TRAN XUAN AN - PCDT NGUYEN VAN TUONG (tap II C)

Friday, December 16, 2005

Tệp 16 - Tập II Blog C
(PHÂN ĐOẠN 8, TRUYỆN KÍ THỨ 8)

Sẽ đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm
số tháng 12-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_txa-ky-content.htm


TRẦN XUÂN AN

CUỘC CHIẾN NGOẠI GIAO
VÀ NGOẠI THƯƠNG


Truyện kí thứ tám
(phân đoạn 8)

20

De Champeaux tức giận đi lui đi tới trong văn phòng ở Sứ quán Pháp, bên hữu ngạn dòng sông Hương. Qua cửa sổ, y nhìn thấy Nha Thương bạc bên kia sông. Xa hơn một chút, phía sau, là kinh thành Huế. Y tự bảo, không thể đến nơi này để rồi rời khỏi với chức hàm cũ. Ngoài ra, y thấy cần phải kiếm chác một vài huân chương, bội tinh. Nhưng để lập được một thành tích thực dân nào đó, De Champeaux thấy không dễ dàng chút nào! Y cảm thấy căm hận quan Thương bạc Nguyễn Văn Tường tưởng như có thể ra lệnh bắn ngay một quả đại bác qua Nha Thương bạc bên kia sông. Nhưng làm gì y có đại bác, ở đây, lúc này!
De Champeaux từng là một phái viên chính thức đầu tiên của Pháp ở Hải Dương, nhậm chức sau phái viên tạm thời trước đó, là Turc (127). Từ lúc ấy, y cảm thấy quan Thương bạc Nguyễn Văn Tường, vốn là một người cứng rắn trong vẻ mềm dẻo, ngày càng gây khó khăn thêm cho y và những phái viên Pháp khác.
Từ ngày 01.10.1880 (27.8 Canh thìn, năm Tự Đức thứ ba mươi ba) đến hôm nay, sau cái Tết Nguyên đán của người Đại Nam đã một tuần lễ, De Champeaux vẫn chưa làm được trò trống gì, cũng như Rheinart, Philastre, hai khâm sứ trước y. Hôm qua, y lại mới tiếp quan Thương bạc và các tham biện, tư vụ Nha Thương bạc. Họ đến thăm y theo phép xã giao của người Việt vào dịp Tết, cho dù theo tục lệ, ngày mùng bảy lịch Nam, là đã hạ nêu. Quan Thương bạc vẫn điềm đạm, ung dung và vẫn với nụ cười mỉm rất tự tin, báo cho y biết, ngay từ trước Tết Nguyên đán Tân tị (1881), ông đã thôi giữ chức đại thần kiêm quản Nha Thương bạc, một chức tương đương bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp.
Ban đầu, khi nghe tin ấy, y hả hê trong bụng, thấy sự vận động của y vào Trần Tiễn Thành đã có kết quả. Y vận động Trần Tiễn Thành, một quan lớn của triều đình, để Trần Tiễn Thành tác động lên vua Tự Đức, giúp y truất Nguyễn Văn Tường khỏi Nha Thương bạc. Nhưng vẻ ung dung, cái cười mỉm tự tin, không có vẻ gì bực bội, đau xót của một người bị truất chức ở Nguyễn Văn Tường, khiến De Champeaux thật sự bị hẫng. Đó là cảm giác ngày hôm qua. Bây giờ, càng ngẫm nghĩ, y càng cảm thấy tức giận, tức giận tưởng có thể ném vỡ tất cả những gì hiện có trong văn phòng này, ngay lúc này.
De Champeaux cứ đi lui đi tới trong văn phòng, lại cảm thấy mình như một con thú bị nhốt trong văn phòng này, Sứ quán này!
Sau một lúc rất lâu, thấy đã đỡ bực tức và đôi chân đã mỏi, De Champeaux đến ngồi sau bàn viết, đốt một điếu thuốc, lặng lẽ hít vào rồi từ từ nhả khói.
De Champeaux bình tĩnh nghĩ ngợi. Y thấy, dẫu sao việc làm sức ép vào Trần Tiễn Thành khiến Nguyễn Văn Tường bị buộc từ chức, cũng rất có lợi cho y. Viên quan Đại Nam nào kế nhiệm cũng sẽ không gây khó khăn nhiều cho Sứ quán Pháp bằng Nguyễn Văn Tường. Việc vận động để Nguyễn Văn Tường bị truất, không ngờ lại dễ thành công đến vậy! Y lại nghĩ, đúng là Trần Tiễn Thành, viên thượng thư Bộ Binh, đứng đầu cả Viện Cơ mật – Thương bạc lại quá dễ bảo… như Rheinart, Philastre từng nói. Nhưng sao bỗng chốc Trần Tiễn Thành lại tác động lên vua Tự Đức thành công đến vậy? Bốn năm rồi, Rheinart, Philastre chẳng từng vận động như thế hay sao! De Champeaux ngỡ y cứ tiếp tục làm công việc vận động chưa thành và khó thành của hai khâm sứ trước, nào ngờ thành công đến bất ngờ!
De Champeaux mỉm cười, lần này y khoái trá thật, vì y thấy mình thật may mắn, bỗng chốc thừa hưởng được kết quả của hai viên khâm sứ Pháp tiền nhiệm.
De Champeaux định bụng tối nay sẽ viết một văn thư báo cáo thành công đó cho thống đốc Pháp tại Nam Kì hay tin. Y nghĩ, hẳn ông ta vui mừng lắm.
Hết tức giận, lại vừa suy luận ra lẽ, cảm thấy may mắn, lúc này De Champeaux cơ hồ hoàn toàn bình tĩnh lại. Y thấy trước khi viết văn thư báo cáo, cần phải đọc lại xấp bản sao những văn thư của thống đốc, khâm sứ, lãnh sự Pháp đang được lưu trữ tại tủ hồ sơ của Sứ quán này.

“Chính phủ An Nam xem ra lúc này rất nghèo. Vị thượng thư thường hỏi tôi về cách nhanh chóng làm ra tiền. Tại Bắc Kì và ở một số điểm gần bờ biển, có những mỏ than chưa được khai thác, và trong một vài tỉnh ở Bắc Kì, còn có những mỏ kim khí” (Rheinart, gửi thống đốc Nam Kì, từ Huế, 27.8.1875) (270).

“Cho đến nay tôi đã có thể nhận xét thấy là hầu hết các văn kiện của người [Đại] Nam gởi cho chúng ta hoặc nói về chúng ta đều chứa đựng khi thì một sự thiếu sót, khi thì mấy chữ kém nghiêm chỉnh. Có lúc bất ngờ, tôi đã nói lên nhận xét đó, người ta liền cáo lỗi, đổ cho là do sự đãng trí hay quên lãng của người được cử viết ra văn kiện ấy” (Rheinart, gửi thống đốc Nam Kì, từ Huế, 13.9.1875) (270).

“Họ chỉ muốn dung thứ chúng tôi ở đây, xa nơi nhòm ngó, không được ai biết đến, không được ai nhìn thấy quốc kì” (Rheinart, gửi thống đốc Nam Kì, từ Huế, 09.10. 1875) (271).

“Sau cùng, người ta mạ lị chúng tôi trong các văn kiện chính thức. Nay thì chính nhà vua đã làm gương, và mạ lị thậm tệ nhất” (Rheinart, gửi thống đốc Nam Kì, từ Huế, 09.10.1875) (271).

“Đối với tôi, tôi xin tuyên bố là tuyệt đối không còn giải pháp nào ngoài việc dùng võ lực”… […] … “Mọi liên minh với chính phủ [Đại Nam] này đều không thể được” (Rheinart, gửi thống đốc Nam Kì, từ Huế, 09.10.1875) (271).

“Các thương lái (?) người Hoa đã làm một thứ tiền giả bắt chước tiền đồng của người [Đại] Nam. Họ cho nhập vào đây một số tiền giả khá lớn. Với tiền giả đó, họ mua các thứ hàng để xuất khẩu. Hơn nữa, họ còn mua vét tất cả số lượng bạc mà họ có thể mua” (Kergaradec, gửi thống đốc Nam Kì, từ Hải Phòng, 19.8.1877) (272).

“Tôi nghe nói nhiều người sẽ rất sung sướng khi thấy ta gây chiến tranh ở Bắc Kì. Họ cho là có thể chiếm giữ xứ này với vài trung đội. Tôi tin chắc rằng không thể giữ nổi với mười ngàn binh lính và rằng người Bắc Kì sẽ không chịu phục quyền ta hơn chính phủ của bản thân họ” (Philastre, gửi thống đốc Nam Kì, từ Huế, 11.1878) (273).

“… Nếu Bắc Kì được coi như một quốc gia thì tôi thấy thật ít cơ may để trở thành một quốc gia thanh bình và thịnh vượng như Nam Kì” (Philastre, gửi thống đốc Nam Kì, từ Huế, 11.1878) (273).

“Bản hiệp định mà chúng ta đã kí kết không cho phép chúng ta, nếu không phải là lừa đảo, dây mình vào những âm mưu chống lại chính quyền [Đại Nam] hiện tại. Vả lại hoạt động của chúng ta sẽ bị tiết lộ trước khi thi hành. Thế là có thể làm cho mọi sự quay lại chống với ý muốn của chúng ta…” (Philastre, gửi thống đốc Nam Kì, từ Huế, 11.1878) (273).

“… Như tôi đã viết cho ông Turc (lãnh sự Hải Phòng) là sự can thiệp [“” quân sự] chỉ làm cho chúng ta thêm đáng ghét và ô nhục. Sau nữa, tôi xin thêm rằng, can thiệp [“” quân sự] có lẽ sẽ làm chậm lui sự tiến bộ đang tỏ ra thật cần thiết; và [chỉ nên] thực hiện hoặc bằng cách mạng [:đảo chính] hoặc bằng cải tiến, tuỳ theo phẩm chất của triều đình…” (Philastre, gửi thống đốc Nam Kì, từ Huế, 11.1878) (273).

“Thưa thống đốc, trong quyết định của chính phủ An Nam, có lẽ ngài sẽ ngạc nhiên thấy ông thượng thư nói là: “Không hạn chế cũng không giảm giá”… […] Chính phủ này cũng như chính phủ Trung Hoa thường định mức tối đa cho giá gạo, mỗi khi họ buộc phải dùng những biện pháp như thế [để ngăn chặn gạo xuất cảng, để Bắc Kì khỏi rơi vào nạn đói]… […] … Tôi thấy ông thượng thư đã được cuộc (!) [dấu chấm cảm trong ngoặc đơn của Philastre]” (Philastre, gửi thống đốc Nam Kì, từ Huế, 24.04. 1879) (274).

“Hiện nay nội thành của vua đang đóng cửa không tiếp đại biện của chúng tôi, và tất cả lời nói và trình bày của chúng tôi chỉ đến tai vua qua trung gian một thượng thư Bộ Ngoại giao ít bị nghi ngờ hay thất sủng. Cần phải đòi hỏi sao cho có nghi lễ nghiêm chỉnh cho các buổi triều kiến và sau đó phải buộc chấp nhận nguyên tắc triều kiến riêng lẻ để cho đại diện của Pháp có thể trình bày trực tiếp với vua những sự kiện nghiêm trọng có liên quan đến hai chính phủ, cũng như ở châu Âu một đại diện có thể tiếp kiến với các vị vua của các nước lớn” (Le Myres de Vilers, gửi tổng thống Pháp Grey, tháng 10.1879 [cũng là chỉ thị cho khâm sứ Pháp tại Huế]) (275).

“Tôi cho rằng chúng ta cần dồn tất cả nỗ lực để gián tiếp thúc đẩy chính quyền An Nam từ bỏ ý định của họ. Vì mục đích ấy, xin ông yêu cầu ông Rheinart trình bày cho triều đình Huế biết là, tuy không chính thức phản đối, nước Pháp sẽ nhìn với con mắt thiếu thiện cảm việc cử các sứ bộ sang Bắc Kinh. Rất có thể là nếu viên đại biện của chúng ta phát biểu theo hướng đó với sự kiên quyết và thận trọng cần thiết, [khiến] các thượng thư của Tự Đức sẽ suy nghĩ chín chắn hơn về công việc họ đang chuẩn bị và họ sẽ tiến hành với sự chậm chạp và trì hoãn [vì phải cân nhắc, đắn đo], rốt cuộc sẽ chỉ có lợi cho chúng ta, vì nó sẽ cho phép chúng ta tranh thủ thời gian cho đến khi chúng ta có thể quan tâm một cách nghiêm túc đến việc xem xét lại các hiệp ước năm 1874” (Kergaradec [?], thư gửi thống đốc Nam Kì, 05.6.1880) (276).

“… Người [Đại] Nam tỏ ra cương quyết, thiên lệch, không chịu quan tâm đến những cam kết đã hứa với chúng ta, trong khi lại rất khe khắt đối với những cam kết mà ta đã hứa với họ…” (Rheinart, gửi thống đốc Nam Kì, từ Huế, 18.7.1880) (277).

“… Từ năm 1875 đến 1876, đã hơn mười lần tôi trình bày về sự cần thiết chúng ta phải thiết lập nền bảo hộ. Tôi đã khẩn khoản nhắc lại điều ấy đặc biệt nhân dịp người [Đại] Nam vi phạm điều II của hoà ước, hồi tháng giêng năm 1876, khi họ viết cho thống đốc Anh ở Hương Cảng để xin phái lãnh sự An Nam tới bến cảng này” (Rheinart, gửi thống đốc Nam Kì, từ Huế, 18.7.1880) (277).

“Tôi phỏng là chỉ cần ba ngàn rưỡi (3.500) quân, kể cả lính trên các tàu hơi nước nhỏ của hạm đội, thì đủ để chinh phục và chiếm giữ Bắc Kì” (Kergaradec, thư gửi thống đốc Nam Kì, 18.10.1880) (278)
.

De Champeaux đứng dậy trong sự bực bội, chiếc ghế y vừa ngồi suýt ngã. Y gọi to như hét một tên lính hầu, bảo pha rượu cho y với một lát chanh.
Theo một thói quen thường thấy ở nhiều người, De Champeaux vừa đi quanh phòng vừa suy nghĩ. Một lát, y đi nhanh đến bàn viết, nơi đang đặt xấp hồ sơ bản sao các phúc trình (văn thư báo cáo trả lời) của các khâm sứ Pháp tiền nhiệm, các lãnh sự tại Hải Dương, Hà Nội, và cả một số đoạn trích phúc trình của các thống đốc Nam Kì về Pháp. Y muốn đọc lại một vài đoạn của Philastre, kẻ chủ trương không áp đặt “nền bảo hộ”, tức là cái ách đô hộ, lên nước Đại Nam này, mà chỉ “thoả hiệp” với triều Nguyễn cầm quyền đương thời, tuy “thoả hiệp” bằng “cách mạng” (thực chất chỉ là đảo chính, thay đổi vị vua trên ngai!) hoặc “cải tiến” (thực chất là làm sức ép, buộc vua Tự Đức phải nhân nhượng, chấp thuận cho Pháp những yêu sách Pháp đưa ra!). De Champeaux đọc đi đọc lại, y hiểu ra, đúng là dân Bắc Kì sẽ chống lại chủ trương của Philastre. Philastre chỉ đến Bắc Kì vỏn vẹn chỉ vài tháng sau cái chết của Françis Garnier, hồi cuối năm 1873, một thời điểm không khí rất căng thẳng, sục sôi, sau khi Hà Nội và các tỉnh khác ở Bắc Kì thất thủ, một thời điểm mà ngay cả người Pháp kiểu như Rheinart cũng rất hốt hoảng, thất thế, nhất là khi lệnh trao trả công bố, và phong trào văn thân “sát tả” bùng dậy. Ấn tượng ấy khiến Philastre nghĩ sai lệch về Bắc Kì. Thật ra, De Champeaux nhận thấy, một bộ phận khá lớn dân Bắc Kì thiển cận chủ yếu vẫn muốn lật đổ triều Nguyễn, dời kinh đô về lại Hà Nội, và bản thân dân Đàng Ngoài phải làm chủ Đại Nam từ Nam chí Bắc, hoặc chỉ xứ Bắc Kì của họ. Họ sẵn sàng thoả hiệp với Pháp để lật đổ triều Nguyễn cho bằng được. Nhưng triều Nguyễn lo sợ khả năng đầy nguy cơ ấy, nên vội tranh thủ “kẻ mạnh” là Pháp để “thoả hiệp”. Liệu nhận định này có đúng không: Những kẻ sĩ Đại Nam rất công bằng cho rằng: Chính mâu thuẫn Đàng Trong – Đàng Ngoài đó, trong tình thế đó, đã dẫn đến tình trạng hai Đàng vốn không đoàn kết với nhau, lại càng chia rẽ nhau; hai Đàng vốn chống đối nhau, nhưng đều giành nhau đi tranh thủ lực lượng Pháp ngoại xâm. Sự thể ấy khiến cho cả triều Nguyễn (và Đàng Trong) lẫn bộ phận dân Bắc Kì “phù Lê”, “tả đạo”, bọn câu kết với giặc Cờ (thuộc Đàng Ngoài)… đều đáng ghê tởm. Phải chăng nhận định ấy là đúng? Hãy lấy thực trạng lịch sử để làm cơ sở cho mọi nhận định. Nếu như tình trạng hiện nay, Pháp “bắt tay” với triều Nguyễn và triều Nguyễn cảm thấy rất đau xót, phải “bắt tay” Pháp một cách bất đắc dĩ nhưng vẫn “bắt tay”, thì dân Bắc Kì (“phù Lê”, “tả đạo”, bọn Khách…) đành phải “chống cả triều lẫn Tây”! Nhưng trước 1874, Bắc Kì lại tranh thủ Pháp, Tây Ban Nha, thậm chí cả giặc Cờ để chỉ mỗi một việc nhắm đánh triều Nguyễn, để “xoá ván cờ lịch sử, chơi lại ván khác”! Tình trạng sau 1874, Bắc Kì đang bị hẫng hụt! Nhưng vài năm gần đây, ở Bắc Kì, lại cũng thế! Đã có một lực lượng ở Bắc Kì “phù Lê”, sẵn sàng ăn cánh với Pháp để lật đổ triều Nguyễn, với điều kiện, khi đã thắng, nhà Lê phục hồi, sẽ cùng Pháp định lại thương ước 1874! De Champeaux suốt mấy năm rồi làm lãnh sự thường trú tại Hải Dương, y rất quan tâm đến dân tình Bắc Kì, và y hiểu, bộ phận thiển cận ấy ở Bắc Kì đâm ra “chống cả triều [đình] lẫn Tây” là vì thế: Pháp “bắt tay” với triều Nguyễn. Vả lại, Philastre cũng không hiểu vị trí địa – chính trị: Bắc Kì gần Trung Quốc, một chỗ dựa đáng kể, trong khi Nam Kì quá “cheo leo, trơ trọi”, không biết dựa vào đâu.
Sáu năm nay (1875 – 1881), khi các sở thương chính tại Hải Dương, Hà Nội được thành lập, y không thấy có một lần nào các sở thương chính có lính Pháp đồn trú lại bị tấn công bởi chính những người Bắc Kì! Các đoàn du khảo Pháp cũng không bị dân Bắc Kì tấn công! Hoàn toàn khác với Nam Kì! Dân trong Nam Kì lại chỉ tấn công vào người Pháp, cố đạo Pháp và những tên ngụy tay sai khét tiếng!
De Champeaux không những xem khinh Philastre theo cách đồng sự ganh tị nhau của y, y còn coi thường cả Rheinart. Rheinart không biết một tí chữ Hán, chữ Nôm nào, không hiểu các văn kiện bị viên linh mục hành nhân Nguyễn Hoằng và kí lục Hinh dịch sai, lại hét toáng trong các bản văn thư báo cáo, rằng Nha Thương bạc lẫn hoàng đế triều đình Đại Nam “chơi chữ” để mạ lị, chửi bới nước Pháp ngay ở các văn kiện chính thức. Y không thấy được rằng, một trong những quyền của người yêu nước chân chính là phải vạch trần bản chất của bọn cướp nước, bọn thực dân sỉ nhục dân tộc họ bằng những từ ngữ đích đáng. Nhưng phải đúng nơi, đúng chỗ và không phải kiểu “hàng tôm hàng cá” hoặc “ma-cà-bông” (vagabonds, lưu manh). De Champeaux lại thấy ngược lại, kẻ-cướp-nước-phi-nghĩa như bọn thống đốc, khâm sứ, lãnh sự Pháp lại có quyền chửi rủa, dựng chuyện, bôi nhọ người-yêu-nước-chống-xâm-lược-vốn-muôn-đời-là-thuộc-về-chính-nghĩa!
De Champeaux chả hay hớm gì, nhưng y cứ tưởng y hay hớm lắm! Thật ra, những tên người Pháp chịu sang làm thực dân ở các thuộc địa, chúng đều là những tên không ra gì ở chính quốc Pháp! Nhưng De Champeaux đâu có hiểu điều đó, hoặc có hiểu nhưng những lời tâng bốc, phỉnh gạt của các tên chóp bu tại Paris khiến y tưởng thật rằng, các quân nhân Pháp viễn chinh là anh hùng của nước Pháp!
Tợp một ngụm rượu, không biết mười hay chín ngụm rồi, De Champeaux cảm thấy quá bừng bừng men nồng. Y càng hung hăng hơn lúc bình thường. De Champeaux tự nhủ, dẫu sao y cũng phải kiếm chác được vài cái huân chương, bội tinh, loại “bắc đẩu bội tinh” hay “hiệp sĩ bội tinh”, “tuyên giáo bội tinh” gì đó, và phải được thăng chức hàm. Nếu kiếm được nhiều vàng nữa tại xứ Đại Nam này để rồi về Pháp ăn chơi thả cửa, thả dàn (ràn) thì sướng quá!
Nhưng dẫu sao De Champeaux cũng phải thực hiện nhiệm vụ, một công việc cần phải tiếp tục làm, mà Rheinart mới bàn giao cho y cách đây mấy tháng: triệt hạ uy tín quan Thương bạc Nguyễn Văn Tường, bằng cách vừa viết mật tâu vu khống, gửi lên vua Tự Đức, vừa giao nhiệm vụ cho các cố đạo Pháp tại Huế, phải cố xúi xiểm giáo dân hoặc đào tạo giáo dân làm giặc miệng. Y bỗng thấy dậy lên trong y nỗi thù hận quan Thương bạc, mối căm thù từ lúc y còn ở Hải Dương với chức trách lãnh sự Pháp. Đó là nỗi thù hận phi đạo lí của bọn kẻ cướp đối với những người bị cướp, phải chống lại chúng.
De Champeaux ngồi vào bàn giấy, cầm lấy bút, lôi ngăn kéo ra lấy vài tờ giấy trắng.
Sau một hồi tìm cách diễn đạt, De Champeaux quyết định viết văn thư báo cáo, với một giọng trịch thượng, lớn lối mà y thấy thích thú, cái thích thú tự hả hê trong nỗi căm hận sâu đậm đối với thượng thư Nguyễn Văn Tường, nhân việc ông cùng một số quan chức Thương bạc khác đến thăm và chúc mừng Tết Nguyên đán theo thông lệ ngoại giao:
“Hôm qua tôi đã tiếp kiến quan Thương bạc. Ông đến báo cho tôi biết là ông đã từ chức thượng thư Ngoại giao… Tôi không ngờ việc vận động nhỏ của tôi chống thượng thư đó lại có kết quả nhanh đến thế… Vì thấy rằng không thể mở rộng các mối quan hệ chính trị nếu cứ phải giao thiệp với quan Thương bạc mãi, tôi đã nghĩ phải buộc ông ta từ chức và thay ông ta bằng một người ít chống đối ảnh hưởng của ta hơn… Quan Thương bạc vẫn còn là thượng thư Bộ Hộ và thứ trưởng Viện Cơ mật. Với tư cách sau, ông vẫn còn có thể chống đối chúng ta. Muốn thoát nạn, ta còn phải đập ông tan tành cả ở phía ấy” (De Champeaux, gửi thống đốc Nam Kì, từ Huế, 06.02.1881 [mùng tám Tết Nguyên đán tân tị]) (279) .
Viết xong bản phúc trình, De Champeaux bỏ vô phong bì, dán keo lại, đặt vào ngăn kéo. Y định bụng, ngày mai, y sẽ lại xé phong bì đã dán lại để bảo mật ấy, lấy văn thư ra, đọc lại thận cẩn trọng, rồi chữa lại, chép lại, mới bỏ vào phong bì khác, dán thật kĩ, và gửi đi theo đường bưu trạm của riêng Sứ quán Pháp. Y tự nhủ, đoạn y viết phúc trình về việc làm áp lực hạ bệ và đã hạ bệ được Nguyễn Văn Tường (y cứ tưởng thế!), phải là một đoạn sắc nét nhất trong văn thư!
Khoảng vài tháng sau, De Champeaux nghe linh mục thông ngôn Nguyễn Hoằng nói lại, vua Tự Đức rất giận dữ, khi hiểu ra thái độ xấc láo của y. Ngoài ra, y còn biết thêm, vua đã viết một bản dụ, nội dung chủ yếu là phân tích sự phiên dịch sai, và ra quyết định đóng gông Nguyễn Hoằng, sai lính giải linh mục thông ngôn này về quê quán Hà Tĩnh để quản thúc tại quê. Nhưng trong bản dụ đó, còn có những câu phê phán De Champeaux, chính là y, qua việc chỉ trích Nguyễn Hoằng rất gay gắt, về âm mưu vận động của Pháp (với Trần Tiễn Thành, nhà vua không biết) và về giặc miệng “tả đạo”, để hạ bệ Nguyễn Văn Tường:
“Lại còn nói rằng, người nước Pháp rất ghét viên Bạc thần trước là Nguyễn Văn Tường, tất rồi sẽ dùng thế lực cưỡng bách truất thoái để đẩy đi xa; vậy câu nói này là nói thế nào?
Ôi! Người làm tôi ai cũng vì chủ nấy, Nguyễn Văn Tường giúp vì nước nhà, cũng tức như viên sứ Pháp giúp vì nước Pháp, cái đạo làm tôi tất phải như thế, có gì mà đáng ghét? Trước kia viên ấy tuy sung chức ở Thương bạc, cùng với ngày nay tuy đã giải nhiệm, song phàm việc gì đều có quan đại thần hiệp thương bàn rồi tâu lên mới quyết định, viên ấy có thể nào độc đoán để ngăn trở việc? Vả giả sử có thể làm độc đoán thì hạng bề tôi như vậy còn nước nào mà chẳng thích dùng? Tưởng nước Pháp cũng nên ban thưởng để khuyến khích cho những kẻ làm tôi trong thiên hạ và để gương đời sau vậy. Như Hán Cao Tổ phong cho Quý Bố và chém Định Công, Tống Thái Tổ phong tặng cho Hàn Thông và truất phế Ngạn Thăng, như thế mới hợp cái đạo trị nước, chứ có khi nào lại xua đuổi bỏ đi; nếu như thế thì bao nhiêu kẻ làm tôi tha thiết vì vua mình cũng đuổi bỏ cả hay sao? Và còn lấy gì mà tỏ sự khuyến trừng? Vậy quyết nhiên không có lẽ ấy.
Vả lại viên cựu sứ thần Lê Na (Rheinart) là người nóng nảy, vậy mà còn biết đạo nghĩa, thấy điều thiện biết phục tòng, đối với người biết giữ lễ, ở đã lâu ngày cũng không có lầm lỗi. Huống viên tham sứ của Pháp hiện nay, thấy viên Nguyễn Thành Ý [tại Gia Định] cũng khen là người biết lễ nghĩa, lại thông đạt lí lẽ. Vậy sao từ khi ông ta nhận chức đến nay cũng chưa lâu gì, mà đã xảy ra nhiều điều kia tiếng nọ như thế? Những việc tai nghe so với với lũ Lê Duy Hinh và Nguyễn Hoằng làm đảo lộn phải trái, nhiều điều mê hoặc, muốn làm li gián tình hoà hiếu của hai nước ta để thoả mãn sự căm hờn riêng mà không biết là hại quốc, hại dân không tệ gì bằng, và điều đó không phải là do viên sứ Pháp đã nói và đã làm, thực đã rõ ràng…
… Gần đây Nguyễn Hoằng lại nhiều lúc ngông càn, nhận văn thư tự đem phiên dịch, không đợi bẩm trình, những loại hành động như thế không nói hết được…” (280)
.
Thật ra, nhà vua khéo nói để tránh khích biến Pháp, và tỏ ra quá vương đạo. Thái độ xấc láo, thù hận của De Champeaux cũng không kém gì Rheinart, mà linh mục hành nhân Nguyễn Hoằng, kí lục Hinh chỉ là tay sai của các tên khâm sứ Pháp ấy. Tất nhiên, nếu linh mục “tả đạo” không thù hận triều Tự Đức thì trên đời này còn ai có lòng thù hận!
“… Nay việc giao thiệp nhiều, mà việc dịch thư từ giao cả cho Nguyễn Hoằng, hoặc nhòm nom thiên vị, tự tiện thêm vào làm hỏng việc. Người nước ta học đã thông nhiều, nên sức cho nhiều người dịch để đối chiếu, so sánh có hợp hay không, chớ chuyên nghe một người. Lại như tên kí lục Hinh dịch chữ Hán sai nhầm nhiều. Quan Thương bạc [(lúc này là Bùi Ân Niên) nên thông] tư cho sứ Pháp đổi người khác” (281) .
Giai đoạn lịch sử đầy uất hận, bi phẫn của Đất nước Đại Nam lại sắp phải bước vào một khúc ngoặt cay đắng, đau thương và quật cường khác (282).

Hết tệp 16
(phân đoạn 8, TRỌN truyện kí thứ 8)

Khởi viết truyện kí thứ tám này
vào lúc khoảng 07 giờ sáng,
ngày 17.11.2002 (13.10 Nh. ngọ, HB.2).
Viết đến dòng chữ cuối của truyện kí thứ 8 lúc 16 giờ kém 10 phút,
ngày 30.11.2002 (24.10 Nh. ngọ, HB.2).
Sữa chữa xong vào lúc 15 giờ 24 phút,
ngày 04.12.2002 (01.11 Nh. ngọ, HB.2).


TRẦN XUÂN AN


(270) AOM. Aix, B. 22 (1), dẫn theo Yoshiharu Tsuboi, NĐNĐDVP. & TH., UB.KHXH. TU. Tp. HCM. xb., 1993, tr. 295, 109.

(271) AOM. Aix, Amiraux 12774, dẫn theo Yoshiharu Tsuboi, NĐNĐDVP. & TH., UB. KHXH. TU. Tp. HCM. xb., 1993, tr. 110. Trong văn bản báo cáo này (09.10.1875), Rheinart còn viết: “… Người [Đại] Nam từ chối không thi hành hiệp định (khoản IX); họ đã vi phạm hiệp ước ngay cả bằng cách dùng biện pháp trái với điều đã thoả hiệp…”. Khoản IX của “hoà” ước Giáp tuất 1874 là về tự do truyền bá, theo đạo Thiên Chúa, vốn đã bị trở thành “tả đạo” xâm lược! Nhưng thực dân Pháp cũng không chịu thực hiện điều khoản X về việc triều đình Đại Nam có quyền mở trường dạy chữ Hán, chữ Nôm theo tinh thần dân tộc Việt tại Nam Kì. Điều khoản X này, Nguyễn Văn Tường đã đấu tranh quyết liệt để có thể ghi vào “hoà” ước Giáp tuất 1874. Xin xem lại ở truyện kí thứ bảy (Cưỡng ước “hữu nghị” và thương mại Giáp tuất”). Xem thêm: Dương Kinh Quốc, VN.NSKLS., sđd., tr. 183 – 184: “Thực dân Pháp thiết lập Sở Học chính Nam Kì và đặt chương trình giáo dục hệ Pháp – Việt ở Nam Kì. Chương trình này sử dụng chữ Pháp là chủ yếu; mục đích nhằm loại bỏ dần nền Hán học ở Nam Kì”. Hán học là cách gọi không chính xác, thực chất là nền quốc học Việt Nam lâu đời sử dụng chữ Hán, chữ Nôm.

(272) AOM. Aix, Amiraux 12870, dẫn theo Yoshiharu Tsuboi, NĐNĐDVP. & TH., UB. KHXH. TU. Tp. HCM. xb., 1993, tr. 281.

(273) AOM. Aix, Amiraux 12865 (2), dẫn theo Yoshiharu Tsuboi, NĐNĐDVP. & TH., UB. KHXH. TU. Tp. HCM. xb., 1993, tr. 120 – 121.

(274) AOM. Aix, Amiraux 12873, dẫn theo Yoshiharu Tsuboi, NĐNĐDVP. & TH., UB. KHXH. TU. Tp. HCM. xb., 1993, tr. 279.

(275) NNBCĐH (BAVH.), Delvaux, bài đã dẫn, tập III (1916), sđd., 1997, tr. 39 – 40.

(276) H. Gordier trích dẫn, Yoshiharu Tsuboi dẫn lại với ghi chú về xuất xứ của tư liệu, NĐNĐDVP. & TH., UB. KHXH. TU. Tp. HCM. xb., 1993, tr. 136.

(277) AOM. Aix, Amiraux 12906, dẫn theo Yoshiharu Tsuboi, NĐNĐDVP. & TH., UB. KHXH. TU. Tp. HCM. xb., 1993, tr. 111.

(278) AOM. Aix, Amiraux 13208, dẫn theo Yoshiharu Tsuboi, NĐNĐDVP. & TH., UB. KHXH. TU. Tp. HCM. xb., 1993, tr. 116. Xem thêm: + “Một thương nhân Hoa tên là Châu Thin Muc xin phép khai thác trong hai mươi tám năm một mỏ than nằm trong tỉnh Quảng Nam với số tiền tổng cộng là 190.000 quan tiền trả cho công quỹ” (De Champeaux [?], về mỏ than Nông Sơn tại Quảng Nam, ngày 12.03.1881 (Theo Yoshiharu Tsuboi, việc triều đình Tự Đức cho một người Hoa lãnh trưng như trên đã dẫn “… làm cho các đại diện Pháp phải tức giận vì họ vốn thấy đó là một khu vực mở ra cho quyền lợi Pháp. Sự tức giận đó đã biến thành xung đột vào cuối năm 1880…”) [AOM. Aix, Amiraux 12 / 21, dẫn theo, NĐNĐDVP. & TH., sđd., 1993, tr. 296]. ++ “Tôi tiên liệu là, chỉ ít lâu nữa, chúng ta sẽ buộc phải chiếm cứ thành Hà Nội và giữ việc cai trị thành phố cùng vùng ngoại ô…” (Le Myres de Vilers, gửi bộ trưởng Thương mại và Thuộc địa Pháp Rouvier, 21.12.1881 [cũng là y kiến chỉ đạo cho khâm sứ Pháp tại Huế]) [Tsuboi dẫn theo G. Taboulet, NĐNĐDVP. & TH., sđd., 1993, tr. 113]. +++ “Thật quá muộn để có một quyết định. Chúng ta đã để các hầm mỏ ở Quảng Nam rơi vào tay người Hoa. Chúng ta đã đặt yêu cầu với Huế cho hoãn lại một năm rưỡi cái quyết định tai hại đó, nhưng vì chúng ta tỏ ra lơ là luôn mãi, nên các kẻ cạnh tranh với ta đã thắng cuộc” (De Champeaux, gửi thống đốc Nam Kì, từ Huế, 10.02.1883) [AOM. Aix, Amiraux 12972, dẫn theo NĐNĐDVP. & TH., sđd., 1993, tr. 296].

(279) AOM. Aix, Amiraux 12923, dẫn theo Yoshiharu Tsuboi, NĐNĐDVP. &TH., UB. KHXH.TU. Tp. HCM. xb., 1993, tr. 270.

(280) TVTĐ., tập 2, 1996, tr. 174 – 178.

(281) ĐNTL.CB., tập 35, sđd., 1976, tr. 15.

(282) Khi chúng tôi viết đến những đoạn cuối của truyện kí thứ tám này, các báo đưa tin, GS. Trần Văn Giàu vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động (buổi lễ tổ chức vào ngày 29.11.2002). Tôi sực nhớ trên tạp chí Xưa & Nay, số 29, tháng 7. 1996, GS. Nguyễn Văn Kiệm đã viết trong bài “Ghi nhận về cuộc hội thảo khoa học: Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường [20.6.1996]” như sau: “GS. Trần Văn Giàu bày tỏ sự xúc động khi nhìn bức ảnh chụp Nguyễn Văn Tường nằm trên giường bệnh ở Tahiti, và tuyên bố từ bỏ những ý kiến đánh giá trước đây của mình về nhân vật lịch sử này, và kể từ nay thừa nhận Nguyễn Văn Tường là một trong số những đại quan yêu nước khác của triều đình Huế” . Nói rõ hơn, trong cuốn “Chống xâm lăng” (Nxb. Xây Dựng, Hà Nội, 1959), GS. Trần Văn Giàu vẫn khẳng định Nguyễn Văn Tường là nhà yêu nước… Tuy vậy, trong điều kiện bấy giờ, theo tôi nghĩ (trên cơ sở lời tự giới thiệu của GS. đầu bộ sách “Chống xâm lăng”), có lẽ do thiếu tư liệu, không những GS. bị “nhiễm độc” bởi sách báo thực dân cố đạo, thực dân viễn chinh, cai trị, lại bị chi phối bởi quan điểm mao-ít (maoisme) và chiết trung, nên GS. đã đồng thời phê phán Nguyễn Văn Tường không chủ chiến quyết liệt, đã đầu hàng sau cuộc Kinh đô quật khởi (05.7.1885) một cách hết sức thô bạo và ác ý. Mặt khác, GS. không hề đếm xỉa gì đến những tư liệu gốc của Quốc sử quán triều Nguyễn (ngoài một số đoạn trích trong cuốn sách có tên là “Dương sự thuỷ mạt”)! Đến tháng sáu 1996, GS. đã phủ chính những khía cạnh phê phán thô bạo, ác ý đó, đồng thời tiếp tục khẳng định các hoạt động cũng như tư tưởng yêu nước của Nguyễn Văn Tường. Tuy nhiên, chúng tôi lại thấy vào năm 2001, Nxb. Tp. HCM. lại tái bản bộ sách “Chống xâm lăng” của GS. mà không hề sửa chữa! Do GS. hay do Nxb.? Vì vậy, tôi đã trích dẫn “Chống xâm lăng” với những ý kiến phê bình xen kẽ của tôi, theo hình thức đọc và bình chú, như một cách đối thoại với GS. Trần Văn Giàu. Tôi cũng đã gửi đến tận nhà riêng của GS.. Trong đó, vấn đề tôi nêu ra không chỉ riêng Nguyễn Văn Tường, mà còn đôi nét về triều Nguyễn (tôi chỉ giới hạn từ 1824 đến 1886), đặc biệt là triều Tự Đức, vốn là đối tượng căm thù của thực dân, “tả đạo”, lại còn là đối tượng đả phong (đánh phong kiến) của một thời ấu trĩ “tả” khuynh nữa! Và tôi đã đưa những trang ấy vào cuốn sách của mình: “Nguyễn Văn Tường, ‘những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được’ ”, bản in vi tính, 2002 (chưa có giấy phép, điều kiện xuất bản rộng rãi). Đó chỉ là một vấn đề thuần tuý thuộc về sử học, lại là sử học về một giai đoạn đã cách đây hơn một thế kỉ. Tôi thường nghĩ: Không một ai không từng phạm sai sót nào, kể cả danh nhân, anh hùng chiến đấu và anh hùng lao động từ xưa đến nay, và không một ai có quyền tự cho bản thân cá nhân mình là đại diện tiêu biểu cho một triều đại, một chế độ. Nói trắng ra, tôi mạn phép đối thoại, phản biện với GS. về điểm này hay điểm nọ, trong sự giới hạn vấn đề, không có nghĩa là phê phán chế độ xã hội chủ nghĩa của nước ta, một chế độ đã có công rất lớn trong việc đánh bại những nước thực dân, đế quốc, bành trướng hung hãn nhất trên thế giới: Pháp, Mỹ, bá quyền Trung Quốc (có thể kể cả việc góp phần tiêu diệt phát xít Nhật). Bản thân tôi rất sợ những quy chụp ấu trĩ kiểu đó, mặc dù số lượng bản in vi tính của cuốn sách là rất ít, chỉ gửi ở một số bà con, bạn bè thân thiết, các nhà nghiên cứu sử học và các cơ quan xuất bản. Mỗi đầu sách chỉ công bố vỏn vẹn 10 bản sao chụp (photocopy), con số rất đáng buồn đau và buồn cười trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay! Bởi lẽ, tôi không dám vi phạm quy chế xuất bản. Dẫu sao, cũng xin minh định như thế, bởi trong thực tế, một bản cũng đã đủ bị gây khó dễ bởi những kẻ có chức quyền nhưng ấu trĩ. Đó là chưa kể những “hằn học” của bọn “tả đạo”, không phải là giáo dân Thiên Chúa giáo lương thiện! Với sự hướng đến tinh thần dân chủ đích thực trong học thuật (phê phán thói học phiệt), xin thưa rõ với GS. một lần nữa, và như đã nói, xin một lần nữa minh định như vậy. Kính mong được chỉ giáo thêm (*).


CHÚ THÍCH CẦN NHẤN MẠNH:

1. Từ tháng 9.1885 đến tháng 8.1945, suốt sáu mươi năm ấy (ít ra là hai thế hệ), Đất nước ta và triều đình Huế hoàn toàn bị nô lệ dưới ách thực dân Pháp, mâu thuẫn Đàng Trong – Đàng Ngoài đã tự hoá giải trước nỗi đau chung. Hơn nữa, do sự thay đổi chế độ chính trị ở Trung Quốc, từ thời điểm cuộc cách mạng 1911 do Tôn Văn lãnh đạo nổ ra, rồi sau đó, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, được thành lập vào năm 1949, nên Bắc Kì trở thành một địa phận có vị trí địa – chính trị tốt cho cách mạng nước ta: Bắc Kì giáp giới với Trung Quốc, có đường sắt liên thông đến nước Nga xô-viết. Nga xô-viết đã là thành trì của cách mạng vô sản, cách mạng ý thức hệ trên thế giới. Và tiếp đến, hiệp định Genève 20.7.1954 lại là nhân tố tạo sự hoán chuyển Nam – Bắc… Vai trò lịch sử Nam – Bắc đã hoàn toàn đảo ngược! Xin xem thêm: Trần Xuân An, Mùa hè bên sông, tiểu thuyết, bản 2001 (đã chỉnh lí, bổ sung từ bản 1997) (**). [Chú thích (6), trang 20].

2. Trên quan điểm cụ thể – lịch sử, không thể chấp nhận những chi tiết miêu tả nhân vật, không gian, thời gian (ngoại hình, bối cảnh…) một cách phi lịch sử, tôi đã cố gắng tái hiện nhân vật lịch sử với trang phục, nhân sinh quan, thế giới quan của thời đại họ sống và hành xử, cũng không quên lưu tâm đến những nét tính cách riêng, hoàn cảnh riêng của từng nhân vật, đồng thời, cố gắng tái hiện sự kiện lịch sử đúng như không – thời gian mà từng sự kiện đã diễn ra. Đặc biệt, trong khía cạnh ngôn từ của các nhân vật, tôi cũng không thể không chú ý đến tính không – thời gian cụ thể, nhất định (ngôn từ đối thoại, suy tư thuộc nửa sau thế kỉ XIX ở nước ta…). Điều đó không có nghĩa là người viết thuộc hệ ý thức phong kiến Đại Nam trong giai đoạn từ 1824 đến 1886! Ý thức tái hiện lịch sử phong kiến trong tác phẩm truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử này hoàn toàn khác biệt với ý hướng phục hồi chế độ phong kiến lỗi thời trong thực tại hiện nay! Tôi cũng cố gắng không đả phong (đánh phong kiến) một cách ác tâm, bằng cách bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo, hoặc cường điệu quá mức những gì lỗi thời của thực trạng phong kiến nửa sau thế kỉ XIX ở nước ta nhằm mục đích bôi nhọ với các thủ pháp tuyên giáo ấu trĩ, hạ cấp, thiếu trung thực nên cũng thiếu sức thuyết phục, không có giá trị lâu dài.

Soạn xong phần chú thích
vào lúc 19 giờ 24 phút,
ngày 06.12. 2002 (03.11 Nh. ngọ HB.2).


TRẦN XUÂN AN

Cước chú của chú thích (282) & Chú thích cần nhấn mạnh 1:

(*) Ghi chú trong bản thảo (khi chưa được xuất bản bộ sách này).
(**) Cuốn tiểu thuyết ”Muà hè bên sông”, tôi (TXA.) đã sửa chữa, bổ sung lần thứ ba vào năm 2003, có nhan đề phụ là ”Nỗi đau hậu chiến”, gọi là bản 2003 (b.2003).


MỤC LỤC

1. Truyện kí thứ bảy: Cưỡng ước “hữu nghị” và cưỡng ước thương mại Giáp tuất 1874.
2. Truyện kí thứ tám: Cuộc chiến ngoại giao và ngoại thương.

Mục lục.
Danh mục sách của tác giả.


Ghi chú để kỉ niệm:
DANH SÁCH NHỮNG NGƯỜI
ĐÃ ĐƯỢC GỬI VÀ TẶNG bản thảo SÁCH NÀY:

1. Thầy Trần Viết Ngạc
2. Chú Nguyễn Văn An (bà con)
3. Chú Nguyễn Văn Toàn (bà con) [tập I]
4. Anh Nguyễn Hạnh và Tạp chí Xưa & Nay
5. Bạn Inrasara và bạn Trần Tiến Dũng (chung một cuốn)
6. Chú Nguyễn Văn Phước (bà con)
7. Bạn Võ Văn Tám (Võ Nguyên ở Bình Thuận) [tập I]
8. Bạn Lê Phước Sinh (TT. Ngoại ngữ Đông Á TP. HCM.)
9. Ông Dương Trung Quốc và TS. Đào Hùng (chung một cuốn)
10. Ông Lê Văn Thuyên (Tạp chí Huế Xưa & Nay) và TS. Đỗ Bang (chung một cuốn)
+++ Và một số bài ở dạng bản thảo vi tính, cỡ giấy A 4, gửi ở các toà soạn Văn Nghệ TP. HCM., Sông Hương, Cửa Việt…

++++ Ghi chú: Anh Nguyễn Hạnh có đưa cho ông TRIỀU ANH (Việt kiều Bỉ, tác giả cuốn “Những trang sử cuối cùng về chữ Hán – Nôm”, Nxb. Đồng Nai, 1999) đọc.

11. Nhà thơ Nguyễn Phan Hách (Nxb. Hội Nhà văn).
12. Bạn Nguyễn Công Bình (Nxb. Thanh Niên).

TP.HCM., tháng 12 – 2002 (năm thứ 2 công nguyên Hòa Bình : HB5)
Trân trọng, chân thành cảm ơn quý vị và bạn bè có ghi tên trong danh sách trên.
Tác giả,

TXA.

Ghi chú thêm:
◘ Thay vì viết tay trên giấy rồi mới xếp chữ như các cuốn trước, đây là lần đầu tiên tôi thử viết trên bàn phím và màn hình máy vi tính. Tập I đã viết xong, tập II này cũng được tiếp tục với cách thức như vậy.

Khởi viết từ 08 giờ 39 phút, ngày 25.10.2002
(20.9 Nhâm ngọ, năm thứ hai công nguyên Hoà Bình).

◘ Bản tự nhuận sắc (02.2004, font VNI-Centur) này, có thể nói là hoàn toàn không khác gì bản sơ thảo hoàn chỉnh (2002 – 2003, font VNI-Times), trừ một vài câu chữ được trau chuốt lại và dăm chi tiết nhỏ cần chỉnh lí.

18 giờ 10 phút ngày 23.02.HB.4
(04.02 Giáp thân HB.4).

◘ Đổi font, sửa lỗi sắp chữ và bổ sung một vài chi tiết (như bản dụ về binh lính xuất thân từ Bắc Kì…): 13.02.HB.4 (23.01. Giáp thân HB.4)

TXA.

In ở bìa 4


“… Bộ truyện kí – khảo cứu tư liệu lịch sử này cũng thể hiện ước mong: Mỗi người chúng ta tự đối diện với chính mình. Hình như đấy là nỗi ước mong của lịch sử với biết bao xương máu! Tôi cảm nhận nỗi ước mong ấy khi nghiên cứu và trong quá trình viết.
Điều cuối cùng cũng là đầu tiên trong cuốn tiểu thuyết tư liệu này vẫn là: Đoàn kết dân tộc và đoàn kết nhân loại.
Nếu bộ truyện kí – khảo cứu tư liệu lịch sử này tình cờ được để mắt đến, hi vọng người đọc, gồm cả những người Pháp, người Hoa, người Âu Mỹ nói chung, gồm cả những tu sĩ, giáo dân Thiên Chúa giáo tại Việt Nam và trên mọi đất nước, sẽ không trút giận vào tác giả, do sự thật lịch sử được cố gắng tái hiện một cách trung thực nhất…”
.

(trích Vài lời thưa trước của tác giả).


HẾT TỆP 16
(PHÂN ĐOẠN 8,
trọn TRUYỆN KÍ THỨ 8)
thuộc tập II bộ sách “PCĐT. NVT.”

H Ế T T Ậ P II
(gồm 3 blogs : II A, II B, II C)



Ghi chú về tác giả:
Trần Xuân An
(có bài kí bút danh: Trần Ngôn Sử)
Sinh ngày 10. 11. 1956 tại Huế;
Nhân tộc: Kinh (Việt Nam);
Quê gốc: Quảng Trị;
Tốt nghiệp khoa ngữ văn Việt ĐHSP. Huế (1974 – 1978);
Dạy học tại Lâm Đồng, 1978 – 1983;
Hiện nay, chuyên sáng tác, nghiên cứu
(Hội viên Hội Nhà văn TP. HCM.).

1971, cùng bạn bè chủ trương tập san Đất Vàng, trong giới học sinh ở Tam Kỳ (Quảng Nam – Đà Nẵng), với bút hiệu Huyên Đình (Người Mẹ).
1973, “Tiếng chuông xưa” , bài thơ lãng mạn đầu tiên in trên Tuổi Ngọc.
1975, được tặng thưởng “Một trong mười bài thơ hay nhất trong năm” của báo Văn nghệ Giải phóng.
1991, giải Sáng tạo trẻ, Hội VHNT. Quảng Trị.

DANH MỤC
TÁC PHẨM, SOẠN PHẨM, BIÊN KHẢO
CỦA TÁC GIẢ
(tính đến 2005)

Tác phẩm đã xuất bản và đã đăng kí bản quyền tại Cục bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam:

1. Nắng và mưa, thơ, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991.
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm
2. Hát chiêu hồn mình, thơ, Nxb. Đồng Nai, 1992.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap2.blogspot.com/
3. Tôi vẫn ở trên đường, thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1993.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap3.blogspot.com/
4. Lặng lẽ ở phố, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantthitap4.blogspot.com/
5. Kẻ bị ném vào bão, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap5.blogspot.com/
6. Hát với đời ơi thương mến, thơ, Nxb. Trẻ, 1996.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap6.blogspot.com/
7. Quê nhà yêu dấu, trường ca thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1998.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantruongcatho7.blogspot.com/
8. Có một nơi lá mãi xanh, tiểu thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, 1999.
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm
Blogger tháng 12-2005
http://tranxuanancmnlamaixanh.blogspot.com/
http://tranxuanancmnlamaix2.blogspot.com/
9. Ngôi trường tháng giêng, tiểu thuyết, 1998, Nxb. Thanh Niên, 2003.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/
10. Sen đỏ, bài thơ hoà bình, tiểu thuyết, 1999, Nxb. Thanh Niên, 2003.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanansendobthhbinh.blogspot.com/
11. Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, trọn bộ 4 tập, 2002 – 2003; Nxb. Văn Nghệ TP. HCM.
http://www.giaodiem.com tháng 11-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm
Blogger tháng 12-2005
http://tranxuananpcdtnvt1a.blogspot.com/ & … 2a … 2b … 2c …
12. Ngẫu hứng đọc thơ, phê bình thơ, 2003; NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 2005
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm
Blogger tháng 12-2005
http://tranxuananbinhtho.blogspot.com/

Tác phẩm đã hoàn tất bản thảo:

13. Mùa hè bên sông (Nỗi đau hậu chiến), tiểu thuyết, 1997; hai bản đã sửa chữa và bổ sung, 2001 (lần hai) và 2003 (lần ba).
Website Giao Điểm:
http://www.giaodiem.com tháng 6-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/605_index.htm
14. Thơ những mùa hương, thơ.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantthitap9.blogspot.com/
http://tranxuananthitap9.blogspot.com/
15. Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên, thơ.
http://www.giaodiem.com tháng 9-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm
16. Nước mắt có vị ngọt, tập truyện ngắn, 1999.
http://www.giaodiem.com tháng 10-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1005_index.htm

Soạn phẩm biên khảo đã hoàn tất bản thảo:

17. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), thơ – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (biên soạn – nghiên cứu, phản bác, và tập hợp một số bản dịch, bài khảo luận văn học và sử học về NVT.), 2000 & 2003.
http://www.giaodiem.com tháng 8-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/805_index.htm
18. Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường – “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp” (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001.
19. Những trang Đại Nam thực lục về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) và các sự kiện thời kì đầu chống thực dân Pháp… (Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học VN.), chọn lọc, phần II, 2001.
20. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, 2002 & 2003. Website Giao Điểm:
http://www.giaodiem.com
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/505_index.htm
21. Suy nghĩ về một số vấn đề trong lịch sử cổ đại nước ta, khảo luận, 7.2004.
http://www.giaodiem.com tháng 9-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm

Địa chỉ:
71B Phạm Văn Hai,
Phường 3, quận Tân Bình
(cửa hiệu PHAN HUYÊN)
TP. HCM.
ĐT.: 08.8453955
& 0908 803 908
Email: tranxuanan_vn@yahoo.com


TRUY CẬP THÊM CÁC ĐỊA CHỈ WEBs/ BLOGs
(bấm vào LINKs sau đây):

http://tranxuananthitap9.blogspot.com/
http://tacphamtranxuanangiaodiem.blogspot.com/
http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/
http://tranxuanansendobthhbinh.blogspot.com/
http://tranxuanantthitap4.blogspot.com/
http://tranxuananthitap3.blogspot.com/
http://tranxuananthitap6.blogspot.com/

http://tranxuanantthitap9.blogspot.com/
http://tranxuananthitap2.blogspot.com/
http://tranxuanantruongcatho7.blogspot.com/
http://tranxuananthitap5.blogspot.com/

http://tranxuanantthitap1.blogspot.com/

http://tranxuanantieuluan.blogspot.com/
http://tranxuanantieuluan9b.blogspot.com/

http://tranxuanancmnlamaixanh.blogspot.com/
http://tranxuanancmnlamaix2.blogspot.com/

http://tranxuananbinhtho.blogspot.com/

http://tranxuananpcdtnvt1a.blogspot.com/
http://tranxuananpcdtnvt2a.blogspot.com/
http://tranxuananpcdtnvt2b.blogspot.com/
http://tranxuananpcdtnvt2c.blogspot.com/

HOẶC CÓ THỂ BẤM VÀO DÒNG CHỮ
WIEW MY COMPLETE PROFILE
Ở BẢNG ABOUT ME
ĐỂ ĐỌC NHỮNG TÁC PHẨM KHÁC CỦA TÁC GIẢ
TRÊN WEBs / BLOGGER.

NGOÀI RA, CÓ THỂ TRUY CẬP THÊM
CÁC TÁC PHẨM SÁNG TÁC, KHẢO LUẬN, BIÊN SOẠN
CỦA TÁC GIẢ
TRÊN TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ GIAO ĐIỂM
(xin bấm vào các đường LINKs sau đây):

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/505_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/605_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/805_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1005_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_txa-ky-content.htm


Trân trọng và cảm ơn.
Tác giả,
Trần Xuân An



H Ế T T Ậ P II
Xin xem tiếp tập III

Bộ sách “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)”
NHÀ XUẤT BẢN VĂN NGHỆ TP. HCM.
2004
trọn bộ 4 tập
985 trang sách, cỡ 16 cm x 24 cm
(trong bản đã xuất bản, tạm gác lại một số đọan chú thích).

0 Comments:

Post a Comment

<< Home