TRAN XUAN AN - PCDT NGUYEN VAN TUONG (tap II C)

Friday, December 16, 2005

Tệp 14 - Tập II Blog C
(PHÂN ĐOẠN 6, TRUYỆN KÍ THỨ 8)

Sẽ đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm
số tháng 12-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_txa-ky-content.htm


TRẦN XUÂN AN

CUỘC CHIẾN NGOẠI GIAO
VÀ NGOẠI THƯƠNG


Truyện kí thứ tám
(phân đoạn 6)

16

Một trận địa không tiếng súng trên chiến trường kinh tế (với nghĩa quốc kế dân sinh, économy) thuộc chức năng, trách nhiệm Bộ Hộ là tiền tệ (tài chính). Đồng tiền nước ta từ những năm tán lí Nguyễn Văn Tường còn tiễu phỉ phía bắc, đã bị những tên khách buôn nước Thanh làm giả. Tiền giả ấy tràn sang các tỉnh biên giới bắc và một số tỉnh Bắc Kì, nằm trong mục đích của các khách thương người Hoa là vơ vét hàng hoá và lũng đoạn nền tài chính nước ta. Thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường nhớ rõ lần đầu tiên ông phát hiện ra loại tiền nhân dân bị lừa là vào tháng tư, năm Tự Đức thứ hai mươi bốn (1871) (213). Khi đi sứ vào Gia Định với thượng thư Lê Tuấn, ghé lại Bình Định vì nồi hơi nước tàu bị nổ, ông càng biết rõ tiền giả đã tràn lan ở cả Bình Định, khi vỡ ra vụ bọn khách buôn người Thanh chở sang thông mưu với tên chủ lò đúc Hoàng Đình Quan, vào tháng sáu nhuận, năm Tự Đức thứ hai mươi sáu (1873) (214). Như thế là tiền giả (tiền sềnh, tiền dị dạng) đã là một quốc nạn từ Bắc đến Trung, trong nhiều năm nay!
Đến tháng mười một, Bính tí (1876), “khi ấy tỉnh Hà Nội có người khách buôn thuyền ở Tô Châu chở tiền đồng cổ ra khỏi cửa biển” (215) . Ngay lập tức, có sắc dụ cấm chỉ. Hoá ra, còn có vấn đề là kim loại đồng nguyên chất! Bọn con buôn hám lợi đã thu mua tiền đồng thật, nguyên chất. Chúng lại đúc tiền đồng pha kẽm mang hiệu tiền Đại Nam, chất lượng xấu, lại mỏng hơn, và càng về sau càng dị dạng.
Sau nhiều biện pháp cấm đoán vẫn không cấm nổi tệ nạn ấy, vì tiền giả đã đi sâu vào trong sinh hoạt chợ búa, mua bán thường ngày trên hầu hết các nơi trong tất cả các tỉnh!
Đây là một vấn nạn rất nhức đầu cho cả nước! Đành phải thi hành tạm thời liệu pháp thử để nghiệm: “dĩ độc trị độc”, vào năm một tám bảy tám (1878)!
“Bỏ lệ cấm tiền đồng khác kiểu để đánh thuế.
Gần đây, các người buôn nước Thanh thu nhiều tiền đồng khác kiểu, tải đến các cửa biển từ tỉnh Quảng Nam trở vào Nam, để trao đổi với nước ta. Tháng trước, đã chuẩn cho nhân dân, nếu có lấy nhầm, thì cho thú nộp ở tỉnh, [tỉnh sẽ] đổi cho tiền kẽm (mỗi quan tiền đồng đổi lãnh hai (02) quan tiền kẽm; tiền đồng ấy [sẽ được] đúc thành đồng để vào kho).
Đến đây, bọn khâm sai ở Quảng Nam là Hoàng Diệu, hộ phủ là Lâm Hoành, khâm phái Quảng Ngãi là Đàm Khắc Nhượng, bố chính là Đoàn Dao tâu lên, nói: “Người buôn nhân đó chọn lấy; dân nghèo mua gạo không được; tình [hình] lại càng khổ; tâu xin bỏ cấm [: bỏ lệ cấm]”.
Bộ Hộ nghị lại, cho là tiền như nước suối, phép phải lưu thông luôn. Tiền hiệu nước ta lưu hành ở các xứ Bằng Tường, Ninh Minh tỉnh Quảng Tây và Mã Cao tỉnh Quảng Đông [Trung Quốc] rất nhiều. Họ dùng mà ta cấm, không những hại cho dân ngay ở trước mắt, sợ đến khi ta thiếu mà họ thừa. Nếu, hoặc lo họ trà trộn, thì chỉ trong khoảng năm, sáu [5; 6] phần, trà trộn được bao nhiêu. Thà rằng cấm mà không tiện, không chu đáo, sao bằng cho lưu thông để tìm tòi rồi rào [:dồi dào] thì hơn. Nay xin không cứ thuyền buôn nước nào, nếu có hiệu kiểm tiền đồng, tiền kẽm nước ta, đều cho đem đến buôn bán, nhưng khi vào cửa biển phải báo ngay cho quan coi cửa biển xét thực, chiểu lệ đánh thuế (trăm phần trăm thu mười phần). Nếu có ẩn lậu, chiểu thương ước tịch thu cả tiền trong thuyền vào Nhà nước. Viên quan tỉnh và coi cửa biển không kiểm soát được, chiểu luật trị tội. Người tố cáo ra mà được sự thực, trích một nửa tiền ở thuyền để thưởng cho. Như thế thì người buôn tham lợi tranh nhau mà đến. Tốn đồng, kẽm, công thợ, vật liệu người, mà sung vào tiền hiệu thuế quan của ta, tưởng cũng hơi tiện [lợi].
Vua [châu phê] bảo rằng: Hai hạt Lạng Sơn, Cao Bằng, quen dùng tiền nước Thanh, từ trước đến nay cũng cho; chuẩn cho lục sức thi hành ngay để giúp sự cấp bách cho dân” (216)
.
Thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường xét nghĩ trên cơ sở lời tâu xin của các vị quan rất có uy tín và có thực tế (đang làm khâm sai, khâm phái và quan tỉnh). Ông lập luận theo nguyên tắc định mức mệnh giá đồng tiền: Mệnh giá = giá vật liệu (đồng, kẽm) + tiền công + tiền than củi đốt lò đúc. Đó cũng là nguyên tắc định mệnh giá đồng tiền vàng, đồng tiền bạc. Đồng tiền vàng, đồng tiền bạc cũng là một loại hàng hoá có giá trị trên toàn thế giới. Nguyên tắc định giá trị hàng hoá vẫn là nguyên tắc ngang giá (kí hiệu bàng dấu bằng [ = ]). Như thế nạn tiền giả sẽ được giải quyết. Vấn đề đặt ra khá khó khăn là kiểm định chất lượng kim loại quý (vàng, bạc, và có thể kể cả đồng, kẽm) được đúc thành tiền.
Về mặt lí thuyết, nhận định trên là hoàn toàn đúng. Trên thực tế, lịch sử tiền tệ từ xưa đến nay vẫn xuất hiện và tồn tại loại tiền kim loại quý (đồng tiền vàng, đồng tiền bạc). Thượng thư Bộ Hộ còn lưu ý câu viết trong bản tấu của Hoàng Diệu, Lâm Hoành, Đàm Khắc Nhượng, Đoàn Dao: “Người buôn nhân đó chọn lấy; dân nghèo mua gạo không được; tình [hình] lại càng khổ; tâu xin bỏ cấm [: bỏ lệ cấm]” . Đúng vậy. Nếu cấm và thu đổi tiền giả (đồng pha kẽm), thì các người buôn sẽ tuyển chọn để thu mua tiền thật (chất lượng đồng tốt) và không chịu thu tiền giả (chất lượng đồng kém, đã pha thêm kẽm), mà tiền giả (tiền sềnh) đã ở trong hầu bao của nhân dân (ban đầu do tham lợi!), nhất là dân nghèo bị lừa gạt.
Sắc dụ đã được ban ra, đi vào đời sống sinh hoạt thường ngày ở chợ búa với sự lưu thông tiền tệ của nó.
Nhưng trong thực tế, tập tâu xin của Hoàng Diệu, Lâm Hoành, Đàm Khắc Nhượng, Đoàn Dao, phiếu xét nghĩ, nhận định, đề nghị của Bộ Hộ do Nguyễn Văn Tường phụ trách, và cả châu phê lẫn sắc dụ của vua Tự Đức đều được thực tế thị trường phản hồi là sai lầm!
Đây là một vấn nạn rất nhức đầu cho cả nước! Một quốc nạn, do bọn khách buôn người Hoa và một số người Tây dương! Quốc nạn này nảy sinh một khi các cửa khẩu đã mở ra, ở miền núi biên giới bắc (tự phát), ở miền biển (thương ước). Mở cửa về ngoại thương, buôn bán với tất cả các quốc gia (Hoa, Nhật, các nước Âu Mỹ…), việc đó đòi hỏi phải có một loại tiền thống nhất trên thế giới (tiền quốc tế, không phải tiền tệ của một nước nào). Nhưng thực tế là không có loại tiền ấy. Do đó tiền Đại Nam trôi nổi ra nước ngoài là không có gì lạ. Cũng không có gì lạ khi tiền nước Thanh trôi nổi vào Lạng Sơn, Cao Bằng… Và do lòng tham, tiền giả do người Thanh, người Tây dương tràn vào nước ta, thu hút tiền thật nước ta ra nước ngoài, thu lợi chênh lệch về giá (kim loại đồng là hàng hoá), vơ vét các loại hàng hoá khác với giá rẻ (thu mua bằng tiền giả [tiền sềnh]). Có một âm mưu phá hoại về kinh tế, cụ thể là về tài chính, gây rối loạn thị trường? Về quân sự, đồng là một kim loại chiến lược thường dùng để đúc súng đạn. Có âm mưu gì ở đó? Về sau, triều đình mới phát hiện ra là có bàn tay người Pháp ở Gia Định nhúng vào.
“Thương trường là chiến trường” . Trên mặt trận này, bốn vị quan kia, thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường và vua Tự Đức cũng như đình thần đã vấp phải một thất bại, do ban ra sắc dụ “chữa cháy” trước thực trạng tiền sềnh từ lâu đã tràn vào nước ta, nhân dân đã trót lỡ tiêu dùng như tiền thật!
Sau đúng một năm, vào tháng mười một nguyệt lịch, năm Tự Đức thứ ba mươi hai (1879), quan Nội các là nhóm Bùi Ân Niên tâu xin cấm tiền giả của người buôn nước Thanh:
“Quyền tự đúc tiền là tự triều đình nắm giữ. Bữa nọ vì trực tỉnh phía nam mất mùa, dân đói, tiền giả nhân đó trà trộn vào. Nhiều lần đã nghiêm cấm không được. Đình thần bàn xin đánh thuế nặng, cũng là không cấm mà hoá cấm. Nhưng biết đâu người giữ đồn cửa biển không giấu giếm, dung túng, kẻ buôn trí trá không gian dối! Lại nghe đồng tiền hạng lớn, kẻ buôn kia dụng kế tìm đổi, đem về đúc lại. Hiện nay, tiền cũ tiêu dùng, mười (10) phần chỉ còn [từ] một (01) [đến] ba (03) phần. Sau này, ở trong nước, đều là tiền của chúng, lâu ngày hư hỏng, lại không dùng được. Thế là cốt để cứu cái tệ tiền khan hiếm [do bị thu mua chở ra nước ngoài], mà trở thành cái lo không có tiền! Nếu không chước nghị kịp thời, thực sợ tiền đúc trộm ấy ngày nhiều, thông hành ngày rộng. Cái tệ lưu truyền [tiền sềnh] không thể nói xiết, tất đến vật giá đắt như vàng, tiền rẻ như đất, dù mười (10) phần bỏ đi chín (09) phần, cũng dùng gì được? Nay xin phàm tiền giả ở dân, thì cho đều tiêu dùng một đồng ăn một đồng kẽm. Hạn trong sáu tháng thì phải cấm hẳn… […]” (217) .
Đình thần lại luận bàn rất sôi nổi, căng thẳng. Biện pháp đưa ra rất nhiều, kể cả biện pháp dùng hình luật ở mức nặng. Trong đó, có một ý tưởng được nhấn mạnh: “kẻ buôn [tiền, gồm cả kẻ đúc tiền giả] trí trá không lợi được nhiều, tự khắc phải thôi” (217) . Vua Tự Đức cuối cùng cũng chuẩn theo đình nghị: sẽ cấm hẳn, sau một số biện pháp hạn chế. Vua bảo: “Sau có chỗ nào không đầy đủ, lại [đình] nghị thêm” (217) , vì biện pháp đưa ra cần phải đo lường hiệu quả trong thực tế.
Cuối tháng giêng năm Tự Đức thứ ba mươi ba (1880), Bộ Hộ của thượng thư Nguyễn Văn Tường được chuẩn y việc định lệ cấm tải trộm tiền dị dạng:
“Từ nay phàm tiền dị dạng, nhất thiết nghiêm cấm. Thuyền buôn các nước không được tải đến. Nếu chủ thuyền dụng tình giấu giếm, mà viên tỉnh phái và người coi giữ cửa biển tìm ra được sự thực, thì số tiền ấy một nửa nộp vào kho nhà nước, một nửa trích ra để thưởng. Nếu viên tỉnh phái và người coi giữ cửa biển thông đồng giấu giếm, bị người khác trích phát ra, thì hàng hoá ở thuyền ấy, một nửa đem thưởng cho người tố cáo, viên tỉnh phái và người coi giữ cửa biển ấy không cứ số tang nhiều hay ít, phải xử chém ngay; quan địa phương cũng [phải bị] nghiêm nghị cách đuổi” (218) .
Tháng bảy, năm Tự Đức thứ ba mươi ba, Canh thìn (1880) này, mới cách đây mấy tháng, Thượng thư Nguyễn Văn Tường lại được chuẩn để làm rõ hơn lệ định lần trước:
“Từ nay trở đi, tiền dị dạng, thuyền buôn nếu có chở trộm đến cửa biển, là thuyền của người nước ta, thì chiểu luật lệ nước ta, thuyền và hàng hoá tịch thu hết, xử phạt hết mức trượng, đem đi lưu; nếu là người nước ngoài thì đều chiểu theo khoản thứ hai mươi bốn (24) trong thương ước, tra bắt tịch thu hết, không được đến buôn nữa” (219) .
Nhưng, tuy thế, đau xót thay, thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường còn bị chính Tôn Thất Thuyết dâng sớ tâu về tiền giả, nhưng lại tâu theo lời gièm pha của kẻ xấu:
“Thượng thư Bộ Hộ là Nguyễn Văn Tường vì bị lời gièm, xin trả việc Bộ Hộ, đổi sung bộ khác.
Nguyên hiệp đốc là Tôn thất Thuyết tâu nghĩ về việc tiền đồng dị dạng có nói: “Thuyền nước khác mang đến, hết lòng xin giúp”; lại nói: “Cùng người chia lợi, mọt nước hại dân, lại ở kinh đô đồn rầm là Văn Tường nhận nhiều của lót, tâu xin bỏ cấm”.
Vua dụ rằng: “Thuyết ít học, không thông, lại có tật nóng nẩy, nói càn, sao đáng kể. Lời đồn ở kinh đô cũng không có căn cứ. Người xưa không thể dẹp được lời gièm, cho nên nói: “Cứu rét không gì bằng mặc hai lần áo cừu, dẹp lời gièm không gì bằng tự phải tu tỉnh”. Nguyễn Văn Tường từ lúc giữ việc ở Bộ Hộ đến giờ, có phần hết lòng trù tính, thuế khoá của nước có hơn lên; đương lúc phải giữ đà về quân nhu bận rộn, đều được ổn thoả cả. Trẫm đương trách uỷ cho làm có thành hiệu, sao nên tự đẩy đem thoái thác”” (220)
.
Bọn giặc miệng thật đáng sợ thay! Quả thật, đó chính là lời gièm của bọn giặc miệng. Kẻ thù không từ một thủ đoạn nào để triệt hạ uy tín của thượng thư Nguyễn Văn Tường, đến nỗi chính Tôn Thất Thuyết và những người lương thiện khác cũng mắc mưu chúng! Trong cuộc chiến ngoại giao, ngoại thương, ông lại bị “bắn hạ” bằng thủ đoạn giặc miệng thật thâm hiểm đến kinh sợ.
Không có gì khó khăn, phức tạp hơn, khi chính nhân dân trong nước, do lòng hám lợi vốn có của con người, “tham cái lợi nhỏ trước mắt, quên cái hại lớn sau lưng” , do sự ngây thơ, nhẹ dạ, cả tin trước sự tuyên truyền xuyên tạc của bọn giặc miệng, lại vô tình trở thành những kẻ đồn đãi tin xấu không công cho bọn giặc miệng. Ngay Tôn Thất Thuyết, sao ông không chịu tìm hiểu, điều nghiên, thẩm tra cho thật chính xác, trên những cơ sở thật đáng tin cậy (quá trình diễn biến của quốc nạn tiền sềnh, quá trình đề ra, bàn thảo, thi hành, kể cả sửa sai, điều chỉnh, bổ cứu các giải pháp của các quan khâm sai, khâm phái, quan tỉnh và của nhà vua, đình thần, nhất là của quan Bộ Hộ)? Hiệp đốc quân vụ Tôn Thất Thuyết trước khi nổi bật lên với hình ảnh một vị tướng có tài thao lược, ông vốn là một giám sinh Quốc tử giám, dẫu không đỗ đạt gì, nhưng cũng là một quan văn, từng làm án sát sứ tỉnh Hải Dương. Chức năng án sát sứ là gì, nếu không phải là thi hành và bảo vệ luật pháp với tư cách người chỉ đạo công vụ truyền giảng pháp luật và đồng thời là quan toà? Tính cách Tôn Thất Thuyết như vua Tự Đức lẫn đồng sự nhận xét bấy lâu, đúng là bản tính, và cũng không có gì lạ bởi “sống mỗi người một nết, chết mỗi người một tật”. Không phải thiếu trình độ, thiếu điều kiện thẩm tra trước khi tâu hặc, mà chính vì tính cách? Phải chăng do tính cách cá nhân, một thứ bản tính riêng, Tôn Thất Thuyết đã sa vào quỷ kế xúc xiểm để li gián của giặc Pháp, giặc khách thương người nước Thanh và giặc miệng?
Có một điều rất giản dị là, muốn bình phẩm, tâu hặc, xét xử, kết tội một người nào đó, người ta cần phải có tang chứng (vật chứng xác định tình trạng phạm tội), nhất là vật chứng quả tang và nhân chứng quả tang. Không bắt được, nắm được quả tang (ngay đang lúc phạm tội), thiếu tang chứng xác thực có kiểm nghiệm (sau quá trình thu thập, điều tra), thì không một ai (từ người thường dân cho đến quan án sát, thượng thư Bộ Hình) có quyền bình phẩm, tâu hặc, xét xử, kết tội người khác. Nếu ai cũng hiểu và đều tuân thủ nguyên tắc sống đã trở thành luật định đó, thì trần gian này không còn chỗ tồn tại cho lời gièm, sự vu khống, xúc xiểm. Nhờ vậy, trần gian này cũng bớt hẳn oan khiên.
Tâu hặc từ rất lâu là một trách nhiệm, nghĩa vụ và đồng thời là một quyền. Tâu hặc với nghĩa xác định như thế, đã được thể chế hoá thành cơ chế và đã trở thành nền nếp. Thượng thư Bộ Lại kiêm quản Quốc tử giám, đại thần Viện – Bạc Nguyễn Tư Giản bị cách chức, cho ra Sơn phòng Chương Đức khẩn hoang, cũng do sự tâu hặc có tang chứng, vật chứng, nhân chứng. Thượng thư Bộ Hình kiêm quản Bộ Lại, sung Cơ mật viện – Thương bạc Trần Bình chẳng bị tâu hặc chính xác về tội chấm thi ám muội nên ông ta bị rơi chức, cho làm việc chuộc tội ở Sử quán như một viên thư lại là gì? Hai chính khanh đồng thời là đại thần Viện – Bạc Hoàng Trọng Tuyển, Lê Bá Thận đâu phải không bị pháp luật trừng trị! Thậm chí Lê Bá Thận, sau khi lâm bệnh nặng trong lao tù, được tạm tha về để chữa bệnh, nay vừa mới chết tại nhà! Và một số hoàng tử, công tử khác, như Hồng Hoài, Tôn Thất Sở, Hồng Diêu (221), cũng không thoát khỏi luật pháp, bị kết án ở mức tử hình (trảm quyết, trảm giam hậu), kể cả Hồng Đình (Kì Anh quận công Hồng Đĩnh) (222) trước đây, đã bị giáng tước, khi luật pháp được xác định bất vị thân. Thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường không trách Tôn Thất Thuyết tâu hặc ông, chỉ buồn là tâu hặc không có cơ sở, hoàn toàn thiếu chứng cứ. Vua Tự Đức đã ra dụ chỉ rõ: “Thuyết ít học, không thông, lại có tật nóng nẩy, nói càn, sao đáng kể. Lời đồn ở kinh đô cũng không có căn cứ” và xác định đó chỉ là lời gièm. Nói càn, không có căn cứ, nếu kể cả hai chữ ”không thông [hiểu]” , đúng là những lời trách cứ nặng nhưng không quá đáng về Tôn Thất Thuyết.
Với thượng thư Nguyễn Văn Tường, ông quá hiểu tính cách Tôn Thất Thuyết và có thể thống kê các biểu hiện, nhận định về Tôn Thất Thuyết qua nhiều năm tháng, của nhiều người cùng thời đáng tin cậy (nhất là những bản dụ của vua Tự Đức, một người vốn ưu ái Tôn Thất Thuyết, chứ không phải những lời gièm về Tôn Thất Thuyết của kẻ xấu, kẻ thù (223)). Một vị tướng tài năng, nghiêm khắc, không một phút nguôi quên lòng căm thù giặc Pháp xâm lược, nhưng lại có tật nói càn (nói bừa do nóng tính, chứ không vì ác ý thâm độc), đó là hiệp đốc Tôn Thất Thuyết. Thượng thư Nguyễn Văn Tường chỉ buồn cho tật nói càn nông nổi, hồ đồ ấy của vị tướng thuộc tôn thất này.
Tên khâm sứ thực dân Rheinart vừa vu khống cả Viện – Bạc, hồi tháng tư, năm Tự Đức thứ ba mươi ba (1880), y đâu phải không chính là kẻ khởi xướng chiến dịch bôi nhọ để triệt hạ đang tiếp tục xảy ra!
Trong cuộc chiến ngoại giao, ngoại thương không tiếng súng đang diễn ra trong lòng Đất nước và từ ngoài biên giới ở giai đoạn gần đây, thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường tự nhủ cần phải bình tĩnh. Tiền sềnh! Tiền giả! Tiền sềnh! Tiền giả! Quốc nạn “tiền sềnh! tiền giả!”, thực trạng vẫn còn đó, nhà vua, đình thần, các quan tỉnh vẫn còn đó, các sắc dụ, tập tâu, bản sớ vẫn còn đó, để Tôn Thất Thuyết tìm hiểu, điều tra.
Quốc nạn tiền sềnh (tiền giả) với riêng thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường còn là một nỗi đau, ấy là nỗi đau khi thấy Tôn Thất Thuyết bị rơi vào quỷ kế xúc xiểm để li gián của giặc Pháp, giặc khách thương người nước Thanh và giặc miệng, mà chính ông là người bị chúng quyết tâm “bắn hạ” một phần qua bàn tay Tôn Thất Thuyết. Xét cho cùng, cả thượng thư Nguyễn Văn Tường lẫn hiệp đốc Tôn Thất Thuyết đều bị triệt hạ. Nguyễn Văn Tường bị mất uy tín bởi Tôn Thất Thuyết mắc mưu giặc, Tôn Thất Thuyết mất uy tín vì bị kết luận là “ít học, không thông, lại có tật nóng nẩy, nói càn, sao đáng kể” . Và nhân dân Huế cũng không lẽ không đau xót khi vua Tự Đức nhận định: “Lời đồn ở kinh đô cũng không có căn cứ” , là lời gièm!
Tình trạng tiền sềnh (tiền dị dạng) là một nỗi đau lớn. Hiểu vậy, nên thượng thư Nguyễn Văn Tường rất thấm thía nỗi đau và càng căm hận những kẻ thù: số khách thương người Thanh gian xảo, giặc Pháp và bọn giặc miệng. Bọn giặc miệng là ai vậy? Giáo dân “tả đạo” tại kinh đô Huế!
Dẫu sao, vẫn phải tiếp tục công việc.
“Vua cho là chi tiêu cho quân thứ các tỉnh biên giới phía bắc, dùng bạc khá nhiều; nếu chỉ trích [ra để chi tiêu] bằng bạc đồng, cũng khó kế tiếp, sai Bộ Hộ dự tính. Quan Bộ Hộ tâu xin: “Ở trung châu từ Thanh Hoá trở ra Bắc, đều thu gấp tiền thuế mùa đông năm nay, lượng để đủ chi, còn thì phái mua bạc đĩnh, bạc lạng, bạc đồng [(bạc được đúc thành từng đĩnh, từng lạng, từng đồng) để] cất vào kho, và thông sức cho người lãnh trưng […] vào cửa quan: Người nào trưng, trước nộp bằng tiền, và [cả] tiền thuế các tỉnh hạt mùa đông này phải nộp [cũng vậy], đều được mua bạc nộp thay thế, để phòng trích cấp chi phí việc quan và tải về kinh phụng nộp”. Vua nghe theo” (224) .
Khuyến khích nộp thuế theo kì hạn và thuế lãnh trưng bằng các dạng tiền tệ vốn đúc từ kim loại bạc là một cách đối phó với nạn tiền sềnh đã trở thành quốc nạn.
Tiền giả! Tiền sềnh! Tiền giả! Tiền sềnh!
Sự thể đau lòng, nhức óc đó vẫn còn là một quốc nạn khó bề dập tắt, mãi cho đến những năm sau, lúc Tôn Thất Thuyết đã là phụ chính đại thần, ông cũng đành bó tay (225)! Đó là lúc Tôn Thất Thuyết đã hiểu Nguyễn Văn Tường, theo nhận định của chính Tôn Thất Thuyết, là “bậc nho tướng, đại trí”, đã đồng tâm nhất trí với Nguyễn Văn Tường trong kế hoạch và mục tiêu chủ chiến, đánh đi đôi với đàm. Tuy nhiên, đến lúc ấy, Tôn Thất Thuyết cũng như Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật, đều đành bó tay trước nạn tiền sềnh, sau nhiều biện pháp cực mạnh (226)!
Đất nước ta đã bị tấn công bằng vũ khí tiền tệ, bằng sự phá rối tiền tệ của giặc ngoại xâm! Mặt trận tài chính thật không đơn giản. Đồng tiền có ma lực của nó, cũng như “chất độc tả đạo”, đã tạo nên một lực lượng nội phản ngay chính trong nhân dân và quan lại. Nhưng khác nhau về chất! “Tả đạo” vốn có ý thức chính trị xuẩn động, “tiền sềnh” chỉ do lòng hám lợi, mê muội, vô hình trung tiếp tay cho kẻ thù, gây rối loạn tiền tệ, thị trường thương mại, đời sống xã hội.

17

Thương ước Giáp tuất là một cưỡng ước. Trong thế chẳng đặng đừng, khi thực dân Pháp cố tình gây biến ở Hà Nội và các tỉnh khác thuộc châu thổ sông Hồng, triều đình buộc lòng phải kí kết “hoà” ước và sau đó là thương ước với Pháp. Sự thể đã như vậy, phải làm thế nào để đừng bị Pháp lấn lướt, áp chế? Không cách nào khác là phải cố vượt lên thách thức. Các quan ở các sở thương chính mới được thành lập phải tập dượt trong việc phối hợp với Pháp để mở cửa biển đón các tàu thuyền Âu Mỹ và cả khách buôn quen thuộc từ nước Thanh. Thương ước giữa nước ta với Tây Ban Nha cũng là một bước phải giành thế chủ động trong thế bị động. Tuy nhiên, thương ước với Tây Ban Nha vẫn bị thực dân Pháp cạnh tranh để chúng có thể giành vai trò độc quyền.
Thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường vừa làm việc ở bộ, nhưng cũng đồng thời là Thương bạc đại thần và đại thần Viện Cơ mật – Thương bạc. Đây là ba công tác có thể giúp ông phối hợp ăn khớp để trở thành hầu như là một nguyên soái trên mặt trận ngoại thương, ngoại giao. Vị tướng trên trận địa thương chính ở Bắc Kì, nơi trở thành trung tâm điểm của cuộc chiến ấy, là Phạm Phú Thứ. Nguyễn Văn Tường bao quát toàn mặt trận, kể cả cửa biển Thi Nại (Bình Định), Đà Nẵng, và phối hợp đồng bộ với công tác ngoại giao ở Nha Thương bạc (tương đương với Bộ Ngoại giao của các nước). Tổng đốc Hải Dương – Quảng Yên kiêm tổng lí Thương chính Phạm Phú Thứ lãnh đạo trực tiếp chiến trường thương chính ở Bắc Kì. Cả hai vị quan này phải thường xuyên tâu báo lên vua và truyền đạt cho nhau những sắc dụ. Viện – Bạc, Trần Tiễn Thành và Nguyễn Văn Tường cùng các đại thần khác (Nguyễn Tư Giản, Lê Bá Thận, Trần Bình, Hoàng Trọng Tuyển, Nguyễn Tăng Doãn, Phạm Thận Duật, Nguyễn Chính [Chánh], thay thế nhau) là cơ quan tư vấn cho nhà vua các quyết định cụ thể và các quyết sách lớn.
Cơ chế lãnh đạo, điều hành bấy giờ là: nhà vua tập trung hết quyền lực vào tay, nhưng với sự tư vấn, đình nghị thường là có tính quyết định của các đại thần tại triều và sự chỉ đạo trực tiếp ở Bắc Kì của Phạm Phú Thứ, cùng chức năng đều kiêm quản việc thương chính của các viên quan tỉnh (227) như tổng đốc Hà – Ninh Trần Đình Túc, tuần vũ Hà Nội Trần Hy Tăng (mấy năm sau là Nguyễn Hữu Độ) (227)… Trong cơ chế ấy, ở thời đoạn này, tất cả, từ vua đến quan, đều phải vượt lên thách thức trong thế chẳng đặng đừng phải thực thi việc triển khai thương ước đó.
Thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường xác định cho mình rằng, thời thế vốn dĩ phải mở cửa khẩu ở miền biển để thông thương với năm châu bốn bể lẽ ra là phải từ lâu, dăm bảy chục năm trước (thời tiên đế Gia Long, Minh Mạng). Bấy giờ, hẳn chủ động hơn. Nhưng trước đó vài thập niên, trong nước lại nội chiến (Tây Sơn…) như một tất yếu lịch sử để thống nhất hai miền, Đàng Trong – Đàng Ngoài. Đến lúc này, mở các cửa biển là đã muộn, lại thất thế vì chiến bại, nội lực suy yếu nghiêm trọng, trong khi đó lực lượng ngoại xâm đã mạnh lại liên minh, cấu kết với nhau. Thật hoàn toàn thất thế, bất lợi.
Còn thực chất nội lực nước ta? Sức ì kinh niên của ta vốn do nền văn minh lúa nước quy định, rõ là khác với tính luân lưu xuôi ngược chân trời góc bể của dân Âu Mỹ (Pháp, Đức, Nga, Mỹ…), vốn thuộc văn hoá du mục, và dân hải đảo (như Anh…), vốn mạnh về tàu thuyền hàng hải. Sức ì đó còn do chính sách “trọng nông ức thương”, coi khinh con buôn các loại. Thậm chí lấy chính sách “trọng nông ức thương”, chẳng khác gì giam giữ nhân dân trên mảnh ruộng quê, để làm biện pháp để bảo vệ an ninh Đất nước!
Sức ì kinh niên, bị bó buộc rồi tự bó buộc chân người một chỗ với cánh đồng, luỹ tre làng, ít đi đây đi đó, đến thời đoạn hiện nay, lại cộng với tâm lí co lại kiểu con nhím, tâm lí rúc đầu xuống cát của con đà điểu trước sự tấn công của giặc Pháp trên mọi lĩnh vực, quả thật, đó là lực cản nội tại, nên rất khó vượt được thử thách này, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trên mặt trận ngoại thương. Và do đó, với tâm lí tự vệ và chỉ đủ sức để tính chuyện tự vệ, nên hầu như chỉ chú trọng vào việc ngăn chận sự bóc lột quá đáng của “kẻ mạnh” trong thương chính (thuế đoan hải quan).
Về thương chính, một loạt các cuộc bàn luận và các bản định lệ, điều chỉnh, bổ cứu định lệ trong công tác biên thu thuế hải quan được ban hành để ngày càng sát hợp với tình hình thực tế.
Về ngoại thương, quả là thực trạng sức ì đúng như thế. Tuy vậy, dẫu sao, vẫn có sự ra sức vượt thắng thực trạng. Thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường vừa vui mừng vừa lo âu khi cùng Viện – Bạc và đình thần hội bàn về việc khuyến khích thương nhân nước ta ra buôn bán ở nước ngoài. Trước hết, phải thảo luận để bỏ lệ cấm dân mình về lĩnh vực ngoại thương, xuất nhập cảng ấy.
“Bỏ lệ cấm xuống biển đi buôn.
Khi ấy, đình thần theo nghị cho là khoảng năm Gia Long, Minh Mệnh xuống biển đi buôn có điều cấm (thuyền và hàng sung công, kẻ buôn gian [bị] phạt một trăm [100] trượng, lưu ba ngàn [3.000] dặm). Vì buổi đầu đặt ra pháp luật sợ là có kẻ buôn gian vượt biển, hoặc nhân đấy mà tiết lộ sự cơ. Phòng sự bất ngờ cố nhiên càng phải cẩn thận. Duy thời thế mỗi khác, cũng nên thông biến.
Hiện nay, việc buôn mở mang thi hành, chính là lúc trăm mối lợi phải thịnh. Huống chi núi rừng nước ta sản xuất nhiều của quý lạ (như loại: tơ, bông, vải, lụa, kì nam, quế, đồng, sắt, gỗ lim và nâu) cũng là vật ở các nước tất phải mua. Từ trước đến nay, dân ta chỉ buôn bán trong nước, lợi thu về có hạn, mà thuyền buôn nước Thanh, nước Tây vào cửa biển nước ta thu mua hàng hoá bán cho nước ngoài, được rất nhiều lợi. Thế là đồ vật của cải sinh ra ở nước ta, bị chúng cướp lấy lợi. Dân ta [bị] bó buộc về pháp luật ngăn cấm, lại không được nắm lấy lợi quyền, của cải càng quẫn thiếu. Nay xin chuẩn cho tha cấm đi buôn để mở đường lợi, cũng là một việc làm lợi cho dân. Từ sau, xin cho dân tuỳ theo vốn liếng, hoặc góp vốn lãnh thẻ bài thuyền đến nước ngoài đi buôn. Các thuyền buôn ấy bắt đầu chở hàng từ tỉnh nào, do tỉnh ấy cho giấy, rồi chiểu giá hàng hoá thu thuế trăm phần lấy năm phần (5%). Nếu có chở vật cấm ra biển đi buôn (như quân khí, súng đạn và các người đàn bà, con gái nước ta) và trốn thuế, sinh sự thì chiểu theo nghị định Minh Mệnh năm thứ chín (IX) xử tội.
Vua nghe theo” (228)
.
Đó là bản tấu đình nghị từ tháng ba, năm Tự Đức thứ hai mươi chín (1876).
Sau hai năm rưỡi triển khai, sức ì kinh niên vẫn chưa thể khắc phục nổi trong tình hình ngoại xâm và nội tình với binh lực như thế. Một hôm, vào tháng mười, năm Tự Đức thứ ba mươi mốt (1878), vua Tự Đức xem nhật báo Hương Cảng tân văn. Trong số báo ấy, có bài bàn về những việc cốt yếu để làm cho dân giàu nước mạnh, đặc biệt là mở rộng thông thương và chống “kẻ dám khinh” bằng cách:
- Đóng tàu (thuỷ, hoả)
- Học tiếng nước ngoài
- Đúc súng đạn
- Luyện tập quân đội
Vua Tự Đức muốn thi hành, bèn sai quan Viện Cơ mật xét nghĩ. Viện Cơ mật lúc này chỉ còn ba đại thần: Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Tăng Doãn.
Bản tấu trình dâng lên:
““Thông thương là việc rất cần kíp, duy chỉ nước khác làm thì dễ mà ta làm thì khó, vì các dân châu Âu phần nhiều theo nghề buôn, lại khéo đi biển. Những nơi biển rộng đảo xa, không chỗ nào là không đi đến. Đi đến đâu, [họ] lấy mới lạ làm thân thiết, cho nên kéo cả bọn đến được. Nước ta từ trước cấm ra nước ngoài, dân không đi buôn xa, trong nước không có bọn buôn, mà muốn dắt người buôn nước ngoài đến, thế chưa thể vội được. Huống chi tục pháp cả Phương Tây đều cấm quan buôn, ta nếu đặt cửa hàng ở Hương Cảng, không những người được phái đi thực, sinh ra nhiều chi tiết, mà các nước nghe thấy, lại sợ là có liên quan đến sự thể.
Nhưng nay cửa ngõ đã mở ra, họ đến mà mình không đi, thì tình tục không thông, các việc thường khó nghĩ định. Xin do các địa phương đều thông sức cho trong hạt, không cứ người nước Thanh hay người Kinh, người nào có vật lực, tình nguyện đóng tàu đi đến Hương Cảng lập công ti để buôn bán thì đều cho trình quan chuẩn cho. Có người buôn nước ta ở đấy, thì thuyền công của ta có thể mượn cớ đến đóng mà lấy việc đóng tàu, đúc súng, học tiếng, luyện tập quân đều là việc cốt yếu.
Duy mưu tính trước thì khó, mà đổi mới phong tục tất phải dần dần. Nước ta được yên [:tĩnh, không đi đây chuyển đó] lâu ngày, người muốn tạm yên, lòng mở mang thì ít, ý trốn tránh thì nhiều. Nay thay đổi hết, thực khó như ý, tức như chọn người phái sung làm việc ở thuyền, không nói là thuyền hỏng, thì nói là máy liệt, để cầu [mong] đỗ [bến] lâu; tài liệu trong thuyền không chịu sửa sang, muốn cho chóng hỏng, [để] may được dời đi chỗ khác; súng đạn tặng giao cho, không có thời thường luyện tập, liền sửa sang lại sợ cũng sẽ bị rỉ hỏng; súng điểu thương mở đằng bụng chia giao cho các tỉnh, cũng muốn trả về. Tình hình ấy đã thấy có.
Còn học chữ và tiếng nói [nước ngoài], ta đã thi hành, vẫn chưa thấy có công hiệu, hay là cũng do sự kén chọn khinh thường mà học thì ít. Xin thông sức cho các địa phương hết lòng hiểu dụ để mộ lấy người, không cứ là cử nhân, tú tài, học sinh, khoá sinh và con em các quan viên, trên dưới hai mươi (20) tuổi, người nào thông nghĩa sách, biết chữ mà tình nguyện đi sang Tây, cấp cho tiền lệ phí, nhưng hạn cho năm (05) năm, [khi] về, sát hạch. Nếu thành tài thì chiểu lệ cử tú bổ làm quan [mà] bổ dụng (nếu học được chữ, tiếng một nước và một nghề như đóng tàu, đúc súng, các đồ binh khí, khai mỏ, luyện tập quân, thì chiểu lệ tú tài hạch trúng bổ cửu phẩm; học được chữ, tiếng hai nước và hai nghề, chiểu lệ cử nhân không phân số; học được chữ, tiếng ba nước và ba nghề, chiểu lệ cử nhân có phân số, bổ làm quan ngay). Nhưng đều cho làm quan theo nghề của mình, để cho được thạo việc. Sau có cố gắng làm được việc, thì thăng lên cũng giống như lệ các nha nhiều việc, ít việc, ngõ hầu hoặc có nhiều người muốn đi học mà có thể đủ dùng được. Lại các khoản ấy xin hãy hoãn lại, đợi kì sang cống nước Thanh, nên làm thế nào, sẽ tâu lên, tiệân cho sứ thần tuỳ cơ liệu làm”.
Vua cho là phải, nhưng chuẩn cho việc học chữ và tiếng [nước ngoài] thì lục sức thi hành ngay” (229)
.
Ngoài các khó khăn, trở lực, lại còn một trở lực, khó khăn khác: lệ thuộc nước Tàu nhà Thanh!
Thật ra, đó là với những người trẻ tuổi, còn với các quan tại chức, từ tháng hai năm thứ ba mươi mốt (1878), triều đình đã cấp tiền hàng tháng cho Nha Thương chính học chữ Tây (230). Tháng tư, năm ấy, vua chính thức chuẩn y việc mở trường học chữ Tây cho Nha Thương chính Hải Dương (231).
Sau bản tấu trên của Viện Cơ mật, đến tháng sáu, năm thứ ba mươi hai (1879), lại có cuộc xét người đi học chữ Tây, công nghệ Tây (232).
Về công nghệ, tháng tám nguyệt lịch năm thứ ba mươi (1877), Nguyễn Thành Ý với công tác đem các đồ thủ công mĩ nghệ danh tiếng của nước ta sang Pháp đấu xảo (tham dự hội chợ thi đua kĩ nghệ) (233). Đó là một dịp tận mắt nhìn và học thêm kĩ nghệ, nhất là kĩ nghệ cơ khí nước người. Nguyễn Thành Ý đã cùng sứ bộ sang Pháp, Tây Ban Nha (233). Đến tháng giêng năm ba mươi hai (1879), Nguyễn Thành Ý lại đưa người sang học tập công nghệ Tây dương ở cửa biển Thu Long (234). Lần này, lại biểu lộ ra một nhược điểm sĩ diện hão của người Việt mình và của Viện Cơ mật – Thương bạc: quan dẫn người đi học tập công nghệ, sợ mất quan cách (bởi Pháp và những viên lãnh sự các nước đã biết mặt Nguyễn Thành Ý với tư cách một lãnh sự khâm phái, nay lại ông ấy lại phải bạn bè với học trò đi học kĩ thuật cơ khí, sợ mất tư cách quan chức, thể diện)! Vua trách: Người Tây “hết quan hoàn dân”, cũng buôn bán, làm nghề khác, và đến thánh nhân như Lão, Khổng cũng làm nhân viên cấp thấp, có gì nhục đâu! Huống nữa, việc nào cũng là việc công! Tháng tư (1879), khi ra dụ khuyến khích tiến cử hiền tài, định phép thi, vua Tự Đức đặc biệt nhấn mạnh sự lưu ý việc tiến cử, tuyển chọn phải nhắm đến những người am hiểu tình hình quốc tế và công kĩ nghệ (235).
Riêng đối với thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường, ông cùng các quan trong bộ đã tấu trình lên vua phương pháp nhiếp ảnh, lại xin chuẩn cho xây dựng hiệu nhiếp ảnh cạnh Nha Thương bạc (236). Trương Văn Sán (236), vừa học ở bên Tây về, là người đầu tiên trên đất kinh đô mở hiệu nhiếp ảnh. Ông nghĩ rằng dẫu sao đó cũng là một ngành nghề kĩ thuật dân dụng mới cần được phát triển.
Sự canh tân trong thực tế là quá nhỏ so với nhu cầu của Đất nước và yêu cầu đặt ra.
Trong thực tế vẫn còn rất nhiều trở lực ngay từ chính người Pháp, thậm chí chúng còn cản trở triều đình trong việc cử người đi học công nghệ cơ khí mới và học ngoại ngữ. Thực sự, dã tâm của chúng là vẫn luôn cố sức bao vây, cấm vận ta. Chúng muốn độc quyền trên mọi lĩnh vực.
Thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường đành tạm quay vào với những gì chỉ cần đến khả năng nội lực và sự quyết tâm của vua quan, sĩ dân trong nước để thúc đẩy sự canh tân. Ông phụ trách Bộ Hộ, vừa phải lo việc thương chính, vừa quản lí cả việc tào chính. Tào chính là công tác vận tải. Ở nước ta, bờ biển dài suốt chiều dài Đất nước, rất thuận lợi cho tàu thuyền đường biển. Nhưng khốn nỗi, trong ba chục năm qua, nạn hải tặc tăng lên đến mức khủng khiếp. Bọn sống bằng nghề đánh cướp trên biển chủ yếu là người Hoa, vũ khí trang bị cũng ngang bằng hoặc hơn cả quân binh triều đình. Thượng thư Nguyễn Văn Tường thấy cần phải khoi đào một vài đoạn sông để từ Quảng Trị ra Bắc Kì, Đất nước ta sẽ có một đường sông xuyên Việt. Đường sông xuyên Việt sẽ rất thuận lợi cho việc chuyên chở của Nha Tào chính và của nhân dân, nhất là tiện lợi cho nhu cầu đi lại bằng thuyền nhỏ, lại tránh được nạn cướp biển rất khó thanh toán gọn, tiêu diệt sạch. Đó là chưa kể ghe thuyền, tàu hơi nước và tàu buồm bị đắm bởi gió bão. Mục tổng kết mỗi cuối năm của Bộ Hộ về tai nạn đường biển là rất lớn, rất đỗi đau lòng! Với kế hoạch mở đường sông xuyên Việt ấy, thượng thư Nguyễn Văn Tường viết bản sớ tâu lên vua Tự Đức:
“Việc vận tải là việc lớn, dư dật hay thiếu thốn quan hệ ở đó. Những thứ ăn mặc và đồ dùng ở kinh sư, phần nhiều sản xuất ở Nam Kì, Bắc Kì. Hàng năm vận tải, nhân giặc [biển], nhân gió [bão], tổn hại ở đường biển không biết bao nhiêu. Hiện nay, vời thuê thuyền nước Thanh, hình như là kế trước mắt, mà không phải là cách lâu dài.
Thế núi ở nước ta từ tây bắc kéo đến. Nước theo núi mà chảy về phương nam làm [nên] sông Cửu Long thì đã về sau dãy núi [Trường Sơn], còn như phía trước núi [Trường Sơn] thì đoạn ấy, đoạn khác, [sông] đều đổ ra biển mà chắn ngang. Đường nước [:đường thuỷ] chưa thông, việc buôn bán, vận tải không ổn. Đó là tạo hoá đợi người để làm. Người trước đã kinh lí nhiều, mà chưa thành công là vì làm nên lợi nghìn muôn năm, không phải một người, một đời mà làm được. Nay đường biển chưa yên ổn thì việc đào sông so với trước càng khẩn thiết lắm. Xét ra, từ tỉnh Quảng Nam trở vào nam đến tỉnh Bình Thuận, thế núi mạnh và cao, mà nước nguồn thì chảy chậm, làm việc [khoi đào] rất khó. Xin hãy để đó rồi tính sau. Duy có từ tỉnh Quảng Trị trở ra bắc, gián hoặc có chỗ đường nước không thông:
- Một đoạn từ sông Minh Lương (thuộc tỉnh Quảng Trị) đến sông Nhật Lệ (thuộc tỉnh Quảng Bình) là [nơi đặt] trạm Hồ Xá, trong đó có núi bằng ngang qua, đi đường bộ phải suốt ngày đường. [Đoạn này] trước có sông cũ, nay bị cát lấp.
- Một đoạn từ bến sông Nhật Lệ đến sông Linh Giang (cũng thuộc Quảng Bình), đi đường bộ gần một ngày. Nguyên không có sông cũ. Trong đó có một dải núi thẳng đến biển. [Nếu] tuỳ thế [núi], làm việc [khoi đào], lâu cũng có thể khoi thông được.
- Một đoạn từ thượng lưu sông Linh Giang [sông Gianh], chỗ chia dòng sông [ở] xã Minh Cầm: một đằng giáp với sông mới đào (từ đấy trở ra bắc, thuyền bè đều đi thông được) [ở] huyện Kỳ Anh thuộc Hà Tĩnh, đi đường bộ phỏng ba ngày đường; một đằng giáp giáp với đầu nguồn sông Lam Giang (thuộc Nghệ An), đường đi phỏng hai ngày rưỡi
. { { Xin lưu ý: Chỗ chia dòng sông [ở] xã Minh Cầm [như đã nói], một đằng giáp với sông mới đào; từ đấy trở ra bắc, thuyền bè đều đi thông được } }.
Tính suốt cả ba đoạn, ước trên dưới ba, bốn ngày đường. Trong đó, [đoạn] từ sông Linh Giang suốt đến hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, đoạn ấy có núi non ghềnh đá, tất phải khó nhọc, phí tổn nhiều. Kể thì mưu việc lớn, không kể phí tổn nhỏ; làm việc lâu dài, không vội chóng xong. Người nước Tây đào sông Đại Lãng, người nước Thanh đào sông Linh Cừ, việc khó khăn, phí tổn gấp đôi, mà đều chỉ lấy kiên nhẫn mà làm được. Như biển Thiết Cảng [Cửa Sắt] ở nước ta, từ xưa cũng cho là khó, mà nay khai thông được, thì ở nơi khác hết sức mà mưu tính, tưởng cũng có thể được thành công. Nếu muốn chứa vào kho được dư dụ, đề phòng trước khi có việc, không khoi sông thì không có kế gì khác.
Xin phái người thổ trước [:người địa phương lâu đời] hội đồng với quan tỉnh khám xét để thi hành” (237)
.
Việc mở đường sông xuyên Việt ấy đã tâu lên vua. Vua bảo trước kia Hoàng Tá Viêm cũng muốn thế. Đó chính là lúc bang biện khâm phái Nguyễn Văn Tường đang ở huyện Thành Hoá, ông đã tâu xin, được chuẩn y, đang phối hợp với quan tỉnh Nghệ – Tĩnh Hoàng Tá Viêm tiến hành mở đường Trường Sơn (thượng đạo xuyên Việt), nối Tây Sơn (Bình Định) với Nghệ An. Lần này, ý tưởng về đường thuỷ xuyên Việt, vua lại cho hữu tham tri Bộ Hình Phan Sĩ Thục, viên ngoại lang Bộ Hộ Lê Đĩnh đi khảo sát thực địa theo bản sớ Nguyễn Văn Tường ở ba đoạn khó đào. Sau đó, phải đình lại, vì đoàn du khảo của triều đình kết luận: “Có nhiều chỗ không thể làm được” (237) .
Đó là một kế hoạch cũng có thể gọi là canh tân, cho dù đào sông không phải là việc mới mẻ, để khắc phục những trở ngại cho việc vận tải và đi lại bằng đường sông. Thử tưởng tượng nước ta có một đường thuỷ xuyên Việt thật tiện lợi và đẹp như thế! Nhưng cũng đành rất tiếc phải gác lại. Quả là “lực bất tòng tâm” (sức không theo kịp lòng mong muốn)!
Trong khi đó, tham vọng xâm lược, cướp bóc của Pháp ngày càng lộ rõ.
“Hoà” ước, thương ước Giáp tuất là một bước lùi của Pháp để chúng thăm dò, điều tra, đo lường địa hình, địa vật, tài nguyên và văn hoá, nhất là nhân dân Bắc Kì, dưới lớp vỏ thương mại, khai khoáng và “du khảo bác vật”.
Pháp tự đẩy mạnh việc thám xét các mỏ khoáng sản. Có mỏ chúng phải đành cùng với ta khai thác, như mỏ than chẳng hạn. Ngoài ra, Pháp còn muốn ta xuất cảng gỗ lim, tơ sống và gạo. Nhất là gạo, bất chấp nạn đói của nhân dân nước ta, Pháp luôn yêu sách ta phải xuất cảng nhu yếu phẩm này. Văn thư yêu sách ấy gửi đến Nha Thương bạc ở Huế và ngay Nha Thương chính ở Hải Dương, Hà Nội, có thể nói là liên tục. Trong khi đó, tháng hai năm Canh thìn (1880), nạn đói ở Bắc Kì xảy ra trầm trọng (238). Bảy huyện thượng du Hải Dương đói, Hà Nội đói, Sơn Tây, Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên… có nhiều người chết đói (238). Nghệ An cũng bị rơi vào nạn đói (238). Và gạo rất cần để chẩn cấp cho kinh đô Huế, Quảng Trị. Quảng Trị sau mười mấy năm, đổi từ tỉnh thành đạo (một đơn vị hành chính nhỏ hơn tỉnh), thuộc phủ Thừa Thiên, mới trở lại là một tỉnh từ cuối năm hai mươi tám (1875). Vào đầu năm ba mươi (1877), Quảng Trị cùng Thừa Thiên chịu cảnh đói kém bởi thiên tai. Riêng Cam Lộ, thổ dân rất gieo neo, Sơn phòng sứ Phan Khắc Kiệm phải tâu xin chẩn cấp, và thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường không thể không lo toan cho vùng đất “sinh điểm”, “tử điểm” của kinh đô, như thể quê nhà ấy. Quảng Trị, một tỉnh hiện vẫn cần chẩn cấp, vì nạn đói đang diễn ra, trong lúc mới vừa thoát ra khỏi nạn dịch bệnh kéo dài trong hai năm qua, từ năm Tự Đức thứ hai mươi chín đến ba mươi (1876 – 1877). Hai năm ấy, riêng phủ Triệu Phong (nhất là hai huyện Hải Lăng, Minh Chính), có tới bốn ngàn hai trăm ba mươi sáu (4.236) người bị thiệt mạng! Nạn đói còn xảy ra ở Bình Định, Phú Yên nữa, cấp bách đến mức vua Tự Đức trách dỗi các quan Bộ Hộ vì chưa kịp chẩn cứu! (239).
Tất nhiên Nha Thương bạc, Nha Thương chính từ chối mạnh mẽ, cứng rắn, nhưng cũng có khi phải nhân nhượng một vài tháng hoặc dùng biện pháp nâng cao giá gạo để ngăn cản bớt sự xuất cảng loại hàng hoá nhu yếu đó.
Ngay từ đầu, tướng Pháp tại Gia Định gửi văn thư cho rằng Phạm Phú Thứ “không có lòng tốt”. Hoá ra, không phải là “sự giao hảo” trong ngoại giao, mà một trong những cái khiến chúng cho là thế, chính là gạo. Nhưng rồi đến tháng sáu năm Tự Đức thứ ba mươi mốt (1878), Phạm Phú Thứ lại phải tâu xin cho xuất khẩu gạo trong một tháng. Đình thần, Viện – Bạc và cả nhà vua đều không thể cho (240).
Tháng tư, năm Tự Đức thứ ba mươi hai (1879), Bộ Hộ xin định lại điều lệ cấm xuất khẩu gạo ở Bắc Kì (241). Khi sắc dụ ban ra, người ta đọc thấy một điều đáng buồn là chính người buôn tham lợi và quan tỉnh dung túng (241)! Sự dung túng ấy hẳn do tham ô, hối lộ! Dẫu sao, bản dụ vẫn khẳng định nhất quyết cấm như lệ định. Cũng ngay trong tháng đó, tổng đốc Hải – Yên kiêm tổng lí Thương chính Phạm Phú Thứ liền mật tâu về việc người buôn Tây dương, khách thương nước Thanh, và cả bọn Hán gian (Hoa kiều) mưu toan gây biến ở Bắc Kì một lần nữa!
Pháp chuẩn bị gây biến ở Bắc Kì một lần nữa?
Ngồi ở Viện Cơ mật – Thương bạc, thượng thư Nguyễn Văn Tường đọc đi đọc lại bản tấu của tổng lí Thương chính Phạm Phú Thứ. Từ rất lâu, không ai không biết lòng tham không đáy của Pháp! Ông không ngạc nhiên nhưng sao vẫn cảm thấy có gì hơi bất chợt và không thể không phẫn nộ.
“Tham biện Sở Thương chính là [linh mục] Nguyễn [Hữu] Cư trình bày: “Người buôn trước đây là Mô Răng Đi Ni (?) báo rằng: “Người buôn nước Tây và nước Thanh cho là nước ta cấm buôn nghiêm mật, [chúng] không được thung dung tự tiện, đều đem lòng oán giận. Có người nước [Đại Nam] này tự xưng là con cháu nhà Lê, nay hiện chiêu dụ người các tỉnh ở Bắc Kì, phò hắn làm minh chủ, ngầm hẹn với các nhà buôn, nếu giúp được nên việc, đều cho thung dung buôn bán. Các người buôn có nhiều hưởng ứng, đã góp lại hơn mười vạn (100.000) đồng bạc, ngầm về Hương Cảng đặt mua các cỗ súng, hẹn trong ba tháng thì khởi sự. [Chúng] từng dụ hắn vào bọn”, các lời như thế”. Tỉnh ấy đã hỏi ở dân gian, [thì] cũng có truyền ngôn ấy. [Thần] bàn với lãnh sự nước Tây, xét ý hắn, cũng lấy việc cấm [xuất cảng] gạo [mà] rất mang lòng bất bình. Xin châm chước bỏ việc cấm gạo độ hai, ba tháng, để yên lòng người phương xa [Tây dương, Hoa] mà hết [kẻ] thù hằn bên ngoài” (242) .
Vua Tự Đức vẫn cứ níu vào ảo tưởng, không chịu tin đó là sự thật! Nhà vua cầm bút châu phê:
“Tỉnh ấy từ trước đến nay, phần nhiều để hột gạo lọt ra ngoài. Nếu nay lệnh cấm gạo ban xuống, người buôn gian giảo mưu lợi, xướng lên lời nói không có căn cứ. [Như thế là] toàn do [tỉnh ấy] ngày thường làm việc không khéo, che giấu, dung túng, một khi sợ tội lại nói thác ra, để trút trách nhiệm…” (242) .
Khâm phái ngự sử Dương Quán bỗng tâu vào kinh:
“Hạt ấy có nhiều người buôn nước Thanh chở trộm gạo, giám đốc hải phòng Lương Văn Tiến (anh em ngoại của Phạm Phú Thứ) nhiều lần cậy thế tải gạo ra nước ngoài” (242) .
Vua liền cử Lê Điều đổi sung làm khâm sai điều tra sự việc. Trần Văn Úc lại được cử thêm, đi theo phụ tá.
Phạm Phú Thứ vẫn thông tư vào cho Viện Cơ mật:
“Lãnh sự nước Tây [:Pháp, Kergaradec] ở Hà Nội mưu tính lấy tỉnh thành; lại phái viên nước Tây là Công Tăng Tinh [Constantine] tập họp các người buôn, mua súng ống khí giới muốn sinh sự ở Bắc Kì; lại người buôn nước Tây thường viết thư kêu với tướng nước Pháp sớm muộn định lại thương ước” (242) .
Vua Tự Đức cho rằng Phạm Phú Thứ “vội nghe hoang báo”, “nhân [bị] lỗi, [nên] đem nhiều khoản để doạ triều đình” , và “giả sử có việc [Pháp chuẩn bị gây biến] ấy cũng phải làm cho ổn thoả. Nếu có hơi quá thẳng để tỏ lời mình là thực, thì phải [bị] xử tội theo luật khích biến” (242) .
Đó là bản tâu, bản thông tư từ hồi tháng tư năm Tự Đức thứ ba mươi hai (1879). Ngay sau đó, Viện Cơ mật – Thương bạc được chỉ dụ của vua viết thư hỏi tướng Pháp ở Gia Định, đề nghị trị tội tên Mô Răng Đi Ni. Y không trả lời! Bốn tháng sau, lại dò xem thái độ của tên tướng giặc ấy, coi thử y như thế nào trước văn thư báo cáo của Kergaradec và tin từ nhật báo mới đây. Kergaradec viết là nước ta cấm xuất cảng gạo, khách buôn rất oán, phải xử trí ngay thế nào, kẻo “trở ngại”! Nhật báo nước ngoài cũng đưa tin tương tự như thế, lại còn thêm một tin không đúng: chín (09) chiếc thuyền thuỷ lôi của Pháp đến nước ta để gây chiến (243). Văn thư của Thương bạc đã gửi đi (243).
Trước cách xử trí tình huống quá mềm dẻo và như thể còn nuôi ảo tưởng “hoà” của vua Tự Đức, Viện – Bạc phải tâu bày đề nghị biện pháp giải quyết:
“Tổng đốc Hải Dương là Phạm Phú Thứ với lãnh sự Pháp, tình không ưa nhau, đến nỗi có lời oán trách. [Tướng Pháp] bảo rằng: “Gạo bán ra, đối với người buôn phương Tây thì nghiêm cấm, mà đối với người buôn nước Thanh thì bỏ cấm. Ở cửa Ninh Hải thì nghiêm cấm, mà ở cửa Trà Lý thì cho riêng”. Xin nên chọn phái người khác để thay” (243) .
Nhà vua không chuẩn cho việc hoán chuyển, đổi Lê Điều (một người có tinh thần chống Pháp) ra Hải – Yên và triệu Phạm Phú Thứ vào kinh. Nhưng mật dụ quan họ Phạm phải làm “cho yên lòng người buôn, dập tắt lời vu vơ, không thế thì khép vào tội khiêu khích sinh ra biến mà xử trị” (243) !
Mặc dù Viện – Bạc nhận định là Phạm Phú Thứ và tướng Pháp không ưa nhau, nhưng ngay sau đó, cũng vào tháng tám năm Tự Đức thứ ba mươi hai (1879), đình thần lại căn cứ vào tập tâu khác của Phạm Phú Thứ về cách xử trí Lưu Vĩnh Phúc của ông ta để cho rằng hầu như xử trí như vậy là có lợi cho Pháp. Buổi đình nghị không chỉ bàn về tập tâu của Phạm Phú Thứ, mà còn của các quan viên khác. Ý kiến Phạm Phú Thứ trong sự đối sánh với các ý kiến của các quan khác, đình thần thấy rõ Phạm Phú Thứ lại gần gũi với tên cơ hội chủ nghĩa, “theo gió xoay buồm” Nguyễn Hữu Độ!
“Khi ấy, phái viên người Pháp cho là đoàn quân của Lưu Vĩnh Phúc đóng giữ ở Bảo Thắng, hại cho người đi buôn, xin bãi các tuần ti. Các quan tỉnh, quan ở quân thứ Bắc Kì cũng tâu bàn về công việc tuần ti và [cách] xử trí với đoàn quân Lưu Vĩnh Phúc.
Tuần phủ Hà Nội là Nguyễn Hữu Độ xin bãi tuần ti mười ba (13) tỉnh, [để] chuyên do sở thương chính thu thuế.
Tổng đốc Hải Dương là Phạm Phú Thứ [tâu] xin: “Mỗi tỉnh đều đặt quan thu thuế, lại nghiêm cấm đoàn quân [Lưu] Vĩnh Phúc đi tống tiền nhà giàu. [Lưu Vĩnh Phúc nên] do quan thống đốc [Hoàng Tá Viêm] nghĩ dời [đoàn quân ấy] đến nơi khác, cấp phí tổn cho [để] khai mỏ ở Bảo Hà, Bảo Thắng, Hà Dương; nói với Pháp phái lính Tây đến đóng, để đường buôn bán được nghiêm. Cửa Trà Lý ở Nam Định thì đặt đồn lớn, phái nhiều quan quân làm việc thu thuế” .
Tuần phủ Hưng Hoá là Nguyễn Huy Kỷ nói triệt bỏ tuần ti, thì đoàn quân Lưu Vĩnh Phúc không khỏi thất vọng.
Quan ở quân thứ là Hoàng Tá Viêm tâu xin: “ Đổi bổ [Lưu] Vĩnh Phúc làm đề đốc Cao – Lạng, [cho ông ta] dời đến đóng ở biên trấn ấy, nhưng lấy đất sở tại Ngân Sơn thuộc tỉnh Cao Bằng cho làm đất được ăn lộc, lại cấp vốn cho sự [sinh] sống để dành [giành? tranh thủ?] để dùng [ông ta] làm việc”.
Việc ấy giao xuống đình thần bàn, rồi nghị dâng lên:
“Đặt ra tuần ti, [ở] phương nam, phương bắc, [đều] có cả. Điển lệ nước ta ban hành đã lâu, không can gì đến hiệp ước buôn bán, họ [:Pháp] không nói thế nào để chia lợi được, cho nên [Pháp] mượn cớ là người đi buôn ở Bảo Thắng kêu khổ, tìm mối yêu cầu ta bãi [bỏ] đi, để thoả cái ý lúc [Pháp] mới đến [là] xin bỏ tuần ti.
Lưu Vĩnh Phúc tuy chưa thuần thục hẳn, nhưng từ khi chịu ta vỗ về đến giờ, [ông ta] hết sức lập công, đều vì thân mình không nghĩ gì về sau. Hắn đóng ở thượng du, người khác [:Pháp] vướng mắc, ta khéo vỗ về, [thì họ Lưu] có thể giúp sức được một cánh tay. Hắn đương lúc tiến thoái cùng đường, chưa dám làm bậy. Nay các tỉnh dâng sớ tâu, hoặc đem chức giữ của mình mà nói thiên một mặt (như tổng đốc Hải Dương, tuần phủ Hà Nội), hoặc khó giải quyết mà hư ứng (như tuần phủ Hưng Hoá), hoặc theo lời của tay buôn lão luyện mưu lợi (như Nguyễn Hữu Độ), tưởng đều là chưa định được toàn cục. Duy có viên thống đốc [Hoàng Tá Viêm] xin cho đoàn quân Lưu Vĩnh Phúc đời đóng chỗ khác, giành [dành?] đấy để dùng sau này. Tuy đối với khoản tuần ti nên để hay bỏ, [Hoàng Tá Viêm] chưa có bàn nghĩ đến, nhưng về việc xử trí cho đoàn quân Lưu Vĩnh Phúc [như vậy, là] hơi có đầu mối… […] …” (244)
.
Mặc dù đình thần xét rõ bản chất cố hữu của Lưu Vĩnh Phúc là phỉ, nhưng qua việc xét nghĩ các tập tâu xử trí về Lưu Vĩnh Phúc trước yêu sách thâm ác của Pháp, đình thần vẫn thấy Phạm Phú Thứ rất đáng trách phạt.
Trước đây, Phạm Phú Thứ lại phạm thêm một lỗi: ra lệnh cho dân đào sông, không cần tâu lên vua! Đây là một lỗi thuộc về lĩnh vực vi phạm kỉ cương, phép nước, khó lòng tha thứ (245)!
Tháng tám năm Canh thìn (1880) này, vua Tự Đức không cho Phạm Phú Thứ bái yết, mặc dù ông đã vào Huế lãnh án, đã bị buộc phải đóng cửa suy nghĩ về lỗi lầm của mình. Vua bảo: “[Phạm] Phú Thứ tuy có tài làm việc nhưng lòng quá thiên tư [:thiên vị], kiêu ngạo, phóng túng trái phép, không phải đạo nho thần. Ta thường răn bảo, không chịu sữa lỗi […]. Không đổi hết lỗi, tất không thể dùng được. Đó là tại mình tự bỏ, không phải triều đình bỏ” (246) .
Nhưng việc Phạm Phú Thứ tâu báo rằng Pháp chuẩn bị gây biến ở Bắc Kì, điều đó, quả thực, là đúng sự thật. Sự thật là chỉ sau năm năm (1874 – 1879), kể từ ngày kí kết “hoà” ước, thương ước Giáp tuất 1874, thực dân Pháp đã mưu toan xâm lược Bắc Kì như thế. Nhưng khổ nỗi, vua Tự Đức dẫu biết sự thật, vẫn sợ hãi sự thật, muốn chạy trốn sự thật, cứ cho đó là “hoang báo”, “đồn nhảm” , mong các quan cứ nhẫn nại để khỏi khích biến! Vua Tự Đức rơi vào tâm trạng của một người hoàn toàn bất lực trước nguy cơ hiểm hoạ, đành trốn vào ảo tưởng, mặc dù hiểu rõ đó là ảo tưởng!
Không phải chỉ đối với Phạm Phú Thứ, nhà vua trách mắng như vậy, mà khoảng một năm sau, đối với tất cả thành viên của Viện Cơ mật, Nha Thương bạc (Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Chính [Chánh], Phạm Thận Duật, Bùi Văn Dị [Bùi Ân Niên], Trần Thúc Nhẫn) và tham biện Nội các Đào Đăng Tiến [Đào Tấn], nhà vua cũng cho là toàn thể Viện – Bạc và một tham biện Nội các giao du với giặc nên nghe tin đồn nhảm, “tâu nhàm tai trẫm” (247) . Tất cả đều bị giáng hai cấp, cho lưu nhiệm. Chẳng biết những ai bị nhà vua gọi là “giặc”? Kẻ sĩ văn thân ở Huế, ở Bắc Kì chăng? Các quan ở Bắc vào, như Phạm Phú Thứ, đã nhìn rõ hoạt động chuẩn bị mưu toan xâm lược Bắc Kì lần thứ hai của Pháp là “giặc” chăng? Tuy vậy, không bao lâu, chính nhà vua lại phát biểu một điều mà hai chục năm trước nhà vua đã hiểu rất sâu sắc, thấm thía: “Mọi việc mượn nhờ người [Pháp], tóm lại như một giấc mơ mộng, không có kì nào được nên việc” (248), “Trước sau, Pháp chỉ muốn đem chữ “hoà” để đánh lừa ta chăng!” (249) .


Hết tệp 14
(phân đoạn 6 truyện kí thứ 8)

Khởi viết truyện kí thứ tám này
vào lúc khoảng 07 giờ sáng,
ngày 17.11.2002 (13.10 Nh. ngọ, HB.2).
Viết đến dòng chữ cuối của truyện kí thứ 8 lúc 16 giờ kém 10 phút,
ngày 30.11.2002 (24.10 Nh. ngọ, HB.2).
Sữa chữa xong vào lúc 15 giờ 24 phút,
ngày 04.12.2002 (01.11 Nh. ngọ, HB.2).


TRẦN XUÂN AN



(213) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 104.

(214) ĐNTL.CB., tập 32, sđd., 1975, tr. 306 – 307.

(215) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 352.

(216) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 176 – 177.

(217) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 279 – 280.

(218) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 304.

(219) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 355 – 356.

(220) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 370.

(221) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 372 – 373.

(222) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 119.

(223) Chúng tôi chỉ căn cứ vào Đại Nam thực lục, chính biên, các tập có liên quan. Tất nhiên, không kể phần cuối tập 36 và hai tập 37, 38, trong đó có những lời nặng nề về Tôn Thất Thuyết sau cuộc Kinh đô quật khởi do Nguyễn Nhược Thị Bích viết thay Từ Dũ để quở trách, và trong ba tập ĐNTL. CB. đó, còn có dụ, cáo thị do Đồng Khánh, Nguyễn Hữu Độ, khâm sứ Hector, Phan Liêm, Phạm Phú Lâm viết, với những đoạn xuyên tạc, bôi nhọ về ông (và Nguyễn Văn Tường) một cách quá đáng. Xin xem thêm: Trần Xuân An, Nguyễn Văn Tường, “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, bản in vi tính, 2002 (chưa có điều kiện xuất bản rộng rãi).

(224) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 396.

(225) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 179 – 180, 198, 201, 212 – 213.

(226) GS. Trần Văn Giàu, Chống xâm lăng (CXL.), Nxb. TP. HCM. tái bản, 2001, tr. 327 – 358: Giai đoạn này, giai cấp tư sản tài chính (tư sản công nghiệp và tư sản ngân hàng) đang xúc tiến thành lập Ngân hàng Đông dương (Banque de L’Indochine). GS. Trần Văn Giàu cũng đã trích dẫn F. Engels với câu viết có hình tượng con đĩa hai vòi, nhằm phê phán giới chóp bu tại Pháp, đại diện chính cống của bộ phận tư sản tài chính của nước Pháp! Dương Kinh Quốc, VNNSKLS., sđd., tr. 173: Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập ngân hàng ấy vào ngày 21.01.1875 (Ất hợi). Theo tư liệu chuẩn cứ là ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 44 – 46: “Dân trong hạt [Phú Yên] là Lê Văn Lợi, năm trước tải lậu tiền đồng dị dạng, quan tỉnh ấy chiểu lệ tịch thu số tiền ấy và giam xét. Tên ấy vượt nhà giam, trốn đến cửa biển Thi Nại ở Bình Định nương nhờ viên lãnh sự Pháp. Viên ấy cho khai liều là quê ở Gia Định, rồi nhận là dân Tây [có quốc tịch Pháp], phải do viên lãnh sự ấy xét xử. [Việc ấy vua] đã chuẩn tư cho chủ suý Pháp [tại Gia Định], đợi chủ suý ấy xét định. [Đinh] Nho Quang không theo đợi, lại uỷ phái người đến cửa Thi Nại để bắt. Lãnh sự Pháp giải thoát cho Văn Lợi, [lại] đem đánh trói người được phái đi bắt ấy; rồi tư cho quan tỉnh Bình Định phải trả lại số tiền đã tịch thu và phạt [Đinh] Nho Quang 20 đồng bạc [!]”. Qua ba nguồn tư liệu trên, chúng tôi thấy có sự liên quan giữa quốc nạn tiền sềnh (tiền đồng dị dạng) với Ngân hàng Đông dương của tư sản tài chính Pháp. Phải chăng, qua tay bọn con buôn người Hoa, người Việt, Pháp tổ chức sản xuất tiền giả, phá giá đồng tiền nước ta? Hoặc chúng đã lợi dụng tình trạng tiền giả trước đó để nhảy vào tác động, làm lan tràn tiền giả, gây rối loạn thị trường, tiền tệ thêm? Đó là một trong những thủ đoạn của thực dân Pháp và tư sản ngân hàng Pháp?

(227) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 318.

(228) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 281 – 282.

(229) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 165 – 167.

(230) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 110 – 111.

(231) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 118.

(232) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 248.

(233) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 65 – 66.

(234) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 198 – 199.

(235) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 217 – 218.

(236) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 125 – 126.

(237) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 126 – 128.

(238) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 328, 329 – 330.

(239) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 267; ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 20, 64, 108 và 190 – 191.

(240) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 130.

(241) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 216.

(242) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 221 – 223.

(243) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 262.

(244) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 263 – 265.

(245) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 113, 131 – 132.

(246) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 364 – 365.

(247) TVTĐ., tập 2, 1996, tr. 166 - 167. Xin chú thích rõ hơn: Đó cũng là lúc Phạm Phú Thứ bị triệu về kinh để chịu trách phạt. Bấy giờ, vua Tự Đức không muốn các đại thần, đường quan giao du với cả Phạm Phú Thứ (đang bị giam lỏng để điều tra); nhà vua vẫn không muốn tin việc thực dân Pháp âm mưu xâm chiếm Bắc Kì lần thứ hai là có thật, lại cho là “hoang báo”, “nói hão tin càn”! Bài dụ trách phạt, vua Tự Đức viết: “… Vả người bầy tôi ắt phải có đạo [lí], dù muốn giao du rộng rãi, cũng phải chọn người mà chơi, muốn hiến kế sách tất phải cho có sự thực, chứ có thể nào nói nhiều nghe bậy, không có một mảy may nào là thực tế? Nay tự hỏi lòng mình, liệu như thế có an tâm không? Ngay đến như việc viên Bùi Viện, nếu không có người dẫn tiến, thì trẫm làm sao biết được? Vậy đã lầm lỡ một lần rồi, há lại nên để cho xảy ra lần nữa hay sao?…” (Thơ văn Tự Đức [3 tập], tập 2, Nxb. Thuận Hoá tái bản, 1996, tr. 167). Thời điểm Tự Đức viết bản dụ quở trách trên là ngày 24 tháng 02 năm Tự Đức thứ ba mươi bốn (1881). Chúng ta đã biết rằng, Bùi Viện không những kiếm tìm sự ủng hộ, viện trợ ở Mỹ (Hoa Kỳ, thời tổng thống Grant) mà còn thu phục các lực lượng hải tặc nước Thanh (Trung Hoa) vào đội quân vận tải do ông chỉ huy. Cuối cùng, Bùi Viện đã thất bại ở cả hai hướng. Khi Bùi Viện mất, còn để lại sự thâm thủng ngân quỹ của Nha Tuần tải đến vài ba chục vạn quan! (Xem: Phan Trần Chúc, sđd.).Tất nhiên, đối với các đại thần Viện – Bạc như trên đã nêu tên, sự mở hướng ngoại giao nhằm tìm lực lượng đối trọng với Pháp lúc này (1881), không thể là bọn hải tặc, mà chỉ có thể là Chiêu thương cục do Đường Đình Canh đại diện trong việc giao thiệp với nước ta…

(248) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 6.

(249) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 118 – 119.

Soạn xong phần chú thích
vào lúc 19 giờ 24 phút,
ngày 06.12. 2002 (03.11 Nh. ngọ HB.2).


TRẦN XUÂN AN



HẾT TỆP 14
(PHÂN ĐOẠN 6 TRUYỆN KÍ THỨ 8)

Xin xem tiếp TỆP 15
(phân đoạn 7 truyện kí thứ 8)
thuộc tập II bộ sách “PCĐT. NVT.”

0 Comments:

Post a Comment

<< Home