theo ba mươi (30) giáo dân đến núi Thọ Cương cắt cỏ, vẽ bản đồ. Việc ấy tâu lên, vua bảo rằng: “Hắn dám khinh thường làm càn, đều do quan Thương bạc mà ra. Nguyễn Văn Chất không biết giữ lí can ngăn, phủ huyện không biết dạy dân, đều đáng có lỗi, đều phải giáng lưu, để cho răn sửa”. (Khi ấy quan Thương bạc chỉ nhận mệnh lệnh hội thương, mà khinh thường nghe lời cùng đi với). Nhân thế, sai đưa thư trách sứ Pháp. Sau rồi tướng nước Pháp ở Gia Định biết lấy làm thẹn, sai người giúp việc [:phụ tá, trợ lí] ở Phủ [suý] đến [kinh đô] giảng thuyết.
Vua [kết luận,] bảo rằng: “Việc trước không nói nữa. Từ sau, phàm người hai nước đối xử với nhau, đều đem lòng thành thực tin nhau, không nên làm nhục nhau”” (95)
.
Đừng lợi dụng sự tin tưởng của quan Thương bạc, dù là tin tưởng tối thiểu, vào tư cách văn hoá tối thiểu của một khâm sứ nước Cộng hoà Pháp, để giở trò lừa đảo nhằm mục đích làm nhục, triệt hạ!
Kết luận là thế, nhưng cái chuỗi lập luận theo kiểu quy buộc trách nhiệm đối phó và trách nhiệm liên đới của hoàng đế nghe mà đau xót! Nhưng bấy giờ là thế, với kiểu quy buộc trách nhiệm ấy, nếu người có chức trách được ghi công cùng chiến thắng, thơm lây, thưởng theo, thì cũng phải chịu dây phải vết nhục thất bại, phải chịu vạ lây, đều cùng bị phạt.
Rheinart về sau cũng thú nhận theo giọng điệu của y:
“Vai trò của người phái viên trong một thời gian dài hoàn toàn như không có, bởi lẽ đối phương chỉ nhượng bộ trước vũ lực. Riêng bản thân tôi sẽ gặp muôn vàn khó khăn hơn ai hết để có một nhượng bộ. Tôi đã gặp nhiều khó khăn với triều đình Huế, và từ thuở ấy, ông thượng thư Bộ Hộ (Nguyễn Văn Tường) rất có uy tín với vua, đang hận thù đối với tôi sau nhiều chuyện rắc rối xảy ra giữa chúng tôi” (98) .
Một tên thực dân khác viết một cách thù hận cả sau khi Nguyễn Văn Tường đã phải chết ở hòn đảo lưu đày biệt xứ của chính thực dân Pháp:
“Than ôi, ngay ngày hôm sau [tức là ngày kế tiếp ngày 29.8.1875 (một tám bảy lăm)], những thủ đoạn phá rối có hệ thống [?!?] của Nguyễn Văn Tường kéo dài cho đến ngày chiếm cảng Thuận An [8.1883 (một tám tám ba)], và còn về sau này, cho đến khi đày kẻ thù không đội trời chung của chúng ta, và trong thời gian [bị lưu đày tại Tahiti] đó, [Nguyễn Văn Tường] chẳng chịu hiểu biết gì, cũng chẳng chịu quên gì” (99) .
Kẻ thù đã viết như thế về bá tước Kì Vĩ Nguyễn Văn Tường, gọi quá trình đấu tranh chống Pháp trên mặt trận chính trị, ngoại giao của ông một cách khiếm nhã như vậy: “những thủ đoạn phá rối có hệ thống” ! Giọng lưỡi thực dân nghe đến kinh tởm.
Nhưng dẫu sao những lời lẽ phải quấy, đúng sai, này nọ, trong phản ứng tức thời của vua Tự Đức, hay trong ngẫm nghĩ hằn học của thực dân cố đạo, thực dân cai trị về sau, hoặc trong bình tĩnh nhưng hơi cả nể “tả đạo” của học giả hoàng tộc về sau nữa, kể cả thuật sự của sử thần thời Thành Thái, cũng đều nói xa nói gần về thái độ, mánh khoé côn đồ của tên đại uý nhãi nhép Rheinart, được chính phủ Pháp phong đến chức khâm sứ! Thái độ, mánh khoé của y đối với thượng thư Bộ Hộ, đại thần Viện Cơ mật, kiêm quản Nha Thương bạc Nguyễn Văn Tường cũng chẳng khác gì Jean Dupuis, Françis Garnier đối với cố Vũ hiển đại học sĩ, đổng sức tuyên sát đại thần Nguyễn Tri Phương dạo nào, tuy ở mức độ côn đồ thấp hơn.
Tuy nhiên, lúc này vẫn đang là tháng chín nguyệt lịch, năm Tự Đức thứ hai mươi tám, Ất hợi (1875).
Khi sự khiêu khích côn đồ đó xảy ra, triều đình và nhà vua, hoàng tộc cũng như sĩ dân kinh đô Huế cứ ngỡ Rheinart cùng bọn giáo dân, nói theo chữ của vua Tự Đức, là bọn “bỏ nước” (ruồng bỏ, phản bội Tổ quốc) ấy, hẳn thực chất cũng như bọn tướng tá, sĩ tốt của Nguyên – Mông, thậm chí còn ngạo mạn một cách thâm độc hơn. Thượng thư Nguyễn Văn Tường đau đớn nhớ những dòng ”Hịch Tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo:
“… Huống chi, ta cùng các ngươi sinh phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan, ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem tấm thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thoả lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam vương mà thu bạc vàng, để vét của kho có hạn. Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi để tai vạ về sau!
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thây này phơi ngoài nội cỏ, nhìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng.
“… Nay các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn, làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc Thái Thường để đãi yến ngụy sứ mà không biết căm, hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thú ruộng vườn, hoặc quyến luyến vợ con, hoặc lo làm giàu mà quên việc nước, hoặc ham săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát… ” (100)
.
Không có gì xúc phạm cho bằng việc một tên đại uý nhãi nhép người Pháp lại dám xúc phạm đến Long Thọ Cương, nơi có đền thờ Lịch Đại! Lịch Đại là một bộ sử của dân tộc Việt, không phải bằng chữ, mà bằng sự phụng thờ từ khởi thuỷ cho đến các đời Vua Hùng, các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, dựng nên nền độc lập của dân tộc suốt bốn nghìn năm (101). Tất nhiên không tính đến cách thờ có tính chất ngoại giao, vờ chấp nhận như một “phiên thuộc” độc lập, trước sức ép của Trung Hoa “thiên triều”. Dẫu sao, Lịch Đại vẫn là lịch sử dân tộc Việt kiên cường kháng chiến để giữ độc lập và “nhu viễn” sau những cuộc đại thắng hiển hách. Thật ra, dưới triều Nguyễn, cái “nhu viễn” kiểu đó cũng làm mất quốc thể và lòng tự hào, tự trọng dân tộc không ít! Nhưng lạ lùng thay, nhưng cũng bình đẳng thay, nơi Long Thọ Cương ấy, tại xã Nguyệt Biều, vẫn có cả đền thờ quốc vương Chiêm Thành, hằng năm đều có tế lễ vào hai tháng trọng xuân và trọng thu (101). Rốt lại, đấy là thờ kính không chỉ về quan hệ lịch sử mà còn thờ kính về quan hệ trao đổi tương tác văn hoá. Long Thọ Cương là như thế, lại bị một tên đại uý nhãi nhép côn đồ người Pháp cùng đám giáo dân vô lại xúc phạm như thế! Nhưng có thể đấy chỉ là “ngỡ”, là “chừng như”!
Xúc phạm của Rheinart với bọn đồng mưu là đám giáo dân chỉ vì một lẽ rất tầm thường: chúng sợ mùa nước lụt sẽ bị ngập nước, lầy lội, muốn tìm một chỗ cao ráo để dựng Sứ quán Pháp, và chỉ thế thôi? Đó là sự xúc phạm vì ngu dốt, vì thói côn đồ của loại người vốn là cặn bã của nước Pháp, chứ không phải là sự xúc phạm thâm độc?
Dẫu sao, đối với quan Thương bạc Nguyễn Văn Tường, vụ xúc phạm, khiêu khích, trò lừa đảo với mánh khoé làm reo ấy của kẻ thù và giáo dân Huế, những tên cùng loại với ngụy tổng đốc Trương thợ rèn phản quốc ở Hải Dương, khiến ông rất đau xót.
Và quan Thương bạc Nguyễn Văn Tường càng đau xót hơn biết bao nhiêu lần trong việc thực hiện “sách lược thoả hiệp tạm thời”, “chịu khuất” này. Thời, thế, cơ hiện nay chỉ khiến vua Tự Đức vờ ngây thơ với sĩ dân trong việc lấy sự “giao hảo” với giặc Pháp để tranh thủ “kẻ mạnh”, nhằm chặt đứt chỗ dựa của bọn nội phản “tả đạo”, “phù Lê” với thói cơ hội “đón gió xoay buồm” đốn mạt! Hiện tại triều Nguyễn không có tể phụ (tể tướng). Ông chỉ đứng ở vị trí số hai trong các đại thần tại triều. Trên ông còn có Trần Tiễn Thành, một kẻ chủ “hoà”, lúc này vẫn trễ nãi việc chấn chỉnh quân lực, lại rất được vua Tự Đức sủng ái một cách lạ thường. Mặc dù chẳng có công lao, chưa hề trải qua gian khổ (ngoại trừ một số tháng ngày đi đánh dẹp bọn Đá Vách tại Quảng Ngãi!), Trần Tiễn Thành lại được thăng chức đặc cách vùn vụt. Trần Tiễn Thành chỉ có mỗi một tài khua môi thầm thì tư biện. Đến lúc này, thượng thư Nguyễn Văn Tường càng thấy rõ Trần Tiễn Thành, và càng hiểu ra chính ông cũng có một thời ngộ nhận về ông ấy!
Thượng thư Nguyễn Văn Tường hiểu thời, thế, cơ hiện nay, không phải là một hiện thực khả dĩ cất lên tiếng hịch bi tráng và rất đỗi hào tráng như thời cả dân tộc phải đương đầu với một lực lượng từng đánh bại cả Á lẫn Âu, chiếm hẳn một nước khổng lồ là Trung Hoa, biến Trung Hoa thành một kho lương thảo vô tận cho mưu đồ soải vó ngựa Nguyên – Mông xuống phương Nam. Quân Nguyên – Mông thiện chiến nhưng cô độc chỉ một mình nó. Quân Nguyên – Mông đánh đâu thắng đó, “lưỡi gươm Nguyên đâm lút bản đồ Âu” (102) , nhưng vẫn chỉ là vó ngựa với thanh gươm, đặc biệt là cung nỏ. Đế quốc vô địch thế giới Nguyên – Mông đã thảm bại đến ba lần sau bài hịch của Trần Hưng Đạo. Chiêm Thành cũng phối hợp với Đại Việt để chặn đứng mưu toan tràn xuống xâm lược phương Nam của đế quốc Nguyên – Mông. Đó là thời, thế, cơ của thuở mà Hịch Tướng sĩ có một hiện thực đầy khả năng chiến thắng để cất lên, vang vọng khắp núi sông. Thời, thế, cơ hiện nay, bọn giặc da trắng không những liên minh với nhau, chúng còn biết dùng “chiến tranh thuốc phiện” hoặc tôn giáo “tả đạo” để làm sức ép, để đầu độc đến mê muội dân ta và dân các nước bị đánh chiếm ở khắp Á Tế Á, A Phi Lị Gia, Nam Mỹ Lợi Kiên (Asie, Afrique, Sud Amérique [latin]), và nhất là kĩ nghệ vũ khí, tàu thuyền, vốn vượt xa ta đến mức ta lạc hậu, rớt lại phía sau trước đà tiến phi thường của chúng, rớt lại phía sau một cách bi hài đến đau đớn, thảm bại trong kinh ngạc. Thời, thế, cơ hiện nay chỉ có thể chua xót, tủi hận như thuở Hậu Trần với nỗi niềm Đặng Dung sao? Không, bi kịch lạc hậu hiện nay thời Hậu Trần không gặp phải. Nỗi đau hiện nay đau đớn vạn lần hơn, và bi hài xưa nay chưa từng có!
Thượng thư Nguyễn Văn Tường khẽ đọc, cho bao người tâm huyết, tài năng, và cho cả chính mình:

Thuật hoài

Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chủ hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỉ độ Long Tuyền đới nguyệt ma


Kể nỗi lòng

Việc nước rối bời, già được sao!
Khúc say, trời rộng cũng đong vào
Gặp thời đốn mạt thành công vượt
Thất thế anh hùng nuốt hận trào
Có chí phò vua, xoay trục đất
Không đường rửa giáp, kéo sông sao
Chưa đền nợ nước, đầu hoen bạc
Mấy độ gươm mài, bóng nguyệt cao! (103)


Đọc lại đoạn hịch, ngâm lại bài thơ, thượng thư Nguyễn Văn Tường cảm thấy tim mình bừng sôi, thấm thía nỗi căm hận ngút trời xen lẫn với niềm bi phẫn đắng lòng! Cố nhiên liên tưởng, cảm nhận nào đó của ai đó, cũng như sự so sánh, đều có so le, mấy khi trùng khít đến tuyệt đối. Hai câu thực của bài thơ, nếu hiểu một cách quá cụ thể, không hoàn toàn đúng với thời vua Tự Đức trị vì, một triều đại có đến hàng chục bản chiếu, dụ tiến cử người hiền tài ra giúp nước với phương châm của người xưa: “Tiến được người tài, sẽ được thưởng hậu; che giấu người tài, sẽ bị giết” . Đây không phải là sự gặp thời, thất thế trên bước đường công danh của cá nhân, mà là thời, thế, cơ của cả thời đại. Ấy là thời giặc Tàu nhà Minh xâm lăng, quân Việt thời Hậu Trần (thời Hồ Quý Ly soán đoạt) tuyệt vọng trong chiến bại. Ấy là thời Pháp, “tả đạo” xâm lược này, xét trong tương quan lực lượng Việt – Pháp, Á – Âu… Tâm trạng và không khí chung của bài thơ Thuật hoài sao giống y như nỗi ngút trời căm uất, bi phẫn ở những tháng năm này đến thế!

12

Với chức trách quan Thương bạc, thượng thư Nguyễn Văn Tường biết trước những vết nhục bởi côn đồ, lưu manh, ông sẽ chạm phải, nên một lần ông với thượng thư Bộ Lại Nguyễn Tư Giản đã xin từ chối, nhưng không được vua Tự Đức cho phép. Giờ đây, quan Thương bạc Nguyễn Văn Tường vẫn đành phải làm tiếp công vụ ấy.
Những năm này, Pháp đang thua sút các nước khác, như Anh, Đức, kể cả những khách thương người Hoa trong việc thương mại. Ở cảng sông Cửa Cấm (Ninh Hải), ở Hà Nội, tàu thuyền treo cờ Anh, Đức và nước Thanh vẫn chiếm tỉ lệ nhiều hơn tàu thuyền treo cờ Pháp. Sự sa sút này không phải do Pháp không đủ sức mạnh vũ lực và không lợi dụng thế mạnh ở “hoà” ước, thương ước để chiếm độc quyền trên thị trường Bắc Kì và cả tại cửa biển Thi Nại thuộc Bình Định (khai thương từ ngày 01.11.1876; theo khoản XI “hoà” ước và khoản I thương ước Giáp tuất 1974). Nguyên nhân sa sút ấy, chính là do sự suy đốn ở chính nước Pháp.
Bọn thực dân Pháp lại mở ra hướng mới một cách trái phép, không đếm xỉa gì đến “hoà” ước. Nói đúng hơn, chúng lợi dụng điều khoản “du học bác vật” (đi thực địa để sưu tầm, nghiên cứu, học tập khoa học) nhằm thực hiện việc thăm dò các tài nguyên khoáng sản của ta!
Ngay sau khi sự cố Rheinart khích biến tại Huế, quan Thương bạc đại thần Nguyễn Văn Tường lại cùng các thành viên Viện – Bạc bàn thảo để tâu trình lên vua về văn thư xin phép lên du thám vùng thượng du Bắc Kì của lãnh sự Pháp tại Hải Dương. Nhà vua không đồng ý. Nguyễn Văn Tường được dụ viết thư cho tướng Pháp tại Gia Định để y tự xét lại và ngăn cản ý đồ du thám đó của tên lãnh sự ngoài kia. Ông viện dẫn ý của chính tướng Pháp, “chưa nên sang Vân Nam (Trung Quốc)” (104) , và cả ý của Dujardin, “thượng du chưa yên, đâu nên đi vào nơi nguy ấy” (104) . Đúng là thượng du Bắc Kì còn rất nhiều phỉ, còn việc lên Vân Nam, muốn xuôi dòng sông Hồng, khá thuận lợi, nhưng muốn ngược dòng, rất khó, vì lắm ghềnh thác. Nhưng dẫu sao, Pháp vẫn thừa hiểu triều đình không muốn bị xâm phạm chủ quyền Đất nước. Quan Thương bạc vẫn cố giữ phương thức “cương trong nhu” , lời lẽ mềm mỏng nhưng ý tưởng vẫn rất cứng cỏi, không những kiên mà còn rất định.
Rheinart cũng đã bước vào công việc khâm sứ của y. Y thương thuyết với Nguyễn Văn Tường yêu sách thay đổi tuần phủ Thuận – Khánh Lê Đình Tuấn. Quan Thương bạc lại cùng Viện – Bạc bàn luận. Rất tiếc, Viện – Bạc và nhà vua đều nhân nhân nhượng, thay bằng bố chính sứ Hà Nội Trương Gia Hội. Vua Tự Đức chỉ dặn Trương Gia Hội: “Còn như người trong Nam, trẫm cũng để ý bồi dưỡng, ngươi đối xử cũng nên ổn thoả, chớ để [lộ] hình tích [:dấu vết] gì là được” (85) .
Tuy vậy, một vụ việc đau lòng lại sẽ xảy ra vào những ngày trước khi bước qua tháng năm nhuận, năm Bính tí (1876), sau hôm Trương Gia Hội nhậm chức khoảng tám tháng:
“Trước [đây], người trong Nam khởi nghĩa, bị nước Pháp bắt được, phát giam làm việc ở Côn Luân [Côn Đảo], [gần đây, các nghĩa sĩ ấy] lẻn trốn hai mươi bốn người. Tướng Pháp [tại Gia Định] bắt phải nã bắt. Đến nay, bọn Trần Ngọc Trúc, bảy (07) người, trốn về Bình Thuận. Quan tỉnh là Trương Gia Hội đem việc tâu lên [vua]. [Vua] sai bảo [cho các nghĩa sĩ đó] phải [ẩn] lánh xa. Sau vì tiếng tăm khó che, [vua] sai giam ngay, giải giao cho tướng Pháp” [!!!] (105) .
Lúc này, Trương Gia Hội chỉ mới từ Hà Nội vào kinh đô Huế, đang chuẩn bị vào nhậm chức mới tại [Bình] Thuận – Khánh [Hoà].
Lúc này, đại thần Thương bạc Nguyễn Văn Tường lại phải tiếp giám mục Gauthier từ Nghệ An vào kinh đô (106). Y vào để khiếu kiện về việc lương – giáo lại nghi kị nhau. Lệnh chuẩn của vua đã cho quan tỉnh xét xử, nhưng vẫn chưa xét xử ngay. Rheinart lại gửi văn thư qua Nha Thương bạc với lời lẽ bất mãn (106)! Phạm Huy Khiêm, tả phó đô ngự sử Viện Đô sát, phải lên đường ra Nghệ để điều tra vụ thiêu sát (đốt nhà, giết người) mới đây (106). Quan Thương bạc họ Nguyễn càng nhận thấy rõ mâu thuẫn lương – giáo ở Nghệ, và nói chung trên Đất nước, là vô phương hoà giải. Ông biết căn nguyên là tại đâu. Đó không phải chỉ là xung đột tôn giáo xét trong khía cạnh văn hoá, mặc dù văn hoá là một khía cạnh quan trọng.
Tháng chín nguyệt lịch đã qua, tháng mười đến.
Nguyễn Hữu Độ, người Thanh Hoá, thị độc học sĩ, sung quản lí Thương chính Hải Dương kiêm việc hải phòng, xin nghỉ phép giả hạn, vào kinh đô Huế thăm nhà, viếng mộ (107). Nhân dịp này, ông ta xin vào chầu vua. Vua Tự Đức rất mong nghe chuyện thương chính ở Bắc Kì, liền chuẩn y lời sớ xin. Nguyễn Hữu Độ liền tâu về ba việc khó giải quyết (107): lưu dân vốn là người nước Thanh tràn sang Hải – Yên; việc thương chính, “phái viên nước Pháp ở đấy chi dùng đã nhiều, lại thêm làm kho tạm, đắp đất ở, công trình phí tổn không biết bao nhiêu mà kể. Hiện nay việc buôn tuy thi hành, [nhưng] thuế buôn chưa được dồi dào, việc làm như thế, chắc hẳn có thâm ý gì khác… Thần thường từ chối là đường [lên thượng du] nghẽn, họ tuy tạm hoãn, nhưng lòng cầu mong tưởng không chịu bỏ…” (107) ; việc khai mỏ: “… Ngay khai mỏ, việc tất phải làm. Nếu cố chấp từ chối, đến lúc ấy, thế khó ngăn được. Xin tạm thời phái nhiều viên có tài cùng với họ chia đi coi làm, cốt để ta nắm quyền lợi, mà họ không dám khinh thương bừa bãi, tưởng là được cả hai việc” (107) . Vua Tự Đức khen lời tâu và chuẩn thăng thự hồng lô tự khanh, biện lí Bộ Lại, sung làm cả công việc Nha Thương bạc (107) với đại thần Nguyễn Văn Tường.
Hôm Nguyễn Hữu Độ vào tâu trực tiếp với vua, có sự hiện diện của các thành viên Viện – Bạc. Quan Thương bạc Nguyễn Văn Tường thấy lời y không phải là không quan tâm đến Đất nước, và không phải không có ý tố cáo âm mưu của bọn xâm lăng Pháp, nhưng quan Thương bạc vẫn thắc mắc là tại sao y lại sớm thoả hiệp với Pháp trong việc khai mỏ, chia chác cho chúng, một khi đó là tài nguyên của nước mình, mình có thể học tập và tự khai thác lấy. Hay y muốn ta phải chia cho chúng ngay, nếu không, trước sau gì chúng cũng cướp lấy, và đến khi ấy tất chiến tranh phải nổ ra? Lời tâu miệng và bản tập tâu, ẩn ý và minh văn, thật khó xét! Nhưng đó cũng chỉ là thoáng nghi ngờ của ông về y, với trực giác nhiều hơn là do sự phân tích trí tuệ, có cơ sở. Quan Thương bạc vội tự xua đi thoáng trực giác ông cho là đen tối, đó là sự hồ nghi về một người sắp là thuộc viên và đồng sự của ông ở Nha Thương bạc. Hồ nghi người khác nhị tâm (hai lòng), một cách võ đoán bằng trực giác, chẳng phải là tội lỗi sao (108)?
Sau một vài cuộc bàn thảo ở Viện Cơ mật – Thương bạc và đình nghị, vua Tự Đức ra dụ cho Hoàng Tá Viêm, Tôn Thất Thuyết, bảo phải dẹp hết giặc cỏ, giặc Cờ còn lại, và nghĩ định cùng quan nước Thanh về việc cùng “chọn người khai mỏ để chiếm quyền lợi; đường buôn, các chỗ trọng yếu liệu đặt phòng thủ; chọn nơi yên lành cho đoàn quân Lưu Vĩnh Phúc ở” (109) .
Đại thần Viện – Bạc, thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường cũng xác quyết trong các cuộc họp Viện và đình nghị, nếu tham vọng Pháp như thế thì ta cũng không thể không tìm đối tác là nhà Thanh để đối trọng.
Bấy giờ, ở Viện Cơ mật – Thương bạc, ông còn biết rõ bọn Pháp vừa đang cho tàu binh đến tận địa phận Sơn Tây để đo mực nước, lòng sông (110)!
Tình hình như thế là đã rõ âm mưu của Pháp: tham vọng của chúng không dừng lại ở “hoà” ước, thương ước Giáp tuất vừa mới hỗ giao mấy tháng!
Thượng thư Nguyễn Văn Tường suy tư trong bao nhiêu hoài niệm về một vùng đất cũ, quê hương thứ hai của ông, để đắn đo và đi đến quyết định viết bản sớ đề xuất:
“Đồn Trấn Lao, huyện Thành Hoá [Cam Lộ, Quảng Trị], giáp giới với Long Giang [:Khung giang, Mê Kông], đất tốt, lợi nhiều, có thế khống chế. Trước vâng lệnh kinh lí nhưng không chuyên trách, sau không thành công. Xin châm chước công việc sơn phòng ở Sơn Tây, đặt sơn phòng [ở Trấn Lao] để được thực tế” (111) .
Thượng thư Nguyễn Văn Tường đã tâu xin cho hai huyện Hướng Hoá, Thành Hoá được trực thuộc Sơn phòng Cam Lộ, để mở rộng quy mô của sơn phòng ấy (111).
Ông không thể quên được kế hoạch phòng thủ, nhất là việc mở thượng đạo nối Tây Sơn (Bình Định) với Nghệ An mà hồi làm tri huyện, bang biện khâm phái Thành Hoá ông đã trăn trở suy tư, vạch kế hoạch, tấu trình lên vua và đã được chuẩn y. Bấy giờ, suốt bao nhiêu ngày tháng ông đã dầm mưa, ngâm suối, lội bùn, đội nắng để thực hiện. Đâu phải không thành công trong suốt chín năm hơn là tri huyện ở đấy, rồi mặc dù chỉ hai năm làm bang biện, sau đó phải ra Bắc tiễu phỉ một cách khẩn cấp! Ông viết tập bản sớ, tất nhiên phải khiêm tốn, không nên kể công lao. Cũng sá gì một chút công lao trong quá khứ tít mù tắp! Điều quan trọng nhất là ông nhấn mạnh hai chữ thực tế. Để rõ nghĩa hơn: tình hình này, Pháp vẫn đang nuôi dưỡng dã tâm, phải đặt sơn phòng để được thực tế, nhược bằng không, sẽ không trở tay kịp với sự lật lọng tất yếu sẽ xảy ra của chúng. Và “hoà” để làm gì, nếu không tăng cường phòng thủ, chấn chỉnh binh lực, chờ thời cơ để chiến, chiến đấu quật khởi để đuổi cổ bọn Pháp, bọn thực dân “tả đạo”, rửa hận cho nước, cho dân và cho chính triều đình, quan chức, binh lính? Lúc này, tình thế này, không thể viển vông!
Đầu tháng mười một nguyệt lịch, Hoàng Văn Tuyển mới được thăng thượng thư Bộ Công, nay liền được bổ sung vào Viện Cơ mật – Thương bạc (112). Như thế, Viện – Bạc đại thần đã gồm năm thành viên: Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Lê Bá Thận, Trần Bình và thượng thư họ Hoàng. Phiên họp đầu tiên có Hoàng Văn Tuyển, bàn về việc tàu binh Pháp lên thẳng thượng du, vẽ bản đồ, tìm quặng mỏ trái phép, lại là mỏ vàng, tại núi Kim Bôi (Chợ Bến) (113)! Năm đại thần tìm cách đối phó trong sự suy nghĩ, bàn thảo căng thẳng. Trong phiên họp ấy, Nguyễn Văn Tường trình bày với đồng sự về những khó khăn gặp phải khi giữa ông và khâm sứ Pháp Rheinart đã có một sự cố đáng tiếc do chính bản chất du côn thực dân của Rheinart, kiểu khích biến, triệt hạ uy tín như Jean Dupuis, Françis Garnier đã gây ra đối với Nguyễn Tri Phương ở Hà Nội dạo nào. Đến nay, ông thấy cần giảm lại công tác, một khi nhà vua đã quyết định bổ sung thêm Nguyễn Hữu Độ làm tham biện Nha Thương bạc.
Viện – Bạc đồng ý tâu lên vua. Trần Tiễn Thành cũng đồng ý với cái cười nhạt kín đáo của ông ta, không một ai trông thấy. Không phải đến lúc này Trần Tiễn Thành mới hiểu Nguyễn Văn Tường không thể đồng quan điểm chủ “hoà” với mình được, nhưng trước đây, ông ta chưa hiểu rõ. Nguyễn Văn Tường lâu nay chỉ ẩn nhẫn trước cánh chủ “hoà”! Nếu Nguyễn Văn Tường chủ “hoà”, sao lại một lần nữa muốn khước từ công việc kiêm quản Nha Thương bạc, một công việc phải thường xuyên tiếp xúc với khâm sứ Pháp? Và sao Nguyễn Văn Tường lại không thể chịu nổi những tên thực dân xấc láo như Rheinart? Rõ là Nguyễn Văn Tường muốn Nguyễn Hữu Độ làm đúng cái việc cầu thân với Pháp, bởi Nguyễn Hữu Độ có khả năng cầu cạnh ấy? Trần Tiễn Thành suy nghĩ theo cách của ông ta, sau khi cuộc họp Viện – Bạc vừa tạm chấm dứt. Có điều, những ý tưởng ấy ở trong óc Trần Tiễn Thành với loại ngôn từ có sắc thái biểu cảm hết sức chủ “hoà”!
Hôm sau, theo lệ thường, buổi thiết triều vẫn được tiến hành tại Điện Văn minh với sự hiện diện của các thượng thư (có năm đại viên Viện – Bạc), tả hữu tham tri lục bộ và Nội các. Thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường liền bước đến chỗ tấu sự, sau khi Trần Tiễn Thành tâu về các ý kiến trong buổi họp Viện – Bạc hôm qua.
Bên cạnh chỗ tấu sự, luôn luôn túc trực một viên ngự sử, để có thể can gián quan viên, khi cần thiết, và một viên sung Nội các để ghi lời vua ban.
Quan Thương bạc thi lễ và thưa:
- Tâu hoàng thượng, “thần sung làm việc ở Viện – Bạc, ngoài số lương thường, hàng năm được thêm tiền bổng sáu trăm (600) quan. Viện: thêm được ba trăm (300); Thương bạc: thêm ba trăm (300). [Nguyễn] Hữu Độ chưa dự hàng đại thần nhưng việc công cùng giúp đỡ lẫn nhau, đều có san sẻ khó nhọc. Thần xin vâng lãnh tiền Viện [Cơ mật] ba trăm (300) quan, còn tiền bổng ba trăm (300) quan [do việc phụ trách] Thương bạc [mà] thêm cho, xin chờ chỉ chuẩn cho chia cấp cho tham biện [Nguyễn] Hữu Độ” (115) .
Vua Tự Đức lắng nghe, mỉm cười:
- Thế là y ngươi muốn từ chức đại thần kiêm quản Nha Thương bạc đó sao? Thật là khéo từ khước chức trách đã được ban cho? Hay ngươi vẫn còn giận trẫm về bản dụ giáng phạt, lưu nhiệm vừa rồi? Này, Nguyễn Văn Tường, trẫm không nghe đâu! Ngươi phải nhận đủ lương và bổng, cố làm việc như lâu nay vẫn làm. Nói rõ ra, trẫm không thể cho ngươi từ chức. – Vua Tự Đức lại nói sau cái đằng hắng khẽ ở cuống họng để lấy giọng –. Trẫm nói thế, đại thần, đường quan lục bộ có thấy trẫm bắt ép quá không?
Những tiếng tâu “bẩm, không” cùng cất lên.
Vua Tự Đức cười hơi lớn tiếng:
- Thôi, thế này, trẫm đồng ý cấp thêm cho Nguyễn Hữu Độ hàng năm hai trăm (200) quan tiền bổng. Còn Nguyễn Văn Tường vẫn phải nhận đủ sáu trăm (600) quan. Ngươi đã dùng lương bổng để nói khéo việc từ chức. Trẫm cũng dùng lương bổng để nói gì, ngươi và các đại thần, đường quan đã hiểu. Không từ chức được (115)!
Sau một vài viên đại quan tấu sự nữa, buổi thiết triều lắng lại. Thấy đã quá giờ và không ai tâu trình gì thêm, vua Tự Đức phác một cử chỉ để viên thị vệ hô lớn: “bãi triều”.
Lúc này, cả vua Tự Đức lẫn đình thần, trong đó có Nguyễn Văn Tường, chưa một ai hay biết chính Nguyễn Hữu Độ lại là kẻ “nghe theo lời bọn con buôn lão luyện mưu lợi” (116) , ngay từ năm Nhâm thân (1872), lúc Jean Dupuis mới đến Hà Nội gây hấn bằng cách quấy phá, khiêu khích. Chính Jean Dupuis đã viết về tên phản quốc, cơ hội, “đón gió xoay buồm” (117), vốn là quan của Đại Nam ta nhưng làm tay sai cho Pháp:
“… Một ông quan hiếm có, tận tụy với người Pháp, tên là Nguyễn Hữu Độ… […] … Tháng 11.1872 [:một tám bảy hai], Nguyễn Hữu Độ là phó tỉnh trưởng [thương biện tỉnh vụ, đóng tại] Pha Long, khi tôi đến Quảng Yên. Từ đó chúng tôi có những liên hệ tốt và càng được củng cố về sau” (118) .
Lúc này, cũng không ai biết rằng, Nguyễn Hữu Độ xin nghỉ phép giả hạn để về “nơi ngụ ở kinh, thăm nhà, thăm mộ” (107), là do sự câu kết ngấm ngầm với Pháp, nhằm vận động cho chúng, trong đó có việc được xây dựng Sứ quán Pháp theo địa điểm chúng chọn!
“Nhân có vấn đề xây dựng Toà Khâm tại Huế, toàn quyền Pháp đòi hỏi là Toà Khâm phải được xây dựng trên đất Long Thọ, trên bờ phải sông Hương và ở vị trí phía trên một chút so với làng Phường Đúc.
Đất ấy vốn là nơi để dành cho hoàng đế dạo chơi [?!?], nên ngài giao nhiệm vụ cho Nguyễn Văn Tường liên hệ với quan chức Pháp và đồng thời đề nghị một vị trí khác.
Mọi cuộc thương lượng do quan phụ chánh thứ nhì [đại thần Viện – Bạc ở vị trí thứ hai] tiến hành đều không có kết quả. Thế rồi Nguyễn Hữu Độ, với một sự can thiệp thành thật và thẳng thắn, đã làm cho tướng Pháp chịu thoả thuận (tháng giêng năm 1877). Biết được tin tốt, vua Tự Đức ban khen và tưởng thưởng Nguyễn Hữu Độ lụa và quế” (118)
.
Đó là những dòng của tên trùm mật thám Trung Kì L. Sogny (118)!
Nhưng lúc này ở triều đình, Nguyễn Hữu Độ chưa bị phát hiện! Y vẫn làm tham biện tại Nha Thương bạc cho đến tháng tám năm Tự Đức thứ ba mươi (1877) (119).
Kẻ “nghe theo lời bọn con buôn lão luyện mưu lợi” đó, mãi đến vài năm sau (tháng tám nguyệt lịch, năm Tự Đức thứ ba mươi hai [1879]), trong đình thần mới có người nói thẳng ra trong một buổi đình nghị (116)! Nhưng càng về sau sự thật đốn mạt ấy của Nguyễn Hữu Độ mới được chính y bộc lộ trắng trợn, trâng tráo, không cần che giấu, dưới lớp ngôn từ mị dân!
Cuộc đời của mỗi con người về lâu về dài mới rõ, như một cuốn sử biên niên, như một pho tiểu thuyết chương hồi cổ điển, sự việc đến đâu, được chép hoặc viết đến đó, với các thủ pháp “mở gút”. “Xin xem hồi sau sẽ rõ” là câu thường thấy cuối mỗi chương của loại tiểu thuyết ấy.
Còn lúc này, sau buổi thiết triều trên ít hôm, tham biện Nha Thương bạc Nguyễn Hữu Độ được lệnh dụ vào Gia Định thăm hỏi và tiễn chân Duperré, y sắp về nước Pháp (120).
Quan Thương bạc lại nhận được thư của một người Ý Đại Lợi (Italia), bàn về việc thông thương ở Địa Trung Hải, và thư một người khác tên là Ba Răng (?), nội dung xin coi sóc việc ở tàu thuyền (121). Viện – Bạc, đình thần và nhà vua đã nghĩ định, nếu phía Pháp đồng ý kết nhận (bảo lãnh) thì triều đình sẽ thuê làm. Rheinart ban đầu cho là không rõ lai lịch hai người ấy, lần sau lại nói chúng đều là cừu thù (một tên vốn đã làm thuỷ thủ cho Jean Dupuis), tưởng không nên thuê. Quan Thương bạc tâu đúng sự thật về thái độ của Rheinart để nhà vua xử trí: “Cứ như sứ ấy trình bày thì hai người ấy không nên gọi thuê, thư của bọn ấy cũng không nên trả lời” (121) . Đó là một dòng thông tấn lạnh lùng về bọn Pháp, thể hiện qua tên khâm sứ Rheinart! Như thế là càng rõ thêm, Pháp muốn cô lập ta trong ngoại thương, ngoại giao. Triều đình lại bị bó buộc bởi thương ước, nên phải hội ý với Pháp về việc thuê người nước ngoài! Châu phê: “Nước ta giao tiếp, hiểu biết rất hẹp, nên bị họ hạn chế. Họ cũng chẳng muốn người [nước khác] đến. Hình như người các nước cũng muốn đến mà bị họ ngăn lại thôi. Hoặc nên: chúng đã đến, nếu [đích] thân thấy hỏi, xét thực là dùng được, cũng nên gọi đến dần, may ra có ích. Nếu nhất khái cự tuyệt, cô lậu nào bằng. Nhưng bọn [Pháp,] chúng hoạnh nhiều, tất phải tiến thoái không ngại mới được. Nên phải nghĩ kĩ” (121) .
Pháp lại vi phạm “hoà” ước, cấp giấy phép một cách trái phép từ năm ngoái cho một thầy thuốc nước Đồ Bà (Java). Nha Thương bạc đã tâu trình và viết thư theo dụ chuẩn, bảo Pháp tuân giữ “hoà” ước (122). Trương Gia Hội ở Bình Thuận nay lại tâu: “Giữ ước chống cự, sợ có [sự cố] không tốt. Xin cho hắn ở lại, sức [:bảo] cho phải dò xét” (122) ! Vua lại y cho. Trong lúc ấy, nguyên tuần vũ Thuận – Khánh Lê Đình Tuấn bị Pháp phát hiện việc ông che chở, giúp ngầm quân khởi nghĩa Nam Kì, và ông đang rơi vào trường hợp khó sắp xếp cương vị mới. Nay ông mới thực nhận chức tuần vũ Trị – Bình với lời dặn dò: Phải chú tâm đến Cam Lộ, được xem là vùng đất xung yếu, “sinh điểm” cũng là “tử điểm” (huyệt đạo sống – chết) (123).
Đến tháng hai nguyệt lịch, năm Tự Đức thứ hai mươi chín (1876), Duperré về nước. Kế nhiệm y tại Gia Định là Bossant (124). Đến cuối tháng năm, sau ba tháng, Duperré lại sang Gia Định làm thống đốc Nam Kì! Sau đó, là Lapont (từ 16.10.1877) và Le Myre de Vilers (từ 07.7.1879) thay nhau kế nhiệm (125). Trong những năm sau “hoà” ước, thương ước Giáp tuất, Nha Thương bạc của đại thần Nguyễn Văn Tường lại trực diện đối phó, đấu tranh với những tên khâm sứ tại Huế: Rheinart (từ 28.7.1875), Philastre (từ 14.12.1876), lại Rheinart (từ 03.7.1879), De Champeaux (01.10.1881), lại Rheinart một lần nữa (từ 15.8.1881) (126)… Và tại Hải Phòng, lãnh sự tạm thời tại đấy là Turc (127). Lãnh sự ở Hà Nội, mãi đến tám năm trời (từ 1875 đến 1883), vẫn một tên: De Kergaradec (128). Những tên khâm sứ, lãnh sự Pháp này báo cáo vào Gia Định và nhận chỉ thị từ Gia Định. Tất nhiên các tên tướng Pháp lại báo cáo về Bộ Hải quân và Thuộc địa tại Pháp, cũng có khi báo cáo trực tiếp về chính phủ Pháp. Các tướng Pháp đều nhận chỉ thị từ nơi chúng báo cáo, ấy là Paris.
Trong các tên khâm sứ Pháp tại Huế (Rheinart, Philastre, De Champeaux…), Philastre là tay khôn khéo, trí thức nhất. Philastre không thuộc loại thực dân thô bạo, và đôi khi y còn thấy rõ y bị rơi vào guồng máy thực dân mà chút lương tri còn sót lại đã giúp y phản tỉnh, đồng thời cũng nhờ sự đánh thức của Nguyễn Văn Tường vào lương tâm, vào trái tim còn chút chất người ở y, Philastre trở nên một tên khâm sứ được nhà vua và triều thần ít nhiều thiện cảm hơn những tên khâm sứ khác (129). Nhưng dẫu thế, y vẫn là một tên thực dân hoàn tất nhiệm vụ thực dân được cấp trên của y giao phó (129)! Y hoàn tất nhiệm vụ thực dân theo cách của y với phẩm chất trí thức Pháp mà y còn giữ được ít nhiều. Nhưng Philastre chưa từng trăn trở, dằn vặt trong bi kịch tội ác thực dân dù muốn hay không y cũng rơi vào đó, cho dẫu y có ý thức y là kẻ gây tội ác trong guồng máy thực dân vốn bạo hành một cách độc ác.
Dẫu tên này hay tên kia có khác nhau về quan điểm, tính cách, và cách làm việc ít nhiều có khác nhau, nhưng tất nhiên chúng vẫn là một giuộc trong guồng máy xâm lược của chủ nghĩa thực dân Pháp (và Phương Tây nói chung). Trong thực tế, chúng vẫn chưa có thể làm được gì đúng như tham vọng của chúng, cũng là tham vọng của giới chóp bu tại Paris.

Hết tệp 12
(phân đoạn 4 truyện kí thứ 8)

Khởi viết truyện kí thứ tám này
vào lúc khoảng 07 giờ sáng,
ngày 17.11.2002 (13.10 Nh. ngọ, HB.2).
Viết đến dòng chữ cuối của truyện kí thứ 8 lúc 16 giờ kém 10 phút,
ngày 30.11.2002 (24.10 Nh. ngọ, HB.2).
Sữa chữa xong vào lúc 15 giờ 24 phút,
ngày 04.12.2002 (01.11 Nh. ngọ, HB.2).


TRẦN XUÂN AN


(94) Tập san Những người bạn cố đô Huế (NNBCĐH) (Bulletin des amis du vieux Huế, Cadière làm chủ bút.), bài “Phái bộ Pháp ở Huế và những phái viên đầu tiên” của linh mục Aldophe Delvaux, Đặng Như Tùng dịch, Phan Xưng, Bửu Ý, Đỗ Hữu Thạnh, Hà Xuân Liêm hiệu đính, tập III (1916), Nxb. Thuận Hoá, 1997, tr. 32 – 33.

(95) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 232.

(96) Bửu Kế, Chuyện triều Nguyễn (CTN.), Nxb. Thuận Hoá, 1990, tr. 79 – 80.

(97) TVTĐ., tập 2, sđd., 1996, tr. 28 – 33.

(98) NNBCĐH (BAVH.), Delvaux, bài đã dẫn, tập III (1916), sđd., 1997, tr. 48.

(99) Tập san Những người bạn cố đô Huế (NNBCĐH) (Bulletin des amis du vieux Huế, Cadière làm chủ bút.), bài “Vị đại biện đầu tiên của nền bảo hộ đến Huế” của H. Le Marchant de Trigon, Đặng Như Tùng dịch, Tôn Thất Hanh hiệu đính, Nhị Xuyên, Lê Văn biên tập, tập IV (1917), Nxb. Thuận Hoá, 1998, tr. 273.

(100) Nhiều tác giả, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, thế kỉ X – thế kỉ XI, bài Hịch Tướng sĩ, Bùi Văn Nguyên dịch, Nxb. Văn Hoá, 1962, tr. (?).

(101) ĐNNTC., tập 1, sđd., 1992, tr. 33 – 34.

(102) Thơ Hồ Dzếnh.

(103) Trần Xuân An dịch thơ từ bản dịch nghĩa…

(104) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 233.

(105) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 296.

(106) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 240.

(107) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 253 – 254.

(108) “Xin xem hồi sau sẽ rõ”. Trong bộ sơ thảo truyện sử kí này, chúng tôi rất ít sử dụng các thủ pháp tiểu thuyết. Trong dự định, ở lần xuất bản thứ hai, chúng tôi sẽ nỗ lực gia công nâng cao tính hình tượng, để tác phẩm sinh động, hấp dẫn hơn.

(109) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 254.

(110) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 255.

(111) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 255.

(112) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 238, 256.

(113) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 257 – 258.

(114) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (VNSL.), Nxb. Tân Việt, bản 1964, tr. 472 – 473.

(115) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 258.

(116) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 263 – 265.

(117) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 157 – 158.

(118) Tập san Những người bạn cố đô Huế (NNBCĐH) (Bulletin des amis du vieux Huế, Cadière làm chủ bút.), bài “Các gia đình thế gia vọng tộc ở nước Nam: ngài Nguyễn Hữu Độ” của chánh mật thám Trung Kì L. Sogny, Phan Xưng dịch, Nguyễn Vy hiệu đính, tập XI (1924), Nxb. Thuận Hoá, 2002, tr. 264 – 265, 261. Nhân đây, xin một lần nữa nói rõ: Qua tập san Những người bạn cố đô Huế (NNBCĐH., BAVH.), ta thấy thực dân cố đạo, thực dân viễn chinh, cai trị thể hiện quan điểm, thái độ địch – ta rất rõ rệt. Những tên tay sai đốn mạt như Nguyễn Hữu Độ được chúng ca tụng hết lời, theo giọng lưỡi mị dân trơ trẽn!

(119) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 63 – 64.

(120) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 259.

(121) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 262 – 263.

(122) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 271.

(123) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 275.

(124) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 273.

(125) Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (NĐNĐDVP. & TH.), UB.KHXH. TU. Tp. HCM. xb., 1993, tr. 106.

(126) VNNSKLS., tập 1, sđd., 1981, tr. 175.

(127) VNNSKLS., tập 1, sđd., 1981, tr. 191.

(128) VNNSKLS., tập 1, sđd., 1981, tr. 175 – 176; NĐNĐDVP. & TH, sđd., 1993, tr. 113.

(129) NĐNĐDVP. & TH, sđd., 1993, tr. 116 – 122.

Soạn xong phần chú thích
vào lúc 19 giờ 24 phút,
ngày 06.12. 2002 (03.11 Nh. ngọ HB.2).


TRẦN XUÂN AN

HẾT TỆP 12
(PHÂN ĐOẠN 4 TRUYỆN KÍ THỨ 8)

Xin xem tiếp TỆP 13
(phân đoạn 5 truyện kí thứ 8)
thuộc tập II bộ sách “PCĐT. NVT.”

0 Comments:

Post a Comment

<< Home