TRAN XUAN AN - PCDT NGUYEN VAN TUONG (tap II C)

Friday, December 16, 2005

Tệp 13 - Tập II Blog C
(PHÂN ĐOẠN 5, TRUYỆN KÍ THỨ 8)

Sẽ đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm
số tháng 12-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_txa-ky-content.htm


TRẦN XUÂN AN

CUỘC CHIẾN NGOẠI GIAO
VÀ NGOẠI THƯƠNG


Truyện kí thứ tám
(phân đoạn 5)

13

Cuốn sổ nhật biên của Nha Thương bạc ghi nhận những công việc liên quan hoặc thuộc về Nha, với các ngày tháng :

++ Tháng hai (năm Tự Đức 29 [1876]):
Du Bi Lê (Duperré) về Pháp, Bô Giang (Bossant) sang thay (130).
++ Tháng ba (năm Tự Đức 29 [1876]):
1. Vua nhắc nhở chiểu “hoà” ước 1874 để phân xử giáo dân tranh kiện (131). 2. Lãnh sự Pháp đến Đông Triều (Quảng Yên ) tìm mỏ than. Chuẩn y (132). 3. Xung đột giữa thuộc viên của Rheinart và lính phủ Văn Lãng quận công Hồng Dật. Viện – Bạc xét xử (133). 4. Đốc học Pháp Pétrus Trương Vĩnh Ký (người Vĩnh Long, Nam Kì) từ Thanh Hoá đi Nam Định, Ninh Bình du khảo về bác vật (134). Pétrus Trương Vĩnh Ký là một kẻ suốt đời làm tay sai cho giặc Pháp!
++ Tháng tư (năm Tự Đức 29 [1876]):
1. Quan Thương bạc thần giao giấy trao quyền sử dụng đất để xây dựng Sứ quán tại Trường Thuỷ quân cho Rheinart kí nhận. Y vẫn không được phép xây dựng tại Long Thọ Cương (135). 2. Khâm sứ Pháp đưa văn thư xin cho lãnh sự Hà Hội Kê La Đích (De Kergaradec) đi thám xét thượng du Bắc Kì (136).
++ Tháng năm (năm Tự Đức 29 [1876]):
1. Tàu chiến Pháp chạy trên các tuyến sông không được sự thoả thuận trong “hoà” ước 1874. Thương bạc viết thư trách (137).
++ Tháng năm nhuận (năm Tự Đức 29 [1876]):
1. Nguyễn Hữu Độ đến Gia Định nhận tàu thuyền, súng đạn Pháp chuyển tặng theo “hoà” ước 1874 (138). 2. Bossant về Pháp, Duperré sang thay (139).
++ Tháng sáu (năm Tự Đức 29 [1876]):
Vua Tự Đức tự phê bình về việc chưa lấy lại được sáu tỉnh Nam Kì (140). Đình thần xin hai lần xin chỉ truyền kín chỉ dụ ấy trong nội bộ ấn quan (quan chưởng ấn [giữ khuôn dấu]: thủ trưởng), đừng phổ biến ra ngoài. Nguyên văn như sau:
“Dụ rằng: Trẫm tuổi trẻ lên ngôi, là nhờ phúc trước, nước nhà toàn thịnh, việc chính [trị], việc đời [xã hội] chưa từng để ý, [lại] mê muội [không theo] lời răn “ở lúc yên, lo lúc nguy”, chỉ ham vui chơi, nên [chi]: Trên phạm trời trách, dưới chứa dân oán; ngoài để nước láng giềng giận, trong thiếu mưu kế hay; việc dân mà lo, không cứu nổi việc; gượng theo mưu kế bậc lão thành [Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành…], bỏ đất đai nhân dân sáu tỉnh Nam Kì ấy [1862, 1867], để thôi chiến tranh cho yên cả nước; nay hơn hai trăm năm gây dựng khó nhọc, bỗng chốc bỏ đi, là tội của tiểu tử này, không thể nói xiết. Nếu có công đức gì cũng không thể chuộc được [lỗi đó], huống chi không có công đức, chỉ thẹn mặt ngồi làm vì, lâu ngày để đến già yếu. Người không nỡ chê trách, ta há có lòng nào? Nay tình láng giềng [:Pháp ở Nam Kì] càng hậu, mà bờ cõi cũ chưa trả về; xót thương sĩ tử như mất cha mẹ. Trẫm vốn không có tài gì khác, chỉ có lòng yêu dân, già [:lão thực] mà càng tha thiết. Cúi, ngẩng, trông, xem, sống không còn mặt nào, chết cũng không thể nhắm mắt. Còn như Sở Tử, để mất quân, xin tên thụy là Lệ đế. Nhà Hán bàn phép thờ ở tôn miếu, từ Hoà đế trở xuống không có công, [mà lại] có tội [để mất đất], lỗi [để mất dân], không đáng được tôn [thờ], trẫm há không tự biết ư? Thực không nỡ đem lòng yêu [dân] ấy để chuộc lỗi của mình. Nếu may được nước láng giềng [:Pháp] cảm lòng thành thực, giao trả lại ngay, cho trẫm được kịp thấy, thực là nghĩa lớn. Nếu chưa toại nguyện, mà trẫm không may giữ chí đến chết, dù quan dân có không nỡ bỏ, viện lệ được thờ, phụ vào Thế miếu, thì trẫm là người có tội, không đáng lạm để nhục ngôi thứ ấy. Nếu miễn cưỡng mà làm, hồn phách cũng không được yên lắm. Nên truất thờ ở chỗ khác, không cho tên thụy, để răn người làm vua có lỗi muôn đời, cho trẫm cùng với bầy tôi có lỗi, chia chê cùng thẹn, đấy là chí [:ý muốn] của trẫm. Lời nói từ trong lòng ra, đừng trái, đừng lạm. Báo cáo cả nước, cho đều nghe biết” (140) .
++ Tháng bảy (năm Tự Đức 29 [1876]):
1. Tìm hỏi người Tây dương về kĩ thuật trị thuỷ (đê điều) tại châu Âu (141). 2. Giám mục Puginier ở Hà Nội lại xen vào việc kêu kiện của giáo dân Thanh Hoá, và xin lập ruộng đạo điền (ruộng cấp cho giáo đường Thiên Chúa giáo!). Bác bỏ (142).
++ Tháng tám (năm Tự Đức 29 [1876]):
1. Trần Tiễn Thành và Nguyễn Văn Tường thương thuyết với Rheinart về việc cho người hướng dẫn kĩ thuật súng Tây theo “hoà” ước 1874 (143). 2. Rheinart vào chầu, chúc mừng Tiết Vạn thọ (144).
++ Tháng chín (năm Tự Đức 29 [1876]):
1. Kergaradec lên sông Thao thám xét đường sông (145). 2. Vua Tự Đức đặt tên năm chiếc tàu thuỷ Pháp trao tặng theo “hoà” ước 1874: Lợi Tái, Lợi Tế, Lợi Đạt, Lợi Dụng, Lợi Phiếm (146). 3. Lãnh sự Pháp đến Thi Nại (Bình Định) mở việc buôn (147).
++ Tháng mười (năm Tự Đức 29 [1876]):
1. Kergaradec đi thám xét thượng du Bắc Kì (148). 2. Rheinart bị bệnh, về nước, Philastre sang thay (149).
++ Tháng mười một (năm Tự Đức 29 [1876]):
Vua Tự Đức làm bài kí “Thuyền ngũ lợi” để tặng đại thần Viện – Bạc Nguyễn Văn Tường. “Đoạn cuối trong thiên ấy nói: “Trang Tử nước Ngụy hoà với Nhung Địch [:rợ phía tây Trung Hoa] có năm điều lợi. [Vua] Điệu Công đặc cách ban nhạc Kim Thạch, có danh có thực, cho nên cùng vui. Nay có danh vẫn chưa có thực, thì nhạc Kim Thạch ban cho, thực sẽ còn phải đợi”. [Nhà vua] nhân cho Văn Tường để sớm hôm đọc nhớ” (150) . Nhạc Kim Thạch là nhạc để ghi công muôn đời. Ngoài ra, còn có câu: “Họ [:các nước Tây dương] lấy thương mại làm nghề nghiệp, nhờ chiến tranh để giàu mạnh” (150) . 2. Tặng sách chữ nho cho Philastre, khâm sứ Pháp tại Huế (151).
++ Tháng mười hai (năm Tự Đức 29 [1876]):
Lãnh tổng đốc Nguyễn Chính tâu xin gia hạn về việc phân xử lương – giáo tại Nghệ An. Trong đó có câu: “Tài sản đã xong rồi, mà đạo lại [:chức sắc họ đạo] đòi nhà đạo [:giáo đường] đã thôi, án mạng lại đòi”. Quan Thương bạc tâu trình về biện pháp đối phó (“Nếu đem số bồi thường kê tư, không khỏi bỉ, chúng [lại] nhòm ngó [việc nội bộ]” (152) ; chấp nhận bồi thường một cách hình thức; nếu không bồi thường được thì khoan miễn). Vua chuẩn: Mật sức cho Nguyễn Chính (152).
++ Tháng giêng (năm Tự Đức 30 [1877]):
Tướng Pháp đệ tiến phẩm vật. Triều đình đáp lễ (153).
++ Tháng ba (năm Tự Đức 30 [1877]):
Pháp muốn đuổi Lưu Vĩnh Phúc khỏi Bảo Thắng (tỉnh Hưng Hoá) để chúng tiện đường lên Vân Nam (Trung Hoa) (154).
++ Tháng tư (năm Tự Đức 30 [1877]):
Một chiếc tàu thuỷ của Anh (Hồng Mao) đến cửa biển Hải Dương buôn bán. Theo thương ước, tàu buôn mọi quốc tịch đều chịu thuế như nhau (155).
++ Tháng sáu (năm Tự Đức 30 [1877]):
1. Tướng Pháp chuyển đưa tàu binh Bô Liêm (?) giúp ta đánh giặc biển (156). 2. Ban cấp cho Philastre một bộ sách luật nước ta để học. Y cho luật nước ta kĩ lưỡng và thích hợp (157).
++ Tháng tám (năm Tự Đức 30 [1877]):
1. Dự kiến nhân sự sứ bộ sang Pháp đáp lễ: Trần Hy Tăng, Trần Nhượng, Hoàng Văn Tuyển (nhưng sau đó lại thay đổi). “[Vì giỏi nịnh hót,] Nguyễn Hữu Độ rất được Pháp yêu tin, khen ngợi, nhưng vua lại bổ làm tuần phủ Hà Nội” (vua Tự Đức chưa biết y là tay sai!) (158). 2. Nguyễn Thành Ý, Vũ Văn Phú đem các vật hạng sang Pháp đấu xảo (159).
++ Tháng chín (năm Tự Đức 30 [1877]):
1. Duperré về Pháp, La Phong (Lapont) sang thay (160). 2. Quan Viện – Bạc được phái ban cấp cho Philastre bộ “Ngự chế Việt sử tổng vịnh” (161) .
++ Tháng mười (năm Tự Đức 30 [1877]):
Thay đổi nhân sự sứ bộ sang Pháp: Nguyễn Tăng Doãn, Tôn Thất Phan, Hoàng Văn Vận. Vua Tự Đức dặn : Có cơ hội mới bàn chuyện lấy lại Nam Kì lục tỉnh (162).
++ Tháng mười hai (năm Tự Đức 30 [1877]):
1. Người nhà Philastre đâm chết một người làm thuê tên Đá (163). 2. Tàu thuỷ Pháp không chịu nộp thuế, bị đắm. Viện – Bạc định không cho cứu hộ (164)!
++ Tháng giêng (năm Tự Đức 31 [1878]):
Tướng Pháp tại Gia Định, khâm sứ Pháp tại kinh đô, lãnh sự, thống nhiếp Pháp tại ba sở thương chính đều tiến dâng phẩm vật nhân lễ ngũ tuần đại khánh vua Tự Đức (165).
++ Tháng ba (năm Tự Đức 31 [1878]):
Linh mục Lê Ấn (người Việt) tại Quảng Trị mưu họp dân, kiện quan, nhưng chỉ là vu khống (166).
++ Tháng tư (năm Tự Đức 31 [1878]):
Quan Thương bạc tham khảo ý kiến khâm sứ Pháp về một số người Ý, người Pháp xin kinh doanh, khai thác mỏ, mặc dù họ có vẻ thiếu thành thật, vớ vẩn (như xin triều đình Huế cấp vốn cho họ vay, cử họ làm thống lãnh sự nước họ…). Chỉ một ý kiến của một người trong số này, xin nước ta đặt lãnh sự ở nước họ, là còn có lí. Khâm sứ Pháp trả lời nước đôi và cuối cùng bác bỏ (167)!
++ Tháng năm (năm Tự Đức 31 [1878]):
1. Sứ bộ sang Tây về (168). 2. Thưởng khâm sứ, lãnh sự Pháp (169).
++ Tháng chín (năm Tự Đức 31 [1878]):
Thưởng giám mục, linh mục Nghệ An (chúc thọ vua tại nhà thờ Thiên Chúa giáo) (170).
++ Tháng mười (năm Tự Đức 31 [1878]):
Người Hoa, người Tây, người Đức xin trưng thuế mỏ than. Dụ chuẩn cho phép, với điều kiện khi đào được phải thông báo ngay (171).
++ Tháng mười một (năm Tự Đức 31 [1878]):
Bố chính sứ Bình Thuận Trần Lưu Huệ được lệnh dụ vào Gia Định đáp lễ vì sứ bộ ta sang Tây được tiếp nồng hậu (172).
++ Tháng mười một (năm Tự Đức 31 [1878]):
Sứ bộ sang Xiêm (Thái Lan): Nguyễn Hiệp (Nguyễn Trọng Biện), Đinh Văn Giản. Trong dịp này, sứ bộ đưa Hồ Khắc Hài sang đó để học tiếng Xiêm (173).
++ Tháng mười hai (năm Tự Đức 31 [1878, đầu năm 1879]):
1. Nguyễn Tăng Doãn, Nguyễn Thành Ý tâu trình về tình hình nước Pháp và các nước châu Âu (174). Nguyễn Tăng Doãn tâu:
- Pháp tăng cường quân đội, kinh tế để trả thù Phổ (Đức).
- Pháp có bến tàu buôn bán khắp các châu (kể cả Phi, Mỹ), tất cả gồm mười lăm (15) sở. Trong đó, Nam Kì là lớn nhất. Đó là bàn đạp tiến vào Phương Đông của chúng. Khó lấy lời để tranh biện về Nam Kì!
- Nước Pháp đã trở thành nước dân chủ, có quốc hội lưỡng viện (thượng viện, hạ viện). Mọi vấn đề không thể quyết định ở quốc trưởng (tổng thống toàn quốc) được.
- Các nước Phương Tây đang liên kết với nhau.
Và một tập tâu khác: về kĩ nghệ tàu chạy bằng hơi nước, xe lửa, các phong tục (nhảy đầm, ngoại tình…) (174). 2. Nhật báo Hương Cảng đưa tin ngoa về hậu duệ nhà Lý nước ta câu kết với giặc Thái [Nguyên]. Tướng Pháp sợ trở ngại việc buôn, gửi thư tỏ ý đánh giúp. Quan Nha Thương bạc viết thư đáp: Giặc đã trốn xa (175). 3. Philastre dâng thư chúc Tết Nguyên đán nước ta (176).
++ Tháng giêng (năm Tự Đức 32 [1879]):
Thuyền buôn Pháp mang theo súng ống, không chịu nộp cho quan tấn thủ (quan giữ cửa biển). Viện – Bạc cho là trái “hoà” ước, bàn việc thương thuyết với tướng Pháp (177).
++ Tháng hai (năm Tự Đức 32 [1879]):
Tàu công của nước Anh đến Hải Dương. Pháp cản ngăn Phạm Phú Thứ tặng quà, khoản đãi. Phạm Phú Thứ không nghe theo lời lãnh sự Pháp. Viện – Bạc cho rằng khoản tặng còn ít; nên chiểu theo lệ tặng biếu tàu Pháp, nhưng hậu hĩnh hơn, để tranh thủ cảm tình (tránh sự độc quyền của Pháp về ngoại giao, ngoại thương…) (178).
++ Tháng ba nhuận (năm Tự Đức 32 [1879]):
Người Thanh ngỏ ý muốn dẫn đưa người Nhật sang buôn bán ở các đảo tại Quảng Yên (179).
++ Tháng năm (năm Tự Đức 32 [1879]):
Sứ bộ sang Xiêm về, Nguyễn Hiệp (Nguyễn Trọng Biện) báo cáo tình hình (180):
- Xiêm nghị hoà với chín (9) nước: Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ, Ý, Bồ Đào Nha (Portugal), Bút [Tu Kê] (Portugal?), Hà Lan, nhưng Anh vẫn cầm trịch. Nhờ phân cực (chia chác quyền lợi giữa các nước thực dân), do đó không mất đất, mất quyền (?!?).
- Về lãnh sự Pháp ở Xiêm: Pháp không muốn cho Đại Nam giao thiệp rộng (cấm vận, bao vây ngoại giao) (180).
Tháng sáu (năm Tự Đức 32 [1879]):
Lapont về nước, Lư Mi Đa (Le Myre de Vilers) sang thay (181).
++ Tháng mười hai (năm Tự Đức 32 [27.01.1880]):
Thương ước Đại Nam – Tây Ban Nha (12 điều khoản) được kí kết giữa chánh sứ thượng thư Bộ Lễ Đỗ Đệ, phó sứ hữu tham tri Bộ Lễ Hoàng Diệu với trưởng phái đoàn trung tá Ordonnez, phó trưởng đoàn tuỳ viên Bộ Ngoại giao Etesnosa (182).
++ Tháng giêng (năm Tự Đức 33 [1880]):
1. Rheinart vào triều làm lễ chúc mừng (183). 2. Ban bút nghiên cho Rheinart (184).
++ Tháng hai (năm Tự Đức 33 [1880]):
1. Rheinart xin đặt Nha Điện báo Bắc Kì. Viên ngoại lang Bộ Công Lê Văn Xuân cùng phái viên các tỉnh khám xét, làm việc (185). 2. Vua Tự Đức trách Phạm Phú Thứ nghe lời Pháp xin, cho khai mỏ (trái “hoà” ước, vì lên thượng du, đến các tỉnh) và bỏ cấm buôn gạo (186).
++ Tháng tư (năm Tự Đức 33 [1880]):
Rheinart không được thám xét mỏ than tại Quảng Nam, “sứ ấy lại [giả] thác [:bịa] ra việc mật, đưa [tâu] thẳng lên vua, ngầm gièm quan Viện – Bạc đại thần” . Y vu khống Viện – Bạc ăn của lót của người Hoa và lại nghi ngờ Pháp có âm mưu gì khác. Quan Viện – Bạc xin sao bức thư vu khống của Rheinart để gửi cho Phủ suý Pháp tại Gia Định. Vua Tự Đức cho rằng: Rheinart nói sai sự thật, tướng Pháp hẳn vẫn bênh vực Rheinart; vì thế ta nên khéo xử, nhịn sự nhỏ để khỏi lỡ việc lớn; tuy vậy, vẫn cần thông tư từ đầu đến cuối việc ấy cho Nguyễn Thành Ý (khâm phái lãnh sự nước ta tại Gia Định) để Nguyễn Thành Ý nói cho chủ suý của y biết (187).
++ Tháng tư (năm Tự Đức 33 [1880]):
Pháp vẫn cản trở ta thông sứ với Xiêm. Viện – Bạc đem khoản III “hoà” ước Giáp tuất ra để đấu tranh. Pháp vẫn bịa việc, ngáng trở (188)!
++ Tháng năm (năm Tự Đức 33 [1880]):
1. Lãnh sự Pháp tại Hải Dương tâu về việc lạm thu thuế gỗ do người Hoa lãnh trưng (189). 2. Tổng đốc Hải – Yên Lê Điều (thay Phạm Phú Thứ) tâu xin thuê người Tây làm nhân viên dẫn thuỷ (190). Ông lại vẽ bản đồ đường sông và lòng sông dâng lên (Viện Cơ mật giữ). 3. Tướng Pháp Ngu My Đa (?) về Pháp, Lê My (Le Myre de Vilers) sang thay (191).
++ Tháng sáu (năm Tự Đức 33 [1880]):
1. Sứ bộ sang nước Thanh (Trung Hoa): Hữu thị lang Bộ Lại sung làm việc Nội các Nguyễn Thuật, đổi hàm Bộ Lễ, chánh sứ; thị độc học sĩ, sử quán toản tu Trần Khánh Tiến (cũng đổi hàm), phó sứ thứ nhất; lang trung Bộ Binh Nguyễn Hoan (cũng đổi hàm), phó sứ thứ nhì (192). 2. Đỗ Đệ và Hồ Trọng Đĩnh tiến hành lễ hỗ giao thương ước Nam – Y với sứ thần Y Pha Nho (Tây Ban Nha) (193). 3. Tướng suý Pháp tại Gia Định cung tiến cá sấu (194).
++ Tháng bảy (năm Tự Đức 33 [1880]):
Lãnh sự Pháp xin mua gạo xuất khẩu. Viện – Bạc (lần này do Trần Tiễn Thành đứng tên ở tập tâu) xin bỏ việc cấm xuất khẩu gạo trong hai tháng ở bốn tỉnh không mất mùa (Ninh Bình, Hà Nội, Nam Định, Hải Dương) như một cách quyền nghi. Chuẩn y (195).
++ Tháng mười một (năm Tự Đức 33 [1880]):
Vua Tự Đức ra dụ cho quan tình Hải Dương thưởng và cấp vật dụng cho phái viên Pháp (196).
Trong những năm tháng đó, công việc Nha Thương bạc chung quy cũng chỉ là: thứ nhất, nhận văn thư Pháp, sau đó, đọc, nhận định, bàn thảo ở Viện – Bạc và tâu trình lên vua, có khi cũng đưa một số vấn đề khó giải quyết để đình nghị; thứ hai, gửi văn thư giao thiệp, quan trọng nhất là để đấu tranh với Pháp trong việc buộc chúng phải chấm dứt những âm mưu, những hành động vi phạm “hoà” ước, thương ước Giáp tuất.
Có một điều khoản trong “hoà” ước Giáp tuất 1874, quan Thương bạc Nguyễn Văn Tường vốn rất tâm đắc nhưng Pháp không chịu cho thực thi. Đó là khoản thứ X, về việc triều đình Đại Nam có quyền mở trường dạy học và khôi phục lại văn miếu cho sĩ tử tế tự (mặc dù do Pháp quản lí). Sự vi phạm “hoà” ước đó, khiến cho Nguyễn Văn Tường rất đỗi phẫn nộ và đau lòng.
Đã rất nhiều lần thượng thư Nguyễn Văn Tường không thể không nhớ lại những tháng ngày đấu tranh với Pháp, với “tả đạo” tại bàn hội đàm ở Gia Định.
Đến bây giờ, Nguyễn Văn Tường không thể không cảm động đến đau lòng khi nghe vẳng lên trong trí nhớ các câu hát chào và thỉnh nguyện từ môi những đứa trẻ Việt tại Nam Kì phải sống trong thân phận nô lệ, đang bị kẻ thù đào luyện thành tay sai “tả đạo” cho tham vọng thực dân của nước Pháp:
“… Tuy nhiên chúng cháu sống bặt tăm trong xứ sở xa xôi này, chúng cháu chỉ còn biết cầu xin hoàng đế cao dày rộng lòng xem xét những trường hợp của chúng cháu…”.
“… Nhưng những bọt nước thì phải văng theo sóng lượn!
Xin các ngài xét đến trường hợp của các cháu…”.

Những lần ấy, khi ông còn là phó sứ, đã khiến Nguyễn Văn Tường trăn trở, và ông đã quyết định phải đấu tranh với bọn Pháp như thế nào để giành lại những đứa trẻ Việt Nam ấy. Như một loé chớp, đến nay ông còn nhớ, ông đã cầm bút viết vào lúc đêm hôm khuya khoắt, dưới ánh đèn giữa phòng ngủ chung của sứ bộ:
“Ôi đất đai khai thác gian nan mà một sớm nhượng cho người. Hoàng thượng nhức nhối trong lòng đã lâu, mà tôi con cũng không dám lộ ra ngoài miệng” (Bản tấu, 10.8 Quý dậu [1873]).
“Thần trộm nghĩ rằng có người mới có đất, mà thu phục nhân tâm thì chính trị tốt không bằng giáo hóa tốt. Các hạt trong Nam vốn có dựng văn miếu, cói!thầy dạy, có trường thi, nhưng từ khi hữu sự đến nay bỏ phế đã lâu vậy…
Xin được ưng thuận cho đem lí lẽ tranh biện với nó, đòi hỏi cho ta được trùng tu văn miếu để tiện phụng thờ, cắt đặït giáo chức để rèn luyện học trò và mở trường thi để thu nhiều kẻ học. Dân giáo nếu xin nhập học, ứng thí cũng cho.
Như thế thì cõi bờ dù có mất mát chìm đắm, chính lệnh tuy chưa tới được, nhưng giáo hoá vẫn còn có thể thi hành, lấy đó mà vun trồng đạo lí, kích thích sĩ phu. Chúng nó mới đến, dùng chính sách hà khắc, ta lấy thiện giáo dạy dỗ dân. Tuy mất đất đai nhưng có được lòng người, thì cũng có thể dùng về sau. Vả lại, bên ngoài ta lấy vẻ mặt tươi cười chờ đợi, bên trong lại nghiêm chỉnh tự trị, binh khí, thuyền súng có nhân viên đảm trách, người tự nỗ lực, tự mưu tính để chờ cơ hội, thì cái hiệu nghiệm lúc xế chiều không phải là muộn vậy”
(Bản tấu ngày 10.8 Quý dậu [1873]).
“Cốt yếu ở chỗ ta phải có thế không thể xâm phạm, sau đó mới lấy lẽ không thể dung tha được để trách người” (Bản tấu ngày 10.8 Quý dậu [1873]).
Những ý nghĩ ấy đã từng day dứt trong lòng phó sứ Nguyễn Văn Tường khôn nguôi. Bây giờ, sau khi Pháp và tả đạo đã phải ghi vào “hoà” ước Giáp tuất 1874 thành khoản thứ X, bọn thực dân Pháp ấy lại cố tình cùng những tên tay sai như Pétrus Trương Vĩnh Ký để vi phạm. Không những về nội dung, chúng còn thay đổi hình thức văn tự từ chữ Hán, chữ Nôm thành chữ Pháp, chữ Quốc ngữ! Thứ chữ Nôm tinh tế, đã viết nên thơ Ức Trai Nguyễn Trãi, Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều nay đã bị La tinh hoá, dĩ nhiên là rất đáng bàn, nhưng đáng căm hận vẫn là nội dung chương trình giảng dạy! Không những phó sứ Nguyễn Văn Tường, mà cả sứ bộ, triều đình năm ấy đều trăn trở như thế.
Ông rất đau lòng trước sự vi phạm “hoà” ước của Pháp, nhất là khi vua Tự Đức ban ra bản dụ tự phê bình chưa lấy lại được lục tỉnh Nam Kì với “ảo tưởng ngây thơ” của “kẻ yếu” về “tình láng giềng càng hậu” (140) trước “láng giềng” vốn là “kẻ mạnh” xâm lược tham lam, hung hãn và lật lọng. Thượng thư Nguyễn Văn Tường càng đau lòng hơn khi ngẫm nghĩ về “ảo tưởng ngây thơ”, thực ra không phải do vua Tự Đức vốn dĩ ngây thơ, mà chỉ là nước cờ cuối cùng của kẻ yếu, bế tắc, đâm ra nghĩ quẫn, hi vọng chinh phục kẻ thù xâm lược bằng tình cảm “hữu nghị”! Đôi khi, quả thật, có đôi khi, oái oăm thay, vua Tự Đức lại rất chân thành với ý tưởng đó!
Trong khi đó, Pháp trách triều đình Đại Nam vi phạm khoản thứ IX (về tự do truyền bá, theo đạo Thiên Chúa trên đất Trung, Bắc Kì)!

14

Là đại thần thứ nhì của Viện Cơ mật – Thương bạc, Nguyễn Văn Tường phải cùng dăm ba đại thần Viện – Bạc khác bao quát tất cả các lĩnh vực của Đất nước, phải xem xét, nhận định, đề xuất giải quyết cụ thể những việc trọng yếu, cơ mật của lục bộ (Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công). Tất nhiên, thượng thư Bộ Hộ, quan Thương bạc Nguyễn Văn Tường khi với chức năng ở Viện – Bạc, ông còn góp ý, bàn luận các vấn đề của Bộ Binh vốn do Trần Tiễn Thành phụ trách, từ các chủ trương, chính sách lớn đến việc phân tích, tổng hợp dữ kiện để đề xuất, tâu trình lên vua, góp phần chỉ đạo cho mặt trận tiễu phỉ ở phía bắc Đất nước.
Vai trò quan Thương bạc của Nguyễn Văn Tường là trực tiếp thực hiện những nghị quyết ông đã tham gia bàn thảo ở Viện Cơ mật – Thương bạc, mà ông là đại thần đứng ở vị trí chỉ sau mỗi một thượng thư Bộ Binh Trần Tiễn Thành. Các quyết nghị ấy của Viện – Bạc cũng đã được đình nghị, nhà vua chuẩn y.
Một công việc nặng nề khác, ông còn là đại thần đứng đầu Bộ Hộ. Bộ Hộ trong thời đoạn sau “hoà” ước, thương ước Giáp tuất lại bao gồm cả công việc thương chính. Thương chính phối hợp với Pháp chủ yếu là ngoại thương và thu thuế hải quan từ các tàu buôn nước ngoài. Ngoại thương không thể không liên quan đến sản xuất, khai thác, thu thuế các loại hàng hoá trong nước. Với chức trách Cơ mật viện đại thần, những vấn đề của Bộ Hộ, trong đó có thương chính, cũng được bàn thảo ở Viện, ở các buổi thiết triều và cũng được nhà vua chuẩn y hay không.
Công việc Bộ Hộ cũng hết sức khó khăn, phức tạp trong giai đoạn này. Đó cũng một mặt trận không tiếng súng giữa nước ta với thực dân Pháp và Âu Mỹ, với các khách thương người Hoa ở nước Thanh.
Trong công việc của Viện Cơ mật và ở Bộ Hộ, thượng thư Nguyễn Văn Tường vẫn không nguôi với câu hỏi ông thường xuyên đặt ra cho mình: Chấp nhận kí “hoà” ước, thương ước để làm gì, nếu không phải là để chấn chỉnh nội lực, canh tân Đất nước?
Ba vấn nạn thuộc về Bộ Hộ nổi cộm lên, chiếm nhiều thời gian nghiên cứu, suy tư và đốc suất thực hiện nhất, kể cả những ngày tháng phải đấu tranh cam go với các trở ngại để vượt qua, ấy là:
- Đề xuất, đấu tranh để tiến hành cải cách định mức thuế ruộng công bằng mức thuế ruộng tư ở Đàng Ngoài (từ bên kia sông Gianh trở ra) như ở Đàng Trong (từ sông Gianh trở vào), với phương thức trung bình cộng hai mức thuế ruộng công, ruộng tư trước đây vốn chênh lệch nhau.
- Giải quyết sự tràn lan tiền sềnh (tiền đồng dị dạng) đến mức không thể điều chỉnh nổi, vốn đã xảy ra từ những năm giặc Cờ quấy phá ở biên giới phía bắc.
- Đấu tranh với thực dân Pháp trên lĩnh vực biên thu thuế thương chính, chủ yếu từ tàu thuyền nước ngoài, và trong việc khai thác tài nguyên khoáng sản (cho lãnh trưng khai mỏ cũ, ngăn chận việc tìm kiếm, khai thác các mỏ mới), đồng thời ở việc Pháp yêu sách xuất cảng gạo. Vấn đề Pháp yêu sách xuất cảng gạo bất chấp nạn đói, hay nói đúng hơn là chúng muốn đẩy nhân dân ta vào nạn đói, đó là một vấn đề hết sức căng thẳng.
Trong lĩnh vực phối hợp với thực dân Pháp để thực hiện cưỡng ước thương mại, Thương chính còn phải tự thúc đẩy việc học tập ngoại ngữ các nước Tây dương (197), chủ yếu là tiếng Pháp, và học tập các công nghệ Tây (197), để có thể vừa chống lại sự lũng đoạn, khuynh loát, thao túng của thực dân Pháp, vừa canh tân Đất nước.

15

Sau nhiều ngày tháng đắm mình vào công việc, đến năm Canh thìn (1880) này, thượng thư Bộ Hộ, đại thần Viện – Bạc Nguyễn Văn Tường mới có dịp để hồi tưởng lại những việc đã làm, suy nghĩ lại những điều đã đắn đo suy nghĩ.
Việc ông đề xuất cải cách định mức thuế ruộng công bằng mức thuế ruộng tư ở Đàng Ngoài (từ bên kia sông Gianh trở ra), rất được nhà vua quan tâm và ủng hộ. Sau khi thăm dò sĩ tử ở kì thi hội và thi đình khoa Ất hợi (1875), ông liền được chuyển qua nắm giữ Bộ Hộ, và ngay sau đó đã công bố chủ trương ấy. Rất nhiều nơi ở Bắc Kì hoan nghênh, hoan nghênh nhất vẫn là đa số tá điền, bần nông trong nhân dân ngoài đó. Cộng vào đó, dân Hà Nội càng rất vui mừng khi nợ thuế năm Tự Đức hai mươi sáu (1973) được thượng thư Bộ Hộ tâu xin được tha miễn hẳn (198). Tuy nhiên, sau dăm bảy tháng tiến hành cải cách, vào đầu năm Bính tí (1876), tuần phủ Hưng Yên Nguyễn Đức Đạt lại dâng sớ vào kinh: “Lệ mới thuế ruộng xin khoan, gia hạn cho ba (3) năm” (199) . Bộ Hộ lại phải giải trình công việc cốt tuỷ nhất của mình. Nhà vua lại ủng hộ thượng thư Nguyễn Văn Tường rất nhiệt thành. Sắc dụ liền ban ra, quở trách Nguyễn Đức Đạt: “Bắc Kì thu thuế chia đều [:trung bình cộng] là để cho chính sách công bằng, lòng dân đều được cả. [Trẫm] đã chuẩn cho thi hành. Gần đây, cứ tổng đốc Nam Định Nguyễn Trọng Hợp dâng tập tâu cho là tiện cho dân, ngươi lại theo ý kiến riêng của mình, viện cớ nước lụt, xin gia hạn, hầu muốn trái lệnh chăng?…” (199) . Đó là một ý kiến phản hồi. Phản hồi của Nguyễn Đức Đạt, một tuần phủ vốn có những ý tưởng rất tích cực, người đã từng cùng Nguyễn Bính dựng bia lưu niệm cho lần khoi vét sông Vĩnh Định (Quảng Trị) hồi Nguyễn Văn Tường còn làm phủ doãn kinh sư Thừa Thiên – Quảng Trị. Nhưng đâu phải mọi điều Nguyễn Đức Đạt đều tích cực! Thậm chí lần này, Nguyễn Đức Đạt lại bị trách: “Ngươi là người chăn dân một tỉnh, điềm nhiên không một kế bổ cứu, lại muốn rộng tiếng khoa đại, mà chẳng nghĩ đến chính kinh thường [:làm đúng phép tắc đã thành lệ thường]. Thực rất không hợp, cho giáng hai cấp, lưu [nhiệm]” (199) ! Thượng thư Nguyễn Văn Tường đã thu thập nhiều dữ liệu từ thực tế cải cách gửi về Bộ Hộ. Ông còn xin đề cử các quan khoa đạo ra Bắc để trực tiếp giám sát thực tế. Từ những thông tin thắng lợi trong thực tế nhận được, vua Tự Đức và nhiều đình thần rất ủng hộ Bộ Hộ.
Việc đang phải suy nghĩ nhiều, thượng thư Bộ Hộ vẫn phải gác lại để lo việc tế lễ trọng đại nhất trong mỗi năm: Lễ tế Hồn thiêng non sông Tổ quốc Đại Nam.
Cũng vào tháng giêng đầu năm Bính tí (1876) này, thượng thư Bộ Hộ, bá tước Kì Vĩ, đại thần Viện Cơ mật – Thương bạc, kiêm sung quản lí Nha Thương bạc Nguyễn Văn Tường, với vinh dự được thay mặt hoàng đế Đại Nam và cả triều Nguyễn, làm đại thần khâm mạng gieo thẻ chọn ngày tốt để tiến hành lễ tế tại đền Nam Giao, nơi tượng trưng cho Non sông Tổ quốc (200). Năm nay, không chọn được ngày tốt, và lệ gieo thẻ chọn ngày từ đấy vua Tự Đức ban lệnh miễn (200), cứ theo một ngày nhất định làm lệ mãi mãi về sau. Mọi người đều thấy chọn một ngày nhất định đầu năm làm lệ muôn đời hoá ra là hay nhất, cứ như ngày mùng một tháng giêng bao đời vẫn là ngày khởi đầu Tết Nguyên đán. Lễ tế giao năm nay lại tiến hành hết sức trang trọng.
Trong khi chủ lễ, khấn nguyện với Hồn thiêng non sông Tổ quốc Đại Nam, thượng thư Nguyễn Văn Tường không thể quên bày tỏ ước nguyện cuộc cải cách thuế ruộng công, ruộng tư chia đều cho cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong được thuận lợi, để hai miền Đất nước được thống nhất ở chiều sâu, cho nông dân nghèo được có cuộc sống khấm khá hơn trước.
Sau những ngày lễ tế giao trọng đại, thiêng liêng ấy, thượng thư Bộ Hộ lại tiếp tục giải trình, đổng suất các tỉnh Đàng Ngoài thực hiện chính sách cải cách thuế ruộng công, ruộng tư theo phép trung bình cộng.
Phép tính rất đơn giản. Trước đây, thuế ruộng công hạng nhất là tám mươi (80) thưng, trong khi đó thuế ruộng tư hạng nhất chỉ hai mươi sáu (26) thưng (201). Nay cải cách lại: tám mươi cộng với hai mươi sáu thành một trăm linh sáu; một trăm linh sáu chia hai ([80 + 26 = 106] ( [106 : 2 = 53]). Như vậy, thuế ruộng công được giảm: 80 – 53 = 27 (hai mươi bảy) thưng thóc; thuế ruộng tư phải bị tăng lên: 53 – 26 = 27 (hai mươi bảy) thưng thóc (201). Ruộng công là ruộng của Nhà nước, thường phát canh cho nông dân nghèo (tá điền, bần cố nông), phải được giảm thuế. Ruộng tư là ruộng của địa chủ, phú nông, không thể cứ mãi để ở mức thuế thấp, mà phải tăng lên. Với chính sách thuế ruộng cải cách này, nông dân nghèo rất phấn khởi.

“… Tôi về cấy ruộng công điền,
Hạt thóc đã lớn, quan tiền trao tay”


Bài ca dao ấy vang lên vẫn không làm hạng cường hào ác bá tự vấn lại, mà còn kêu kiện đủ các trò.
Tuy nhiên, không thể không ngừng lại việc thu thêm thóc nghĩa thương ở Đàng Ngoài kèm với thuế chia đều theo phép trung bình cộng. Thóc nghĩa thương là quỹ thóc chung của làng xã, dùng để cứu tế lẫn nhau khi đói kém. Thay vì ruộng nghĩa thương (làm chung, nộp vào kho chung, dễ sinh đùn đẩy) là thóc nghĩa thương (thu kèm với thuế). Khổ nỗi còn có thêm một điều là trước đây, thời thượng thư Bộ Hộ là Phạm Phú Thứ, triều đình còn cho thu thêm tiền quyên nộp căn cứ vào số mẫu ruộng đất để chi phí việc quân! Số quyên nộp bằng tiền theo số ruộng đất (theo số lượng mẫu) này không phải thuộc vào chỉ tiêu cải cách thuế ruộng công, ruộng tư lần này! Thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường đọc những tập tâu các tỉnh gửi về, xét nghĩ, ghi phiếu tâu, trình lên vua, kèm với đề xuất của ông. Vua Tự Đức cũng thuận theo.
“Khi ấy ở Bắc Kì mới ban hành lệ đánh thuế đều năm (5) tỉnh: Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hưng Hoá, Sơn Tây bị lụt, bị giặc, tình hình rất khẩn thiết. Các thóc tô thu thêm, cho nộp thay bằng tiền” (202) .
Vua ra sắc dụ:
“Tha cho từ Hà Tĩnh trở về Bắc số tiền quyên về điền mẫu hiện thiếu.
Các tỉnh ở Bắc Kì mấy năm nay có việc, chi tiêu về việc quân rất nhiều, nhiều lần cho quyên nộp tiền ruộng đất, tất cả sáu (6) lần, để giúp vào nhu phí. Vì lúc đầu triều đình cũng bất đắc dĩ mà làm việc tạm theo tình thế cho thích hợp ấy. Nay từ Hà Tĩnh trở về Bắc, số thiếu còn nhiều. Hiện nay việc ở biên giới hơi thư, mà đời sống của dân ít thoả mãn, làm ăn chưa yên, nên phải cứu giúp nhiều hơn, để gia ơn cho dân. Vậy các hạt từ Hà Tĩnh trở về Bắc, số tiền quyên điền mẫu hiện còn thiếu bao nhiêu, khoan tha cho tất cả” (203)
.
Tuy vậy, đó là quyết định trên tình hình Đàng Ngoài, còn ở Đàng Trong (từ sống Gianh trở vào) không thể không tiếp tục thu thóc nghĩa thương để làm quỹ thóc chung cho làng xã. Thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường tâu trình lên vua, vua đưa ra đình nghị về nghĩa thương với cách thu “theo lệ nộp thuế, mỗi hộc nộp thêm một bát” .
“Đình thần tâu nói: “Đặt nghĩa thương, lấy của riêng phụ thêm vào, để bù vào năm không đủ [ăn], đó thực là việc cần phòng năm mất mùa. Xin theo chỉ [dụ] trước, định đều khoản, lục sức cho làm… […] … Duy Bắc Kì mấy năm nay có việc, trưng binh, điệu lương, phải làm nhiều. Vả lại hiện nay lệnh đánh thuế đều, mới thi hành, cũng lạ tai mắt người. Nay nếu lại thu thóc riêng nộp thêm vào nghĩa thương, lệnh mới thi hành nhiều, hoặc sợ người nghe thấy sinh ngờ. Xin trước hết, sức các tỉnh từ Quảng Bình trở vào Nam tuân theo làm việc, còn từ Hà Tĩnh trở ra Bắc, hãy hoãn hai (2) năm, sẽ làm sau. Vua chuẩn cho theo nghị thi hành” (204) .
Buổi đình nghị ấy diễn ra từ tháng ba, năm Tự Đức thứ hai mươi chín (1876). Sau bốn năm, ở năm Canh thìn (1880) này, Phan Đình Bình lại phản hồi! Thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường không thể không giải trình lên vua và giải trình một cách công khai trước công luận.
“Trước đây, bố chính sứ Bắc Ninh trước là Phan Đình Bình dâng sớ tâu: “Thuế ruộng định lại, quan cho là thuế quân đều, dân bảo là thu thêm. Lại như thuế ruộng tư mỗi hộc thu thêm một bát, dân gian nhiều người nói là nặng, khó chịu nổi. Về khoản thu thêm, xin thôi” .
Đến đây, Bộ Hộ tâu rằng:
“Từ Hà Tĩnh trở ra Bắc, ruộng công là ruộng của dân, mà thuế so ra có phần nặng; ruộng tư phần nhiều do bọn cường hào gian ác chiếm riêng, mà thuế so ra có phần nhẹ. Đổi ra làm thuế chia đều, cũng là muốn định ra phép thường, mà cho trong nước không có chính [sách] khác nhau; lệnh thuế chia đều được thi hành, tuy thuế ruộng tư tăng mà thuế ruộng công giảm, tức như ba tỉnh lớn Hải Dương, Nam Định, Hà Nội, dân đều thu nộp, yên lặng không lời nào khác. Thì bảo là thu thêm, chẳng qua chỉ là lời bàn riêng của bọn đàn anh giàu có ở một hạt Bắc Ninh mà thôi. Làm việc nước phải tự có thể cách chính đại công bằng, sao được mọi người vui lòng cả; huống chi, ruộng tư thu thêm [mỗi hộc một bát], chứa riêng vào kho công, để phòng chẩn cấp, cũng là một việc cứu năm mất mùa. Xin theo lệ thi hành, để tỏ chính lệnh tin đúng; đợi sau này kho chứa được nhiều, có nên châm chước miễn cho, sẽ do quan tỉnh ấy xét tâu lên”.
Vua nghe theo” (205)
.
Thượng thư Bộ Hộ vẫn kiên trì thực thi chính sách cải cách thuế ruộng công, ruộng tư chia đều (theo phép trung bình cộng), và đến thời điểm này, càng khẳng định rõ, thóc nghĩa thương từ ruộng tư cũng không thể không thu thêm. Phản ứng của bọn cường hào ác bá, trước đây lợi dụng quyền thế, ẩn lậu số mục, giấy tờ lếu láo, theo kiểu “đồng bạc đâm toạc tờ giấy”, biến ruộng công thành ruộng tư, không thể không xảy ra! Phản ứng của “bọn đàn anh giàu có ở một hạt Bắc Ninh” xảy ra, dai dẳng đến nay, sau bốn năm cải cách, cũng không phải khó hiểu! Vì thế, thượng thư Nguyễn Văn Tường xác định: “Làm việc nước phải tự có thể cách chính đại công bằng, sao được mọi người vui lòng cả”. Ông đặt niềm tin vào đại đa số nhân dân, chứ không phải vào bọn cường hào ác bá vốn chỉ là thiểu số. Huống nữa, thiểu số giàu có phản ứng chống cải cách ấy chỉ ở mỗi một tỉnh Bắc Ninh. Chính nhờ chủ trương đã thành chính sách như thế, đại đa số nông dân nghèo mới khỏi bị địa chủ, phú nông áp chế, bóc lột.
Đó là lời giải thích minh bạch và xác thực, với tư cách thượng thư Bộ Hộ, ông đã gửi cho Phan Đình Bình (đã thôi chức bố chính Bắc Ninh) và chủ yếu cho các quan tỉnh, huyện khác, cũng như cho các chánh tổng, lí trưởng và nhân dân. Lần này, sau bốn năm thực hiện cải cách với nội dung, mục tiêu như vậy, lại thêm một lần thăm dò, lấy ý kiến sĩ tử từ cuộc thi hội và điện thí (thi đình) năm Canh thìn (1880), ông càng mạnh mẽ khẳng định.
Cũng như kì thi hội, thi đình năm Ất hợi (1875), trong các đầu đề năm nay, có hai đầu đề lại được lặp lại tuy với yêu cầu về thể văn khác trước.
“Địa quảng đại hoang nhi bất trị, thử diệc sĩ chi nhục dã” (Đất rộng bỏ hoang nhiều mà không làm ra được, cũng là điều nhục của kẻ sĩ) (206).
“Nghĩ Bắc Kì sĩ dân thỉnh quân Bắc Kì điền tô biểu” (Làm bài biểu thay sĩ dân Bắc Kì xin chia thuế ruộng ở Bắc Kì) (207)
.
Kì Ất hợi, đề thi về thuế ruộng hai loại được trung bình cộng ấy, yêu cầu làm theo cổ thể. Kì Canh thìn (tháng ba nguyệt lịch, 1880) này, yêu cầu làm “theo thể thức bài biểu của Hàn Dũ làm thay Bùi tướng [Bùi Độ] từ quan” (207) . Đầu đề vẫn do vua Tự Đức đích thân ra, chứng tỏ nhà vua rất ủng hộ cuộc cải cách thuế ruộng ở Bắc Kì.
Kì thi hội, thi đình (điện thí) này, giám khảo chính thức (đọc quyển): Thự hiệp biện đại học sĩ, lãnh thượng thư Bộ Hộ, Kì Vĩ bá Nguyễn Văn Tường và tả tham tri Bộ Hình Lê Đình Tuấn (nguyên tuần vũ Trị – Bình); giám khảo phụ (duyệt quyển): tả thị lang Bộ Hộ Bùi Văn Quế, hữu thị lang Bộ Binh Hà Văn Quan (208).
Trong việc chọn chủ khảo, vua Tự Đức cho rằng: “Chủ khảo phải cốt phải được người, thì học trò mới phục” (209) . Vua đã chọn Nguyễn Văn Tường theo tiêu chí đó. Nguyễn Văn Tường là người vốn được vua Tự Đức đánh giá cao về học thức và nhân cách, trong dịp phong thăng cho ông hàm thự hiệp biện đại học sĩ, hồi tháng giêng năm thứ ba mươi mốt (1878): “Hộ bộ thượng thư Nguyễn Văn Tường là người học thức chắc chắn, trung thành ái thực, chịu đựng khó nhọc, chịu khó làm việc để báo ơn nước, nay chuẩn đăng làm hiệp biện đại học sĩ” (210) .
Rất tiếc kì thi hội, thi đình lần này không có những tiến sĩ, phó bảng có tầm cỡ như kì Ất hợi (1875) và kì Đinh sửu (1877). Kì Đinh sửu, chỉ một mình Nguyễn Văn Tường là chủ khảo đọc quyển (210) (thượng thư Bộ Hình kiêm quản Bộ Lại Trần Bình có hành vi ám muội trong khi chấm thi, bị cách chức (211)); phụ khảo duyệt quyển là Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Thuật. Đó là kì thi có một trong những đề thi rất thú vị: “Nghĩ Thích, Lão nhị môn, khất quy Nho giáo biểu” (Nghĩ làm bài biểu nói về hai môn đạo Thích [Phật], đạo Lão, xin đồng quy về Nho giáo” (212) . Kì ấy, tiến sĩ, phó bảng được chấm đỗ là bảy người, trong đó có một người anh hùng rất xuất chúng về sau: đồng tiến sĩ xuất thân Phan Đình Phùng (211).
Kém hơn hai kì trước, kì Canh thìn (1880) năm nay không có người được chấm đỗ về sau sẽ là những anh hùng, liệt sĩ xả thân vì Đất nước. Nhưng nhìn ở khía cạnh khác, bài làm không đạt điểm cao hẳn là do yêu cầu về thể loại. Vấn đề nêu ra ở đề thi vẫn được vua Tự Đức rất ủng hộ và nông dân nghèo rất ngợi ca. Không có quyển thi hội, thi đình để lấy học vị tiến sĩ nào hay hơn bài ca dao của nông dân, vang lên trên đồng ruộng công điền, ngân nga trong thôn xóm xanh ngát sau những luỹ tre xanh:

“Từ nay tôi cạch đến già
Tôi không dám cấy ruộng bà nữa đâu
Ruộng bà vừa xấu vừa sâu
Vừa bé hạt thóc vừa lâu đồng tiền
Tôi về cấy ruộng công điền
Hạt thóc đã lớn, quan tiền trao tay”.


Phải chăng, với cuộc cải cách thuế ruộng công, ruộng tư này, thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường là chiếc cầu nối hai bờ sông Gianh, nối liền sự thống nhất Đàng Trong – Đàng Ngoài về chiều sâu xã hội?

Hết tệp 13
(phân đoạn 5 truyện kí thứ 8)

Khởi viết truyện kí thứ tám này
vào lúc khoảng 07 giờ sáng,
ngày 17.11.2002 (13.10 Nh. ngọ, HB.2).
Viết đến dòng chữ cuối của truyện kí thứ 8 lúc 16 giờ kém 10 phút,
ngày 30.11.2002 (24.10 Nh. ngọ, HB.2).
Sữa chữa xong vào lúc 15 giờ 24 phút,
ngày 04.12.2002 (01.11 Nh. ngọ, HB.2).


TRẦN XUÂN AN


(130) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 273.

(131) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 276.

(132) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 276.

(133) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 277.

(134) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 278. Trước tôi, đã có rất nhiều người phê phán Trương Vĩnh Ký, qua việc nhận định quá trình sống và hoạt động của ông ta. Tất cả cuộc đời của Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) là phục vụ “văn hoá – xã hội” cho cuộc xâm lược của thực dân Pháp, ngay từ những ngày đầu của giai-đoạn-xâm-lược-bằng-súng-đạn (1858) của chúng trên Đất nước ta. Điều này có thể thấy rõ qua các bản tiểu sử Trương Vĩnh Ký, các bản đã công bố xưa nay hầu như không khác gì nhau. Ngoài ra, tôi vẫn lấy Đại Nam thựïc lục làm chuẩn cứ. Điều cần nói là: Trên quan điểm lịch sử – cụ thể, Trương Vĩnh Ký đáng lên án trăm lần hơn những kẻ phải chịu ra làm việc với Pháp khi triều Nguyễn đã mất hẳn vào tay thực dân, “tả đạo”, khi phong trào Cần Vương đã hầu như hoàn toàn bị thực dân, “tả đạo” dập tắt (1896). Những kẻ đó, trong giai đoạn về sau, không còn một chỗ dựa nào để chống Pháp cho có hiệu quả, ngoại trừ một số phong trào yêu nước hoặc vận động khởi dậy của vài cá nhân, vài nhóm người, chống Pháp một cách anh hùng trong trong tình thế tuyệt vọng. Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) không ở trong tình thế bị bức bách tuyệt đối của giai đoạn lịch sử đen tối 1885 – 1930 như những kẻ ra làm việc với Pháp về sau. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân gần đây đã có những bài báo về vấn đề này. Kính mong có những kết luận công khai, dứt khoát, mặc dù đã rõ.

(135) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 283 – 284.

(136) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 286.

(137) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 293 – 294.

(138) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 297.

(139) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 298.

(140) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 305 – 306. Thông thường, những bản dụ công bố cho toàn dân của nhà vua phải được viết một vài tháng trước đó một cách hết sức cẩn trọng. Chúng tôi nghĩ Dụ tự biếm về việc chưa thu hồi được lục tỉnh Nam Kì của vua Tự Đức thuộc trường hợp này. Do đó, đại thần Viện – Bạc Nguyễn Văn Tường đã đọc bản dụ ấy từ năm Ất hợi (1875) mặc dù đến năm Bính tí (1876) nó mới được công bố (tuy chỉ công bố đến các ấn quan [thủ trưởng]). Xin xem thêm một vài câu trong hai bản sớ, tấu của Nguyễn Văn Tường: “Ngẫm thấy hoàng thượng xem thần như con [quân phụ – thần tử], một thể tương quan, cho nên dù không nói mà không gì không cho. Thần kính đọc xong, xúc động sâu xa, nước mắt tuôn rơi, không biết nói gì!” (Nam Kì tấu nghị, bản tấu ngày [?]tháng [?] năm Tự Đức thứ hai mươi tám, Ất hợi [1875]). “Một hơi thở đang còn, nguyện đem hết sức ngựa hèn” (Bản tấu ngày [?] tháng [?] năm Tự Đức thứ ba mươi ba [1879]). Rất tiếc, chúng tôi chưa có điều kiện để xác định văn cảnh của hai trích dẫn trên… Riêng xuất xứ đoạn sớ về việc tái lập nhà trường quốc học ở Nam Kì ở đoạn truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử này, xin xem chú thích (57), (58) ở cuối truyện kí thứ bảy.

(141) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 308.

(142) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 310 – 311.

(143) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 312 – 313.

(144) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 318.

(145) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 322.

(146) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 324.

(147) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 328.

(148) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 340.

(149) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 341.

(150) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 347; TVTĐ., tập 2, 1996, tr. 367 – 371.

(151) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 352.

(152) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 356 – 357.

(153) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 16.

(154) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 29 – 34.

(155) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 34.

(156) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 51.

(157) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 53.

(158) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 63 – 64.

(159) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 65 – 66.

(160) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 67.

(161) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 68.

(162) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 71 – 72.

(163) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 88.

(164) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 88.

(165) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 97.

(166) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 114.

(167) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 119 – 120.

(168) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 145.

(169) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 156 – 157.

(170) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 162.

(171) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 169.

(172) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 180.

(173) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 182 – 183.

(174) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 183 – 186.

(175) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 187.

(176) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 189 – 190.

(177) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 196.

(178) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 203.

(179) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 212.

(180) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 233 – 235.

(181) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr.236.

(182) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 290 – 295.

(183) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 297.

(184) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 298.

(185) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 327.

(186) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 328.

(187) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 341.

(188) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 341 – 342.

(189) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 346.

(190) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 346 – 347.

(191) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 347.

(192) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 350.

(193) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 352.

(194) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 352.

(195) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 356.

(196) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 383.

(197) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 248.

(198) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 258.

(199) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 269.

(200) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 270.

(201) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 220.

(202) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 276.

(203) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 276.

(204) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 279 – 280.

(205) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 332 – 333.

(206) TVTĐ., tập 2, 1996, tr. 397 – 409.

(207) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 330.

(208) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 338, 340.

(209) TVTĐ., tập 2, 1996, tr. 108.

(210) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 43 – 44.

(211) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1976, tr. 57 – 58.

(212) TVTĐ., tập 2, 1996, tr. 383.


Soạn xong phần chú thích
vào lúc 19 giờ 24 phút,
ngày 06.12. 2002 (03.11 Nh. ngọ HB.2).


TRẦN XUÂN AN


HẾT TỆP 13
(PHÂN ĐOẠN 5 TRUYỆN KÍ THỨ 8)

Xin xem tiếp TỆP 14
(phân đoạn 6 truyện kí thứ 8)
thuộc tập II bộ sách “PCĐT. NVT.”

0 Comments:

Post a Comment

<< Home