TRAN XUAN AN - PCDT NGUYEN VAN TUONG (tap II C)

Friday, December 16, 2005

Tệp 15 - Tập II Blog C
(PHÂN ĐOẠN 7, TRUYỆN KÍ THỨ 8)

Sẽ đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm
số tháng 12-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_txa-ky-content.htm


TRẦN XUÂN AN

CUỘC CHIẾN NGOẠI GIAO
VÀ NGOẠI THƯƠNG


Truyện kí thứ tám
(phân đoạn 7)

18

Nhưng ngoài việc để canh tân Đất nước, “hoà” để làm gì, nếu không để chấn chỉnh, nâng cao năng lực chiến đấu của quân binh? “Chiến rồi mới có thể hoà, “hoà” để thủ, thủ để mưu chiến. Thế mới hợp cơ nghi” . Thượng thư Bộ Hộ, đại thần Viện – Bạc Nguyễn Văn Tường từng xác định như thế.
Trong bốn, năm năm qua, ông phụ trách Bộ Hình rồi Bộ Hộ, kiêm quản Nha Thương bạc, nhưng ở Viện Cơ mật, ông còn phải bao quát tất cả mọi lĩnh vực. Bộ Binh là phần hành chính của Trần Tiễn Thành, nhưng các đại thần mặc dù được sung vào Viện – Bạc hoặc không sung vào đó, đều có thể tham gia góp ý cho Bộ Binh trong những buổi thiết triều, đình nghị. Huống nữa, Nguyễn Văn Tường là thành viên thường xuyên, liên tục ở Viện Cơ mật, ông không thể không quan tâm góp ý về việc chấn chỉnh, nâng cao quân lực để trước sau gì, sớm muộn gì cũng phải chiến đấu với Pháp bằng vũ lực quân sự. Chiến, ấy là tiên quyết và hậu quyết!
Tuy vậy, tranh thủ góp ý với quyền cố vấn, tham mưu là một việc, nhưng trực tiếp đứng ra đề xuất, hình thành chủ trương, kế hoạch thực hiện và đốc thúc triển khai thi hành trong thực tế ở các doanh vệ, quân thứ, tại kinh đô và tại các tỉnh, vẫn tuỳ thuộc vào thượng thư Bộ Binh Trần Tiễn Thành. Là thượng thư Bộ Binh, ông ta còn là đại thần Viện – Bạc có thâm niên cao nhất, đang ở vị trí số một tại Viện. Hơn nữa, Trần Tiễn Thành là một người rất được vua Tự Đức sủng ái, là vị quan được nhà vua lắng nghe nhất, tin cậy nhất! Đó là một điều thật kì quái! Lắm người đã giải thích sựï sủng ái ấy một cách thần bí!
Nhưng Trần Tiễn Thành đã làm những gì để chấn chỉnh, nâng cao binh lực? Trong hoàn cảnh Đất nước đang bị ngoại xâm, phải chấp nhận “hoà” một cách nhục nhã để lo liệu việc chiến đấu nhằm đuổi cổ bọn cướp nước, không thể không chú tâm vào nhiệm vụ quan trọng bậc nhất ấy. Chỉ có một lần duyệt binh lớn đầu năm Ất hợi (1875), tuy còn theo binh pháp cổ truyền đã lạc hậu, nhưng vẫn đáng kể, ngoài ra, Bộ Binh chưa làm được gì! Trần Tiễn Thành đã mấy lần bị vua nhắc nhở, khiển trách… một cách nương nhẹ!
Tháng tám nguyệt lịch, năm Tự Đức thứ hai mươi tám, Ất hợi (1875), đã có sự nhắc nhở:
“Vua bảo Bộ Binh rằng: “Hiện nay, việc binh rất là trọng yếu, mà súng ống là đồ dùng cho việc binh trước nhất; nên trước hết phải luyện tập cho đều tinh thạo. Khi cần đến mới mong được việc. Nếu có sai phái, cũng liệu để lại học tập, đâu có thể uỷ cho việc nhiều mà bổ [đi], không luyện tập được” (89) .
Tháng năm nguyệt lịch, năm Tự Đức thứ hai mươi chín, Bính tí (1876), lại một lần nữa…
“Vua cho là Bộ Binh nhiều việc và đọng lại, vậy thị lang, biện lí chuẩn cho đều đặt thêm cho đủ viên. [Vua] lại cho là chức đại thần không nhỏ [mà đích] thân làm việc nhỏ, huống chi tuổi cao, khí suy, càng nên xét thương, đặc cách chuẩn cho lãnh thượng thư Bộ Binh Trần Tiễn Thành, từ sau phàm việc ở bộ, việc gì thuộc về thăng, bổ, làm, bỏ, việc chiến trận, việc quân, tất cả, sự thể quan trọng chưa có lệ định, thì đều bày tỏ trước bàn định, đề tên xét tâu, còn phàm có điều lệ phải theo và các việc tư báo tầm thường, đều chuẩn cho các viên thị lang, biện lí ấy, cùng bàn nhau xét mà làm, không phải phiền nhiễu, để được thư nhàn coi xét các việc đình nghị. Và [vua] bảo phải tụ hội tinh thần, mưu sâu, lo xa, mong ngày càng giúp đỡ, cho thành công hiệu lớn”” (250) .
Mãi đến tháng sáu nguyệt lịch, năm Tự Đức thứ ba mươi hai, Kỉ mão (1879), phương pháp chế tạo súng đạn vẫn còn quá cũ kĩ, lạc hậu, đành phải đình hoãn, bởi có gắng gượng chế tạo cũng không có hiệu quả cao trên chiến trường, trong việc phòng thủ!
“Hai bộ Binh, Công tâu xin đến tháng giêng sang năm đúc đền [bù vào số bị thiếu] sáu cỗ súng đồng thần uy Phục viễn đại tướng quân.
Vua bảo rằng: “Các hạng súng thiếu rất nhiều, phái đi cũng rộng, tạm hoãn lại để nuôi của và nuôi sức, đợi quan Cơ mật – Thương bạc nghĩ phái người đi học, hoặc thuê được [người am hiểu] phép đúc giản tiện, sẽ làm sau. (Sau vì có việc mà đình chỉ)” (251)
.
Lại một lần nữa, vào tháng chín nguyệt lịch, năm Tự Đức thứ ba mươi ba, Canh thìn (1880):
“Vua bảo đình thần rằng: “Bộ Binh việc nhiều, Trần Tiễn Thành gần đây già yếu, sức chẳng theo lòng, làm việc không khỏi chậm trễ, đọng lại. Vả lại, chức việc của đại thần, không [đích] thân làm việc nhỏ. Từ nay, phàm việc ở bộ, các việc quan trọng như: cơ mưu, điều khiển việc quân, việc binh nhung nên làm hay nên bãi, phái quân trừ giặc, mới được trình báo đợi quyết định, làm phiếu luôn dâng lên, còn thì chuyên giao cho bọn tham tri, thị lang, biện lí hội đồng bàn tính cho xong, không để lỡ việc”” (252) .
Bộ Binh như thế đó! Thiếu luyện tập, trễ nãi, trì trệ, và không thấy trang bị vũ khí mới, ngoài số súng ống Pháp trao tặng theo “hoà” ước Giáp tuất 1874. Trách nhiệm chính vẫn là ở thượng thư Bộ Binh Trần Tiễn Thành. Vua Tự Đức đã dùng người không đúng chỗ, và khốn thay, lại sủng ái một cách lạ lùng, như thể quan hệ vua tôi ấy là cơ duyên thần bí. Vận nước, quả thật, đã đến lúc không sáng, không may? Thật ra, từ năm thứ ba mươi mốt (1878), nhà vua triệu hiệp đốc Tôn Thất Thuyết, “hễ chữa khỏi bệnh thì về kinh [đô]” (253) , nhưng đến tháng sáu, năm Tự Đức thứ ba mươi hai (1879), hiệp đốc họ Tôn Thất vẫn còn bệnh, phải điều trị tại Thanh Hoá, dâng sớ xin làm việc với quan tỉnh Thanh trong khi tĩnh dưỡng. Vả lại, vua cũng còn ngại tính tình nóng nảy của ông: “Tuy có lòng chọn việc, nhưng chứng nóng chưa hết, hãy cho ở lại điều trị” (253) !


19

Thượng thư Nguyễn Văn Tường và tổng đốc Sơn – Hưng – Tuyên Vũ Trọng Bình rất lâu rồi mới có dịp gặp lại nhau, kể từ Quý dậu (1873), hồi họ cùng đảm nhận công việc tiễu phỉ ở phía bắc. Sáng nay, một buổi sáng tháng chín, mùa đã vào đông, nhưng trời đất ở Huế vẫn còn đang rực rỡ nắng. Sau những ngày cuối thu hơi ảm đạm và se lạnh, mấy hôm rồi lại trở về trên kinh đô những màu sắc ngỡ như giữa mùa hè. Trong Tả vu Điện Cần chính, nơi Viện Cơ mật – Thương bạc đặt làm trụ sở, hai người ngồi đối diện ở bộ trường kỉ được chạm trổ, khảm xà cừ rất tinh tế. Giữa họ là chiếc bàn, bên trên là một bộ khay chén trà đã được bưng ra. Hai chén trà xanh toả khói mỏng, thoảng hương lài thơm ngan ngát.
Tổng đốc Tam tuyên Vũ Trọng Bình cũng sắp bước vào tuổi bảy mươi, nhưng trông ông còn rất khoẻ mạnh, lại vẫn rất linh hoạt như ngày nào. Kém hơn mười mấy tuổi, thượng thư Nguyễn Văn Tường đang đúng tuổi năm mươi bảy, tính cả một tuổi trong lòng mẹ. Trong khi chờ vua Tự Đức giá lâm làm việc tại Điện Cần chính, vua sẽ cho thị vệ qua triệu mời tổng đốc và các đại thần Viện – Bạc sang yết kiến, hai người đang ôn lại những năm tháng cũ, bâng khuâng thương tiếc đại tướng quân Đoàn Thọ, lãnh binh Lê Văn Dã, nấm mộ Hoàng Văn Giảng, án sát Lạng Sơn, vốn là người bạn cũ của Nguyễn Văn Tường.
Tổng đốc Vũ Trọng Bình chợt nhớ lại mấy bài thơ năm nào thượng thư Nguyễn Văn Tường viết tặng và hoạ lại thơ ông. Ông khẽ đọc, đủ cho hai người cùng nghe:

Họa Sơn phiên Võ “Tống ngư hàm”
nguyên vận


Tâm tồn quỳ hoắc hướng xuân dương
Bất quản gian tân cửu bị thường
Dục đắc diêm mai điều đỉnh nại
Tầm thường an vấn giới nhi khương

“Áp tải muối ướp cá”

Họa thơ Vũ Trọng Bình

Quỳ dại, hoắc hương, lòng hướng dương
Không nề cay cực, trải bao đường
Muối, mơ muốn được xào trên vạc?
Cải giống gừng? Sao hỏi quá thường! (254)

Kí bang biện quân vụ Vũ

Ưu quốc vị thành song mấn bạch
Tranh thần vô nại nhất thiên thương
Bất tài huống thả phùng đa sự
Ngạnh đoản tiên trường chỉ tự thương.

Gởi bang biện quân vụ họ Võ

Lo nước chưa xong đầu đã bạc
Tranh thời chẳng được, một trời sâu
Không tài lại gặp lúc đa sự
Cành ngắn roi dài chỉ tự đau! (254)

Gửi bang biện quân vụ Vũ Trọng Bình

Chưa xong việc nước, hai đầu bạc
Khó níu ngày trời một sắc xanh!
Cạn trí, huống chi, thời lắm rối
Ngắn dài tự quất vết roi cành!

Lo nước chưa xong, đầu bạc uá
Giành tâm, không nén, trời hoa râm!
Bất tài, lại gặp bời bời việc
Cành ngắn roi dài, tự xót thầm! (254)


Thượng thư Nguyễn Văn Tường nghe cay cay ở khoé mắt. Giọng tổng đốc Vũ Trọng Bình cũng nghèn nghẹn. Nhưng cả hai vị đều cố gượng mỉm cười trong nỗi xúc động khi kỉ niệm cũ chợt sống dậy trong lòng họ.
- Quan tổng đốc hẳn còn nhớ đề đốc Trần Mân (255) chứ?
- Làm sao quên được! Tôi rất buồn khi nghe ông ấy mới mất (255) cách đây không lâu. Cả thị sư Nguyễn Uy (Oai) cũng đã qua đời (256)…
Hai người bạn vong niên ngậm ngùi chìm vào hồi tưởng về một thời trận mạc.
- À, tôi mới gặp lại chưởng vệ Đinh Hội. Ông lão tướng ấy đã trên bảy mươi mấy rồi, vẫn gân guốc lạ. Đúng là con nhà võ! – Tổng đốc Vũ Trọng Bình hơi vui trong giọng nói –. Ông Đinh Hội ấy rất cảm ơn quan thượng Nguyễn Văn Tường, đã cùng Trần Tiễn Thành tâu xin cho ông ta đỡ bị nhà vua giáng phạt (257).
- Ồ, vụ việc có gì đâu! Chẳng qua ông ấy mãi mê suy nghĩ về một trận đánh trong binh thư và đối chiếu trên trận mạc, nên quên bẵng chung quanh, hoá ra thất lễ với nhà vua. Chỉ có thế thôi, có chi đâu!
Một lát sau, sau lời triệu mời trang trọng theo nghi thức của viên quan thị vệ, họ cùng với ba đại thần khác, Trần Tiễn Thành, Nguyễn Chính, Phạm Thận Duật cùng bước sang chính điện Điện Cần chính, nơi vua Tự Đức đã giá lâm. Những buổi thiết triều thường lệ vẫn được diễn ra ở Điện Cần chính này, và cũng là nơi nhà vua thường mời các đại thần trà nước để bàn luận thêm về quốc sự.
Sau những nghi thức, vua Tự Đức mỉm cười nói:
- Hôm nay trẫm triệu mời tổng đốc Tam tuyên Vũ Trọng Bình đến để đàm đạo thêm. Nhân tiện, cũng mời các đại thần Viện – Bạc để cùng bàn thảo những gì khiến trẫm cùng các ngươi không ăn ngon ngủ yên lâu nay… Nói vậy, không phải là để vừa thêm rối, vừa thêm nặng chuyện, mà chỉ để mong triều thần, biên thần và thiên hạ được thái bình.– Vua Tự Đức hơi trầm lại giọng nói –. Thật lòng, trẫm rất băn khoăn việc ở Bắc Kì. Vũ Trọng Bình, ngươi có thể tâu cho trẫm rõ thêm về việc biên giới phía bắc?
Quan họ Vũ thi lễ và thưa:
- Tâu hoàng thượng, tôi đã tấu trình, dẫu sao, việc biên giới mấy năm nay cũng đỡ hơn rất nhiều so với hồi quan thượng thư Nguyễn Văn Tường chưa đi sứ. Tên Hoàng Sùng Anh, tướng phỉ Cờ vàng, bị bắt sống và bị lăng trì xử tử, quả là rất thoả dạ quân dân. Đó là một đại hoạ được giảm bớt. Tuy vậy, giặc lâu la còn sót lại của hắn không phải chịu yên cho, mặc dù chúng cũng đuối sức lắm rồi. Còn Lý Dương Tài, tên tướng nhà Thanh làm phản với triều Thanh, hắn cũng bị bắt sống, giải về Trung Hoa hồi tháng chín, năm ba mươi hai (1879) (258). Hai việc đó, hoàng thượng và triều đình tuy ở đây nhưng còn rõ hơn tôi. Một việc nữa còn khó, nhưng lâu nay hoàng thượng và triều đình đã có thể đã yên tâm phần nào, đó là bọn phỉ Ông Thất, nguyên là giặc trốn nước Thanh, và bọn phỉ Ông, Đàm, vốn là người Khách trú ở nước ta (259). Những tên này và lâu la của hắn còn hung hăng, nhưng thống đốc họ Hoàng, hiệp đốc Tôn Thất Thuyết sớm muộn gì cũng quét sạch.– Tổng đốc Vũ Trọng Bình nói –. Nhưng tôi tâu trình như vậy thì cũng không có gì mới. Chỉ dám mong là quân binh ta được trang bị súng ống tốt. Có súng ống tốt, việc biên giới không kéo dài đến ngày nay. Đó là điều tôi cảm thấy không thể không nói. Muôn tâu hoàng thượng, lẽ ra, khó khăn, nghèo túng đến mức kho tàng vơi rỗng, cũng phải tìm cách mua cho được súng ống tốt, cử người đi học cho bằng được cách chế tạo súng ống kiểu Tây dương. Muôn tâu, tôi chỉ dám thưa hỏi một điều như vậy.
- Trẫm rất không bằng lòng khi nghe ngươi hỏi vậy! – Vua Tự Đức nén nỗi bực bội –. Ngươi cũng thừa biết nước ta điêu đứng cũng vì thiếu súng ống. Nhưng đào đâu ra, mua ai bán! Bọn bạch tạng Tây dương chỉ bán cho các nước chúng đang chiếm đoạt cách này hay cách khác một vài khẩu súng, vài viên đạn làm màu, làm mè thế thôi. Còn cử người đi học ư? Bọn bạch quỷ lại giấu nghề! Đời thuở nào chúng bán, chúng dạy cho ta để ta đánh lại chúng!
Tổng đốc Vũ Trọng Bình im lặng. Ông biết nhà vua rất dễ nổi cơn thịnh nộ.
- Sao, Vũ Trọng Bình, ngươi không có ý kiến gì nữa sao? Phải chăng ngươi muốn so sánh ta với nước Nhật Bản? Tại sao Nhật Bản học được nghề đóng tàu chiến kiểu Tây dương, luyện quân tập lính theo kiểu Tây với súng Tây, mà ta với Trung Quốc lại không? Có phải ngươi muốn hỏi như thế?
- Bẩm, kẻ bầy tôi cũng có thắc mắc như vậy. Quả thật, hoàng thượng đã thấu lòng kẻ bề tôi, nên cũng không dám ngu muội hỏi như vậy nữa.
- Ngươi bao giờ cũng thế! May là ta đã đọc kĩ bản tấu của ngươi.– Vua Tự Đức nói –. Hôm nay ta muốn các đại thần Viện – Bạc cùng nghe và trả lời cho ta câu hỏi của quan tổng đốc Vũ Trọng Bình! Tại sao ta và Trung Quốc, kể cả Xiêm La, Ấn Độ, lại chịu thua kém Nhật Bản?
- Bẩm, các thượng thư lục bộ, đại thần Viện – Bạc đã trả lời cho thần, rằng nước Nhật chỉ là cục xương khô, trôi nổi trên biển cả, nghèo tài nguyên khoáng sản và nghèo cả nông sản, lại động đất luôn luôn. Do đó, mặc dù bọn bạch quỷ các nước đã nổ súng xâm chiếm Nhật Bản, chúng cũng đã bắt Nhật Bản phải kí mấy “hoà” ước cũng tương tự như ta đã phải kí với Pháp, nhưng chúng cướp Nhật Bản cũng như cướp một ngôi nhà rỗng, không có gì để cướp. Nhật Bản không may mắn về địa lợi, xét về tài nguyên, ruộng đất, địa chấn, hoá ra là cái may lớn. Nhật Bản do vậy, chỉ trở thành cái chỗ đỗ tàu thuyền, cái bàn bàn đạp của Tây dương để chúng tấn công Triều Tiên, Trung Hoa, Đại Nam mà thôi!… Chính Nhật cũng hùa theo Tây dương, đang xâm chiếm Triều Tiên, chia chác của cải cướp được với Nga La Tư, Pháp, Mỹ, Đức, Anh… Nước Nhật Bản đang theo gót Tây dương, làm giàu bằng cách xâm lược, cướp bóc Triều Tiên, Lưu Cầu…
- Thế sao ngươi còn hỏi? Nhưng bây giờ, trẫm mong các đại thần hãy cùng suy nghĩ lại những lời các ngươi và người Hoa nước Thanh đã giải đáp cho nhau. Trẫm rất muốn nghe các ngươi nói. Thử hỏi, những điều Vũ Trọng Bình mới nói có đúng hay không? Hay nước Nhật Bản như Hàn Tín, chịu luồn trôn phiếu mẫu, như Câu Tiễn, chịu nếm phân giặc, thờ giặc… để học nghề đúc súng, đóng tàu Tây dương? Nhật Bản làm đầy tớ Tây dương để cướp nghề Tây dương? – Vua Tự Đức nói –. Chịu nhục mà được như Nhật Bản, trẫm cũng chịu. Nhưng thực sự có phải như vậy không? Nói như thế có xúc phạm lân bang Nhật Bản không? Các ngươi nên nhớ, đây là chuyện cơ mật, chớ tiết lộ! Ta không dại gì để khích biến đối với một nước như nước Nhật Bản, vốn cùng nòi giống da vàng như ta! – Vua Tự Đức hơi bối rối, lại nói –. Hay trong giống nòi da vàng, chỉ một dân tộc Nhật Bản là thông minh chăng? Điều đó không được lịch sử mấy ngàn năm của nước Nhật Bản chứng minh. Người Nhật Bản không thông minh hơn người Trung Hoa, người Đại Nam, người Cao Ly (Triều Tiên); Nhật Bản cũng không thông minh hơn người Ấn Độ, Xiêm La… được! Chẳng lẽ Nhật Bản có phép mầu, bỗng chốc lại trội lên, lại đánh cắp được bí kíp (sách bí truyền) của Tây dương? Trẫm mong các ngươi suy nghĩ.– Vua Tự Đức hình như trút được nỗi tự ái chất chứa trong lòng, vua nói khẽ lại –. Vua tôi nước Nhật Bản sẽ rất giận dữ nếu biết được vua tôi nước ta nói về họ như thế, so sánh họ với các lân bang như vừa rồi. Thế là xúc phạm lắm… Dẫu sao, thế cũng là xúc phạm lắm… Thôi, hãy nhớ rằng, đây là chuyện vua tôi ta bàn cho ra lẽ, xem vua tôi ta có ngu dốt chỗ nào để cùng nhau làm cho sáng tỏ… Và nên nhớ, đây là chuyện cơ mật, tối mật, chớ hé răng tiết lộ mà sinh khích biến với Nhật Bản.
Các đại thần Viện – Bạc và tổng đốc Vũ Trọng Bình đều im lặng, sau khi tâu “vâng”.
Sau một lúc nguôi giận, nhà vua lại từ tốn nói:
- Thôi, các ngươi cứ đọc sách báo, suy nghĩ thêm và vua tôi ta cùng đàm đạo lại. Bây giờ, trẫm muốn hỏi Vũ Trọng Bình về Bắc Kì: “Sau khi luôn mấy năm bị lụt lội và [bận] việc quân, nếu có việc hoãn cấp [:chóng chầy, sớm muộn; :khi có việc cần], lòng người có thể tin cậy được không?” (260) .
Vũ Trọng Bình thưa:
- Tâu, “lòng người [Bắc Kì] đều muốn được yên, nhưng cho là có thể tin cậy, tôi là người ngu cũng không dám chắc” (260) .
Vua Tự Đức buồn buồn:
- Ở đây, hôm nay, có thượng thư Bộ Hình, đại thần Viện – Bạc Phạm Thận Duật đó. Hồi tháng ba nhuận, năm Kỉ mão (1879), trẫm có lần khen Phạm Thận Duật “am hiểu, hoà nhã” (261), “không như người Bắc Kì, [lại] am hiểu hơn [Nguyễn Tăng] Doãn; [trẫm] khuyên [Phạm Thận Duật] làm người danh thần” (261) . Thế mà các quan “khoa đạo là Trần Đức Nghiệp, Nguyễn Hàm Quang tâu nói: “Trong, ngoài đều là thần thiếp, chưa từng chia ra Nam, Bắc. Bệ hạ nếu cho [Phạm Thận] Duật không phải như người Bắc Kì mà yêu quý khác, trộm sợ thiên hạ dòm được nông sâu, lời nói coi khác ngày nay lại nổi lên” (261). Trẫm đã giận dữ bảo rằng: “Các ngươi nói rất không phải! [Nói] không phải [như] người Bắc Kì là [ý trẫm] chuyên nói về phong thể, nghi tiết và cử chỉ, là không phải như người Bắc Kì chưa am hiểu đó thôi. Trẫm từ trước đến nay, dùng người có phân biệt gì Nam, Bắc. Hiện nay thứ bậc, chức vị, trong [Nam] ngoài [Bắc] đều như nhau, thiên hạ cùng biết đã lâu. Ngay như niên hạn cử nhân, [cũng] đã đổi theo như một. Còn việc khác phần nhiều giống như thế. [Không] ai không cảm khích cố gắng, [sao] các ngươi không nhận [thấy], lại dám xướng lên lời nói bất chính [:không đúng]? [Như vậy] sẽ làm mê hoặc lòng người, hại việc không phải nhỏ…” (261) . Thật ra, cũng như đức thế tổ Cao hoàng đế Gia Long, trẫm không muốn phân biệt và quả thật là không phân biệt Đàng Trong, Đàng Ngoài, thế mà… Lòng người Bắc Kì còn muốn gì? Nếu nói như Vũ Trọng Bình, trẫm thấy thật không thể hiểu nổi!
Nhà vua và tổng đốc Vũ Trọng Bình, cũng như bốn đại thần Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật, Nguyễn Chính [Chánh] bỗng dưng đều im lặng suy nghĩ. Nghe nhắc đến Nguyễn Tăng Doãn, thượng thư Nguyễn Văn Tường không khỏi ngậm ngùi về một đại thần đồng hương, đồng sự đã mất vì bệnh, hồi cuối tháng tám, năm Tự Đức thứ ba mươi hai (1879) (262). Ông cũng không thể không liên tưởng trong thoáng ngậm ngùi ấy về một người bạn thân thiết cùng tuổi, cũng là đồng hương, đồng liêu, đồng sự khác: viên ngoại lang Bộ Hộ, lãnh lang trung Lê Đình Dao. Cũng như Nguyễn Tăng Doãn, qua mấy tháng dài bị ốm, chết khi đang tại chức, Lê Đình Dao cũng đã mất vì lâm bệnh, sau khi chính ông đã nhiều lần tiến cử vị quan khẳng khái ấy, thuộc Bộ Hộ của mình, lên hàng đại thần, thay thế Nguyễn Tăng Doãn, và tiếc thay, lần tiến cử gần đây nhất, trong năm Canh thìn (1880) này, đã được sắc chỉ chuẩn y của vua! Khi Lê Đình Dao đã khá hồi phục, có sắc chỉ, thì Lê Đình Dao lại mất (262)!
Nhà vua lại nói tiếp, cắt đứt thoáng tưởng tiếc trong lòng thượng thư Bộ Hộ:
- Trẫm biết không chóng thì chầy, không sớm thì muộn, việc khi cần đến lòng dân để kháng chiến chống Pháp sẽ đến. Trẫm biết việc Pháp sẽ gây chiến thêm một lần nữa ở Bắc Kì lại xảy ra… Nhưng lòng dân Bắc Kì như Vũ Trọng Bình nói, thì biết làm thế nào?
Các đại thần và tổng đốc Vũ Trọng Bình đành im lặng.
- Sao các ngươi không nói gì? Hay tự thấy đã nói nhiều rồi?
Các đại quan đã biết tính nhà vua, khi nhà vua nổi giận một cách bất ngờ, nên im lặng cho cơn giận ấy qua đi, tốt hơn là tâu đáp lời.
- Trẫm những mong sĩ dân Bắc Kì ai cũng như Trương Định. Nếu thần dân của triều đình đều như Trương Định thì lo gì nước mất. Trẫm còn nhớ năm thứ ba mươi mốt (1878), hình như vào tháng tư thì phải, bố chính sứ Trà Quý Bình ở Quảng Ngãi có tâu xin cấp ruộng tự điền cho cha con Trương Định tại quê quán gốc (huyện Bình Sơn, tỉnh ấy). Các đại thần tâu là người trong Nam Kì như Trương Định rất nhiều, xin để điều nghiên tất cả rồi lập danh sách một lượt và chu cấp một thể (263). Mặc dù trẫm quở, và bảo là phải cấp ngay cho vợ Trương Định lo tế tự cho cha con anh hùng nghĩa sĩ họ Trương, nhưng trong lòng cũng cảm động khôn xiết, khi biết dân Nam Kì mộ nghĩa chống giặc Pháp như Trương Định rất nhiều, chưa kịp ghi công được hết (263).
Một lát ngẫm nghĩ, nhà vua lại nói:
- Thôi, chuyện Nam Kì còn đó. Bây giờ lại nói tiếp chuyện Bắc Kì. Trẫm hỏi thêm Vũ Trọng Bình, “Hiện nay [ở biên giới bắc] người giúp việc [:phụ tá] phần nhiều chưa có phẩm vị, danh vọng cao, cho nên bàn bạc với Hoàng Tá Viêm nhiều khi không hợp. Ngươi nếu sung chức hiệp đốc hoặc một chức gì về việc ngoài biên, tự liệu cùng với Tá Viêm bàn tính, tất [viên họ Hoàng ấy] phải nghe theo mà nên việc được không?” (260) .
Vũ Trọng Bình thưa:
- “Tôi tính thì thô suất, việc binh lại không được giỏi, không dám tự đương chức ấy. Duy có cho tôi về tỉnh Sơn [Tây] nhận chức, nếu gặp việc cùng bàn, tưởng cũng có việc phải nghe” (260) .
- Thế thì… Để trẫm cùng ngươi và các quan bàn lại việc này… Bây giờ trẫm hỏi việc khác: “Ngươi trị dân [Bắc Kì, Nghệ – Tĩnh] thế nào mà được dân yêu?” (260) .
- Tâu, “duy có không dung túng bọn tư lại [kiếm chác trong việc làm giấy tờ, đơn trương cho dân]; nghiêm dẹp trộm cướp; và sức [cho] phủ, huyện nhất thiết các việc tạp tụng, không được bỏ lâu; thuế lệ hằng năm, cũng chính mình xét đến. [Tất cả] đều làm điều [đã] biết được thôi ” (260) .
- Thật lòng trẫm rất “muốn lưu Trọng Bình ở lại sung làm quan Bộ Lại, nhưng rồi, [trẫm] cho là quan to ở Bắc Kì, phần nhiều là người mới, phải được bậc lão thành để giúp cho việc trấn áp […] [Thôi, ngươi gắng giúp trẫm,] hãy về lị sở nhận chức” (260) .
Sau đó, vua Tự Đức và các đại thần cùng nhau bàn thêm một vài việc. Trong câu chuyện, vua tôi còn bàn thêm về sự trỗi mạnh, vượt lên của nước Nhật Bản. Thượng thư Nguyễn Văn Tường có phân tích rằng: “Sở dĩ Nhật Bản trỗi mạnh là do người Nhật ở quần đảo như người Anh Cát Lợi, nên giỏi về ngành hàng hải. Họ cũng sớm học tập kĩ xảo, công nghệ, khoa học của Tây dương. Vả lại, người Nhật Bản có truyền thống võ sĩ đạo. Võ sĩ đạo là tôn chỉ của một tầng lớp người Nhật nối đời chuyên sống bằng nghề binh, kiểu như tộc truyền, gia truyền. Về võ, ngoài cung kiếm, họ còn có môn võ thuật lấy “tay không” (Không thủ đạo) làm vũ khí, lại có môn võ thuật khác, lấy “nhu” làm lợi thế (Nhu đạo, đợi địch tấn công trước rồi nương theo đà tấn công của địch, lấy đà lao tới của địch mà quật lại)… Nhưng nói là nói thế, cái chủ yếu là Nhật Bản sớm chủ trương “Đông học vi thể, Tây học vi dụng” , chịu nhẫn nhục để cướp nghề của Tây dương, rồi sẽ quật lại họ. Nhưng cho đến nay, năm Canh thìn (1880) này, sau vài mươi năm Nhật Bản chấp nhận kí “hoà” ước với các nước Âu Mỹ, chưa thấy ở nước Nhật có sự quật khởi đó! Và nói như tổng đốc Vũ Trọng Bình là nước Nhật chẳng có gì về tài nguyên khoáng sản, đất đai nông nghiệp cũng rất ít và không màu mỡ, lại động đất thường xuyên (đến nỗi nhà cửa cũng làm bằng gỗ nhẹ, với phên che bằng giấy để đỡ bị sụp đổ nặng, gây chết người, khi gặp địa chấn mạnh)… Tâu hoàng thượng, tôi có nghe một huyền thoại về nước Nhật nghèo nàn, lạc hậu và về lòng yêu nước của người Nhật thế này: Cách đây mấy chục năm, khi dự đấu xảo (thi đua kĩ nghệ) ở châu Âu Ba La, đại diện các nước cùng khách xem bước vào gian hàng trưng bày của Nhật Bản, họ ngạc nhiên không thấy có gì cả, ngoài một thanh niên Nhật Bản. Các đại diện, những khách xem đang ngơ ngác, khinh bỉ, họ bỗng kinh hoàng thấy thanh niên Nhật ấy nói, “dân tộc Nhật hiện tại chỉ có trái tim yêu nước, xin hẹn với tất cả năm châu bốn bể vào dịp đấu xảo khác”. Sau đó, anh ta đưa lưỡi kiếm sắc tự mổ ngực, lôi ra một quả tim ròng ròng máu đỏ… Người Nhật yêu nước nhưng đất nước Nhật Bản vẫn rất nghèo nàn, lạc hậu, thậm chí còn nghèo nàn, lạc hậu hơn cả Triều Tiên… Cho nên, bọn Tây dương chỉ chiếm nước Nhật để làm nơi đỗ tàu chiến, tàu buôn và làm bàn đạp tấn công các nước như Triều Tiên, Trung Hoa, Đại Nam… Cũng đúng là người Nhật hùa theo Tây dương, chủ trương lấy việc xâm lược, cướp bóc lân bang làm phương cách để cho nước họ giàu mạnh. Họ đã xâm lược Lưu Cầu, lại đang chủ trương “chinh Hàn” và cũng đã xâm lược được Hàn quốc (Triều Tiên), hiện đang mưu tính đưa dân Nhật qua Hàn để đồng hoá dân Hàn (264)… Người Nhật nương theo bọn bạch quỷ Âu Mỹ để “duồng gió bẻ măng”, lại đang lăm le rắp tâm xâm lược cả Đài Loan… Nhưng dẫu sao, không thể kết án cả dân tộc Nhật, mà chỉ kết án những kẻ cầm quyền ở Nhật Bản, bởi họ chủ trương “duồng gió bẻ măng” theo gót bọn thực dân Âu Mỹ: Bọn cầm quyền hiện tại ở Nhật Bản ấy đang chủ trương xâm lược láng giềng da vàng đi đôi với việc canh tân nước họ… Chúng thần, những kẻ bầy tôi của hoàng thượng, không bao giờ tiết lộ chuyện cơ mật này vì sợ gây khích biến, nhưng báo chí, sách vở xuất bản tại Nhật Bản lại chửi rủa, khinh khi Triều Tiên, Trung Hoa và cả Đại Nam ta quá lắm…”.
Thượng thư Nguyễn Văn Tường lại nói:
- … Tâu, nhưng bọn xâm lăng người Pháp, chúng nào có giúp ta gì đâu để học tập công nghệ Tây dương, mặc dù ta đã nhẫn nhục mười mấy năm nay (kể từ “hoà” ước Nhâm tuất 1862), nhất là từ khi kí kết “hoà” ước, thương ước Giáp tuất 1874 đến lúc này! Đã không giúp đỡ, Pháp lại còn ngăn cản ta thông sứ với nước Thanh, nước Xiêm, ngăn cản ta cho người đi học tập hay giao thiệp với Anh, Đức, Nga, Mỹ… Thậm chí, ngay Tây Ban Nha, bọn Pháp cũng đang hất cẳng để một mình khuynh loát ta! – Quan Thương bạc Nguyễn Văn Tường cảm thấy giọng nói mình hơi gay gắt, sợ thất lễ với nhà vua, ông cố nói chậm lại –. Nói ra về việc học tập công nghệ, khoa học Tây dương, tôi thấy cũng thật xấu hổ cho người da vàng mình, bởi ta tự mãn, tự phụ suốt mấy trăm năm, mới lạc hậu thua bọn da trắng đến thế… Nay phải tự mày mò từ đầu thì quá trễ, nên không còn cách nào khác là phải cướp nghề…
- Như vậy, ta có phải là kẻ cướp không?
Thượng thư Nguyễn Văn Tường thưa:
- Tâu, dạ không. Ta dùng chữ cướp nghề theo kiểu dân dã đại chúng. Thật ra, trong dân chúng, học nghề mộc, nề (hồ), may vá, thuốc bắc, nghề võ, nói chung là các thứ nghề, người học đều phải cướp nghề, tức là học những thủ thuật, những ngón bí truyền mà thầy không dạy. Ở đây, xin được thưa rõ là: cướp nghề tức là cướp phương pháp, cách thức tiến hành nghiên cứu, thực hiện. Tôi nghe nói sinh viên Nhật Bản còn tự sát bằng cách tự mổ bụng, để bạn học đút tài liệu, bản vẽ máy cơ khí, điện báo vào, may lại, đưa xác về nước. Chỉ có cách đó mới qua mắt được bọn mật thám khoa học – công nghệ Tây dương… Đó cũng là cướp nghề. Vì vậy, ở Âu Mỹ, các nước đều có cơ quan đăng kí bản quyền về sáng chế, phát minh và cả về nghiên cứu, sáng tác, ngay từ phút đầu…
- Tại sao ta không cướp nghề như thế? Tác giả là ai, người nước nào, ta cứ tôn trọng, có sao đâu! Cần gì cướp bản-quyền-danh-tính của tác giả phát minh, sáng chế, sáng tác… – Vua Tự Đức ngẫm nghĩ –. Thế gian này, thật đáng sợ thay! Trẫm nói vậy, không phải là chán đời, trốn đời. Tháng chạp, năm thứ hai mươi chín (1876), Tôn Thất Thuyết muốn xuống tóc đi tu ở chùa (265). Trẫm bảo Thuyết điên hay sao mà nghĩ vậy (265)! Trẫm đã trách y một cách thật đích đáng đấy. Dẫu đời có thế nào, cũng không thể tất thảy đều đi tu chùa hết cả được… Các ngươi và thần dân đều rõ, xưa nay, các đời bản triều đều có xây dựng chùa, tu bổ chùa, cụ thể là giao cho Bộ Công đảm trách; hơn nữa, còn trả lương hàng tháng cho nhà sư. Nhưng… có điều…, người tu hành phải rất ít thôi, phải thuần tuý tu hành, và họ phải có trách nhiệm của họ (265). Chúng ta phải có trách nhiệm với nước, với nhà, với đồng loại… Thôi, trở lại vấn đề đang bàn, đó là việc cho người ra nước ngoài học tập để canh tân…
- Tâu, chúng thần đều suy tư biết bao về việc này, cũng đã tìm người xét tuyển…
Đến gần trưa, vua tôi mới chấm dứt cuộc chuyện trò thân mật. Đây là một buổi mạn đàm thi thoảng mới có, không phải theo nghi thức đại triều hay thiết triều lệ thường.
Năm vị đại thần thi lễ chào vua.
Đó là buổi sáng một ngày thượng tuần tháng chín, năm Canh thìn (1880). Vài hôm sau, nhà vua công bố bản dụ về việc hiệp đốc Tôn Thất Thuyết dâng sớ hặc tội thượng thư Nguyễn Văn Tường trong vụ tiền sềnh (tiền giả, tiền dị dạng) với những lời minh oan, chứng minh của chính nhà vua cho sự trong sáng của Nguyễn Văn Tường trong vụ đó (220). Bấy giờ, tổng đốc Tam tuyên Vũ Trọng Bình còn ở lại tại Huế, ông thấy rõ là Tôn Thất Thuyết cũng như nhiều người dân lương thiện đã mắc mưu bọn khâm sứ giặc Pháp, nhất là tên Rheinart và bọn giặc miệng “tả đạo” ở kinh đô. Quan họ Vũ nói với thượng thư Nguyễn Văn Tường và các đại thần:
- Tôi rất quý tài thao lược của hiệp đốc Tôn Thất Thuyết và quyết tâm chống Pháp của ông ấy. Nhưng tôi cũng quá hiểu rõ nhược điểm của quan hiệp đốc họ Tôn Thất. Nhà vua nhận định về quan hiệp đốc Tôn Thất Thuyết thế là rất đúng, tuy hơi gay gắt. Thật ra, nhà vua cũng quý tài Tôn Thất Thuyết lắm…
- Đúng vậy. Quan tổng đốc nói thật chí lí. Nhà vua từng khuyên hiệp đốc Tôn Thất Thuyết: “Trẫm muốn ngươi Tôn Thất Thuyết chăm học thi, lễ, có phong thái nho tướng, liệu địch giành lấy thắng, có phong thái trí tướng, vỗ yên quân dân, có phong thái nhân tướng, không nên chuyên cậy uy vũ mà thôi. Xưa Bạch Khởi hối hận về đa sát, Trần Bình [trong sử Trung Hoa] than thở về có âm mưu, há không lấy làm răn ư?! Đấy đều là lời cách ngôn, chỉ luận của thánh hiền, không phải lời của trẫm. Xưa Tử Trương viết [tên người hiền] vào dải áo, Tử Lộ xin suốt đời làm theo [để tiến cử nhân tài giúp nước]. Bọn ngươi sao không để tâm, chớ tự bỏ đi!” (266) . Tôi thấy quả là nhà vua vừa quở trách nhưng cũng vừa ưu ái lắm. Mặc dù hiệp đốc Tôn Thất Thuyết tâu hặc tôi không đúng và tỏ ra ông ấy không hiểu ất giáp gì về vụ việc, nhưng tôi cũng không phải thiếu công bằng trong việc đánh giá mặt nhược này lẫn mặt ưu khác một cách toàn diện về hiệp đốc họ Tôn Thất. – Thượng thư Nguyễn Văn Tường nói –.
Mấy ngày sau, trong tháng mười năm Canh thìn (1881) này, thượng thư Nguyễn Văn Tường nhận được vị thuốc gửi mua tận Trung Quốc. Ông liền mang vào Thái Y viện để làm thủ tục tiến lên vua, sau khi để lại một ít để dùng riêng cho bản thân.
Đầu tháng mười một, sau một buổi thiết triều, vua Tự Đức bảo thượng thư Nguyễn Văn Tường:
- Trẫm muốn nói với Nguyễn Văn Tường.– Nhà vua mỉm cười –. Trẫm nhận được vị thuốc “Thiên sinh ô truật” (267) do ngươi tiến. Thật là một vị thuốc quý. Các ngự y đều rất khen sau khi thử nghiệm. Trẫm cũng đã dùng, thấy trong các bữa ngự thiện, ngon miệng hơn trước, thấy ngủ cũng dài giấc hơn.
- Tâu hoàng thượng, hôm đã lâu, tôi “vì nghe viên sung chức ở Y viện trước [đây] là Đỗ Văn Tuyển nói: “Mạch vua, tì hình như hơi kém, thứ truật này làm thuốc, bổ hơn bạch truật”, cho nên [tôi] gửi mua dâng tiến” (267) .
- Đúng là “vua tôi cùng bệnh càng thương nhau” (267) . – Vua Tự Đức cảm động nói –.
- Kẻ bầy tôi chỉ mong long thể hoàng thượng được an khang.
Đến trung tuần tháng mười một, Canh thìn (1880), thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường dâng sớ xin lập Cục Thuyền chính (quản lí tàu thuyền vận tải, như Cục Chiêu thương của nhà Thanh) (268). Vận tải bằng tàu thuyền của chính nước mình, chống bọn hải tặc có hiệu quả, và để phát triển ngoại thương, giao thông, đó là một trong những ưu tư của ông, nhất là sau khi bản sớ tâu xin nhà vua chuẩn y việc khoi đào thêm vài đoạn sông ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An để mở đường thuỷ xuyên Việt, đến nay vẫn chưa thi hành, thực hiện được. Nay bản sớ xin lập Cục Thuyền chính được nhà vua giao cho đình thần bàn thảo và quyết nghị, cuối cùng vua chuẩn y. Đình thần cũng rất đồng ý với thượng thư Bộ Hộ Nguyễn Văn Tường, khi ông cho rằng phải lo tự cường lấy, không thể cứ nhờ Cục Chiêu thương nhà Thanh vận tải mãi. Chu Đình Kế dâng sớ xin đề cử Nguyễn Văn Tường làm đại thần kiêm quản Cục Thuyền chính. Thượng thư Bộ Hộ thấy không thể để tình trạng tàu thuyền vận tải của ta cứ mãi thua sút nước khác, nhất là cứ phải nhờ Cục Chiêu thương vận tải giúp, nên ông nhận lời đảm trách (268). Bấy giờ, tổng đốc Sơn [Tây] – Hưng [Hoá] – Tuyên [Quang] Vũ Trọng Bình cũng “dâng sớ phúc tâu về việc vận tải [ở mạn Bắc nước ta] và tự xin đi lại đốc thúc việc vận tải. Vua cho là công việc về thuyền mới bắt đầu đặt riêng [thành một Cục], tất phải bên trong, bên ngoài có người. [Vũ] Trọng Bình đã được việc, lại xin tự đương lấy, bèn cho [hộ lí tổng đốc [Nam] Định – [Hưng] Yên [cùng với ông] đổi [cương vị đảm nhiệm] cho nhau” (269) . Nhờ vậy, ngoài việc vận tải, Cục Thuyền chính còn đảm đương việc tuần tiễu trên mặt biển nữa.
Tổng đốc Định – Yên Vũ Trọng Bình rất ủng hộ Nguyễn Văn Tường trong việc đề xuất chủ trương thành lập Cục Thuyền chính (269). Họ lại hỗ trợ cho nhau như những tháng năm còn là phủ doãn Thừa Thiên – tri huyện Thành Hoá và nhất là trong thời gian họ cùng tiễu phỉ ở phía Bắc.

Hết tệp 15
(phân đoạn 7 truyện kí thứ 8)

Khởi viết truyện kí thứ tám này
vào lúc khoảng 07 giờ sáng,
ngày 17.11.2002 (13.10 Nh. ngọ, HB.2).
Viết đến dòng chữ cuối của truyện kí thứ 8 lúc 16 giờ kém 10 phút,
ngày 30.11.2002 (24.10 Nh. ngọ, HB.2).
Sữa chữa xong vào lúc 15 giờ 24 phút,
ngày 04.12.2002 (01.11 Nh. ngọ, HB.2).


TRẦN XUÂN AN


(250) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 298.

(251) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 251.

(252) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 370 – 371.

(253) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 236 – 237.

(254) KVPCĐT. NVT. T. VNVCNTH. & TT., thơ Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), bài số 6, bản dịch nghĩa của Nguyễn Tôn Nhan và bản dịch thơ của Trần Xuân An; bài số 23, bản dịch thơ, dịch nghĩa của Trần Đại Vinh, hai bản dịch khác của Nguyễn Tôn Nhan (nghĩa) – Trần Xuân An (thơ), sđd., 2000, tr. 155 – 157, 213 – 216.

(255) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 394 – 395.

(256) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 322 – 323.

(257) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 259.

(258) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 271 – 272. Xem thêm: CXL, sđd., 2001, tr. 343 – 344: “Lý Dương Tài cấu kết với Pháp, Pháp có ý ủng hộ cho Lý Dương Tài”, “bọn Pháp đã tổ chức nội ứng ở đồng bằng để ủng hộ Lý”…

(259) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 67, 305.

(260) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 368 – 369.

(261) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 212 – 213.

(262) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 267, 48, 64. Nguyễn Tăng Doãn, người làng Câu Nhi, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Hai chữ “đồng hương [:cùng làng]” ở đây được hiểu nghĩa rộng (cùng tỉnh). Trong thời điểm này, tại triều, còn có Hoàng Hữu Xứng (có tiếng thanh liêm, người Bích La, Thuận Xương, Quảng Trị), làm tả thị lang Bộ Lại đến tháng giêng năm Canh thìn [1880] (kiêm quản Viện Đô sát từ tháng năm đến tháng tám, Đinh Sửu [1877], vì gặp phải lúc tang chế). Về Lê Đình Dao (người làng Bồ Bản, huyện Thuận Xương [Triệu Phong], Quảng Trị), ĐNLT., tập 4, sđd., tr. 312 – 313 đã ghi: “[Lê] Đình Dao, tính thuận hoà chất phác, có phong độ cổ nhân [:tiên phong đạo cốt], làm quan ba mươi năm, chìm đắm mãi hàng quan dưới, vẫn điềm đạm tự xử, không nói một câu gì buồn bực. Bấy giờ, [Lê Đình] Dao có nhiều bạn đồng quận làm quan chức trọng yếu, [thảng] hoặc có người khuyên chỉ cần đến bái yết một lần là được chân quan tốt, thì [Lê] Đình Dao chỉ từ tạ nói là mình vụng về. Đến khi có tuổi, bạn bè nhiều người gặp bước làm to, nhiều lần tiến cử Dao lên hàng đại thần, đã xin được chỉ vua thì Dao đã mất”.

(263) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 118.

(264) Xem thêm: Võ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Võ Mai Bạch Tuyết, Lịch sử cận đại thế giới (LSCĐTG.), quyển 1, Nxb. ĐH. & THCN., 1986, tr. 459 – 490. Ngày 31.03.1854, khuất phục trước vũ lực, Nhật phải kí “hoà” ước bất bình đẳng với Mỹ, và tiếp đó, còn phải kí với Anh, Nga, Pháp, Hà Lan các “hoà” ước tương tự. 1856, Mỹ đòi thêm quyền thương mại và tư pháp trị ngoại (công dân Mỹ phạm tội trên nước Nhật phải do Mỹ xử lí). Anh, Pháp cũng tập trung 40 tàu chiến để chuẩn bị tấn công Nhật nhằm làm sức ép. Trước áp lực các nước Âu Mỹ thực dân, đế quốc, Nhật phải kí thêm các thương ước bất bình đẳng vào năm 1858. Không được thiên hoàng Nhật (vua, hư vị) đồng thuận, Mạc Phủ (chúa, thực quyền) vẫn phải kí với Mỹ một “hoà” ước khác vào ngày 08.08.1858, với các nội dung chính: a). Nhật Bản phải mở cửa 5 hải cảng làm nơi buôn bán: Yokohama, Nagasaki, Niygata, Kobé, Hakodaté. b). Quan thuế phải do hai bên thương lượng. c). Pháp luật Nhật Bản không có quyền trừng trị những người ngoại quốc phạm tội trên đất Nhật Bản. d). Ở những hải cảng đã mở, Nhật phải dành đất cho người nước ngoài cư trú. Người nước ngoài có quyền thuê đất vĩnh viễn, có quyền kiểm sát và quyền tự trị ở đó. đ). Mỹ được hưởng quyền ưu đãi tối huệ quốc. Ngoài ra, điều IV ghi rõ: “Hàng quân sự của Hiệp chủng quốc [:Mỹ] có thể nhập không thuế vào Yokohama, Hakodaté và Nagasaki”. Ngay từ đó, Nhật Bản đã bị trở thành căn cứ quân sự của Mỹ. Sau “hoà” ước, thương ước ấy, trong ba tháng tiếp theo, Nhật còn phải kí với Anh, Pháp, Nga và Hà Lan những “hoà” ước, nhượng ước tương tự. [Lược trích từ sđd., tr. 472 – 474].

(265) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 358. Về việc Bộ Công lo đảm trách tu bổ chùa, ở thời điểm này, vì khó khăn về ngân sách, nên định kì tu bổ có hoãn và giảm (sđd., tr. 145)…

(266) ĐNTL.CB., tập 33, sđd., 1975, tr. 291 – 292.

(267) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 388.

(268) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 388 – 393.

(269) ĐNTL.CB., tập 34, sđd., 1975, tr. 395.

Soạn xong phần chú thích
vào lúc 19 giờ 24 phút,
ngày 06.12. 2002 (03.11 Nh. ngọ HB.2).

TRẦN XUÂN AN


HẾT TỆP 15
(PHÂN ĐOẠN 7 TRUYỆN KÍ THỨ 8)

Xin xem tiếp TỆP 16
(phân đoạn 8 truyện kí thứ 8)
thuộc tập II bộ sách “PCĐT. NVT.”

0 Comments:

Post a Comment

<< Home